Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) về một số chính sách phát triển thủy sản hết hiệu lực từ 31/12/2016, tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng đã đồng ý gia hạn thêm 1 năm (31/12/2017) đồng thời giao Bộ NN&PTNN xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 67 trình Chính phủ trong quý 2/2017.
Nghị định 67 giúp ngư dân vươn khơi, bám biển
Báo cáo sau 3 năm triển khai NĐ 67 cho thấy đã có trên 50% số tàu trong chương trình được đóng mới là tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, với trên 52% tàu có công suất trên 800CV được trang bị hiện đại.
Tính đến 28/2/2017, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 932 tàu, chiếm 48% tàu cá được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu, với số tiền cam kết cho vay khoảng 9.139 tỷ đồng. Hiện đã có 557 tàu cá đóng mới và 104 tàu nâng cấp đi vào hoạt động tại nhiều tỉnh thành trong cả nước; tính đến ngày 28/2/2017, các chủ tàu đã trả nợ gốc cho ngân hàng đạt 65 tỷ đồng, tổng dư nợ còn 7.963 tỷ đồng.
Về chính sách BH, năm 2015 tổng số tàu tham gia BH thân tàu, ngư lưới cụ là 10.602 tàu cá; tổng số lượng thuyền viên được BH là 102.784 thuyền viên; tổng số phí BH là 261,9 tỷ đồng. Tổng giá trị BH là 25.169 tỷ đồng.
Năm 2016: Đến 31/12, số tàu tham gia BH thân tàu, ngư lưới cụ là 21.821 tàu cá với giá trị BH là 393 tỷ đồng, đã hỗ trợ được 336 tỷ đồng; số lượng thuyền viên được hưởng BH là 190.863 thuyền viên với số phí BH là 55,4 tỷ đồng...
Ngay sau khi NĐ 67 chính thức hết hiệu lực (31/12/2016), Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 113/NQ-CP (Nghị quyết 113) thống nhất kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách quy định tại NĐ 67 đến hết ngày 31/12/2017. Đồng thời giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh liên quan khẩn trương tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách quy định tại NĐ 67, báo cáo Chính phủ trong quý 1/2017. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá, Chính phủ cũng giao cho Bộ NN& PTNN xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 67 theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong quý 2/2017.
Thực hiện Nghị quyết số 113/NQ-CP, ngày 31/3/2017, Bộ Tài chính đã gửi công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng thời chỉ đạo 4 doanh nghiệp bảo hiểm được phép tham gia triển khai BH theo NĐ 67 gồm Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo Minh, Bảo hiểm Petrolimex tiếp tục thực hiện chính sách BH theo NĐ 67 đến hết ngày 31/12/2017.
Tiếp tục triển khai Nghị định 67
Theo sự chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị Quyết 113, mới đây, Bộ NN& PTNN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67.
Bộ NN& PTNN cho biết, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 67 được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn đảm bảo tính phù hợp, thống nhất với các văn bản quy phạm phát luật hiện hành; đảo đảm tính kế thừa các quy định đã được áp dụng và phù hợp thực tế, đồng thời giải quyết những vướng mắc trong quy trình triển khai thực hiện NĐ 67, đáp ứng yêu cầu thực tế của sản xuất.
Liên quan đến vướng mắc về chính sách BH khi triển khai NĐ 67, Bộ NN& PTNN cho rằng, NĐ 67 ban hành nhằm hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn và yên tâm khi hoạt động sản xuất trên biển, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển cũng như bảo đảm tài sản thế chấp cho nguồn vốn vay đóng mới, nâng cấp. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ chỉ đến hết năm 2016, trong khi các khoản vay kéo dài từ 10 đến 15 năm nên khó khăn cho ngân hàng để bảo toàn nguồn vốn vay, do vậy Bộ NN& PTNN đề xuất sửa đổi, bổ sung thời gian thực hiện chính sách BH sao cho phù hợp với thời gian hợp đồng tín dụng vay vốn đóng tàu, nâng cấp tàu; thay thế chính sách hỗ trợ BH đang thực hiện theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 67 mà Bộ NN& PTNN đang dự kiến trình Chính phủ, chính sách BH (Điều 5) được quy định như sau: Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua BH cho các tàu khai thác thủy sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác thủy sản, nghiệp đoàn nghề cá và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên.
Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua BH tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ hàng năm kinh phí mua BH thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (BH mọi rủi ro) với mức: 70% kinh phí mua BH đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 90% kinh phí mua BH đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên..., nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển./.