Thu nhập bình quân tháng của một lao động trong khu vực nhà nước năm 2007 cn rất thấp và có chênh lệch.
Từ các thông tin trên có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý: Có 13 ngành có thu nhập bình quân cao hơn mức bình quân chung, trong đó làm ăn phát đạt nhất, có thu nhập cao nhất là ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cao gấp hơn hai lần mức bình quân chung và cao gấp gần 3,3 lần ngành có thu nhập thấp nhất.
Với mức bình quân chung một lao động thuộc khu vực nhà nước của Việt Nam tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái chưa được 130 USD là một mức còn rất thấp.
Nếu bình quân một lao động phải nuôi một người, thì bình quân một khẩu trong gia đình công nhân viên chức cũng chỉ có 1 triệu đồng hay 65 USD/tháng thì mức sống còn khó khăn hơn.
Đó là nói về mức bình quân chung, nhưng đối với lao động thuộc khu vực nhà nước do địa phương quản lý, những ngành có thu nhập thấp hơn mức bình quân chung (gồm có 6 ngành: y tế và hoạt động cứu trợ xã hội, giáo dục và đào tạo, xây dựng, hoạt động dịch vụ khác, Đảng - đoàn thể - hiệp hội và nông - lâm nghiệp - thủy sản) thì còn khó khăn hơn nữa.
Tình hình trên làm xuất hiện một số tình trạng không thể không quan tâm.
Thứ nhất, tình trạng chuyển dịch lao động theo các xu hướng khác nhau. Không ít số lao động thuộc khu vực nhà nước đã, đang và sẽ có xu hướng chuyển sang làm việc ở các khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Xu hướng này biểu hiện rất mạnh ở các nhóm người: nam giới, trẻ khỏe, có trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, kể cả một số cán bộ, công chức đã làm ở cơ quan nhà nước hàng chục năm, số có bằng cấp (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ), thậm chí cả cán bộ cấp phòng, cấp vụ. Cứ theo xu hướng này thì số lao động nam giới, số trẻ khỏe, số người giỏi sẽ ít vào hoặc ra khỏi khu vực nhà nước! Đã lâu lắm rồi (trừ những năm có chế độ tinh giản biên chế đặc biệt), tổng số lao động khu vực nhà nước lại giảm như năm nay (năm ngoái có 4.038,8 nghìn người thì năm nay chỉ còn 4.007,8 nghìn người).
Thứ hai, thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân quan trọng làm xuất hiện hoặc làm cho tình trạng không ít người làm việc trong khu vực "sáng vác ô đi tối vác về" tái diễn. Một số không ít người đã khai thác tối đa các kẽ hở của chính sách hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, danh nghĩa nhà nước để nhũng nhiễu. Một số không ít khác tận dụng thời gian, phương tiện cơ quan nhà nước để làm việc riêng, như chơi chứng khoán, thậm chí điều hành cửa hàng, công ty ở bên ngoài, không còn quan tâm, lơ là trách nhiệm của cán bộ, công chức.