I. TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Năm 2010 kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2006 -2010, Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN, cả nước thi đua chào mừng ngày lễ lớn 80 năm thành lập Đảng, 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 65 năm ngày Quốc khánh, 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tiến hành Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc. Với khí thế trên, nền kinh tế xã hội Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn thách thức ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra. GDP vượt mốc 100 tỉ USD tăng trưởng trên 6,7%, bình quân đầu người 1.160 USD, Tăng trưởng nông nghiệp 2,6%, công nghiệp và xây dựng 7,6%, dịch vụ 7,5%, xuất khẩu trên 70 tỉ USD chiếm 70% GDP trong đó một số mặt hàng nông lâm hải sản có giá trị cao như gỗ và đồ gỗ 3,4 tỉ USD, gạo 3,23 tỉ USD, cao su 2,32 tỉ USD, tôm 2 tỉ USD, hạt điều 1,14 tỉ USD. Quốc tế ghi nhận cố gắng giảm hộ nghèo của Việt Nam từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010. Những thuận lợi trên là tiền đề cho ngành bảo hiểm tăng trưởng.
Tuy nhiên, ngành bảo hiểm cũng gặp không ít khó khăn từ nền kinh tế xã hội, sự kiện Vinashin làm cho một số DNBH tồn đọng phí bảo hiểm chưa thu được. Giá vàng, tỉ giá ngoại hối và lãi suất thay đổi ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Lũ lụt liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung làm gia tăng bồi thường bảo hiểm nhưng không đáng kể so với tổng thiệt hại khoảng 16.050 tỉ đồng của nhiều đối tượng chưa mua bảo hiểm. Những tổn thất do bão lũ miền Trung để lại hậu quả nghiêm trọng với 260 người chết, 96 người mất tích, 491 người bị thương, 6.000 ngôi nhà bị sập đổ trôi, 471.985 nhà ngập, hư hại, tốc mái, 312.000 ha lúa hoa màu bị hư hỏng.
Năm 2010, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính-Cục Quản lý giám sát bảo hiểm nâng cao chế độ quản lý nhà nước thông qua việc kiểm soát chặt chẽ đào tạo đại lý bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra một số DNBH và việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới.
Năm 2010, các DNBH đã hoàn thành lộ trình có đủ vốn pháp định 300 tỉ đồng đối với phi nhân thọ, 600 tỉ đồng đối với nhân thọ, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp cổ phần. Bộ Tài chính đã cấp giấy phép hoạt động cho 2 DNBH là Công ty TNHH Bảo hiểm Phi nhân thọ Cathay và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam và chấp thuận về mặt nguyên tắc cấp phép cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Generali.
Năm 2010, ngành bảo hiểm hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2003 – 2010 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và kế hoạch 5 năm phát triển thị trường bảo hiểm 2006 – 2010 của Bộ Tài chính.
Doanh thu bảo hiểm năm 2010 đạt 30.844 tỉ đồng xấp xỉ chỉ tiêu chiến lược đề ra trong đó BH phi nhân thọ đạt 17.052 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu Chiến lược 91%, BH nhân thọ đạt 13.792 tỉ đồng đạt 45% so với chỉ tiêu Chiến lược, thu nhập đầu tư 8.200 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư của DNBH ước đạt trên 92.000 tỉ đồng (tương đương 4,6 tỉ USD) đạt chỉ tiêu chiến lược. Tổng số đại lý bảo hiểm trên 200.000 người, tăng 33% so với chỉ tiêu chiến lược, Năng lực tài chính của DNBH ngày một tăng. Tổng vốn chủ sở hữu 30.100 tỉ đồng trong đó nhân thọ 10.600 tỉ đồng, Phi nhân thọ 19.500 tỉ đồng.
II. THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ
1. Khái quát chung thị trường bảo hiểm phi nhân thọ
Hiện tượng cạnh tranh gay gắt bằng hạ phí BH, mở rộng điều khoản, điều kiện BH đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều DNBH đã chú ý đến hiệu quả hướng tới mục tiêu không lỗ về nghiệp vụ BH bằng cách xây dựng công nghệ quản lý khai thác bồi thường hiện đại tiên tiến, đặt chỉ tiêu giảm chi phí quản lý hành chính và bồi thường. Nhiều DNBH đã chú ý đến phát triển sản phẩm mới, mở rộng các tiện ích của sản phẩm BH, tăng thêm các dịch vụ chăm sóc khách hàng, mở rộng kênh phân phối qua ngân hàng và các tổ chức khác.
Tổng doanh thu phí BH phi nhân thọ đạt 17.052 tỉ đồng tăng 24,9% so với năm 2009. Dẫn đầu doanh thu là Bảo Việt 4.198 tỉ đồng, PVI 3.512 tỉ đồng, Bảo Minh 1.942 tỉ đồng, PJICO 1.592 tỉ đồng, PTI 679 tỉ đồng. Các DNBH có tỉ lệ tăng trưởng doanh thu cao là MSIG 327,2%, Groupama 228%, ACE 198,6%, Fubon 98,3%, Bảo Ngân 96,6%, Hùng Vương 94,8%, SVIC 93%. Các nghiệp vụ BH thuộc nhóm trên 1.000 tỉ đồng là Xe cơ giới 5.378 tỉ đồng, Tài sản và thiệt hại 3.698 tỉ đồng, Sức khỏe và tai nạn con người 2.501 tỉ đồng, Xây dựng lắp đặt 2.051 tỉ đồng, Thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu 1.796 tỉ đồng, Cháy nổ và mọi rủi ro 1.436 tỉ đồng, Hàng hóa vận chuyển 1.248 tỉ đồng, Bảo hiểm dầu khí 1.204 tỉ đồng. Các DNBH có tỉ lệ bồi thường cao là SVI 74,7%, Bảo Long 70,1%, Liberty 64%, Bảo Minh 42,6%, PJICO 42%, Các nghiệp vụ có tỉ lệ bồi thường cao là BH xe cơ giới 49,9%, BH Sức khỏe con người 43,1%. BH mọi rủi ro tài sản 40,1%,
2. Nghiệp vụ BH xe cơ giới
BH xe cơ giới đạt doanh thu 5.378 tỉ đồng tăng trưởng 23% dẫn đầu nghiệp vụ BH Phi nhân thọ và chiếm tỉ trọng 31,5%. Dẫn đầu doanh thu là Bảo Việt 1.272 tỉ đồng, PJICO 791 tỉ đồng, PVI 628 tỉ đồng, Bảo Minh 538 tỉ đồng, PTI 303 tỉ đồng, AAA 271 tỉ đồng, MIC 217 tỉ đồng. Các doanh nghiệp có tỉ trọng bảo hiểm xe cơ giới chiếm trên 50% là AAA, Bảo Long, Liberty, MIC, Thái Sơn, VASS. Bồi thường BH xe cơ giới 2.368 tỉ đồng (chưa kể tổn thất xảy ra đang giải quyết bồi thường), các DNBH có tỉ lệ bồi thường cao là Liberty 72%, BV Tokio Marine 66%, Bảo Long 65,7%, Bảo Minh 59,6%, Bảo Việt 53%, AAA 52,8%, ABIC 52%, PVI 51,9%.
Năm 2010 nhiều DNBH đã quản lý chặt chẽ khâu khai thác và giải quyết bồi thường phòng chống trục lợi bảo hiểm. Quỹ BH xe cơ giới đã tổ chức cho đại diện của một số DNBH khảo sát học tập kinh nghiệm BH và phần mềm dữ liệu BH xe cơ giới tại Malaysia.
HHBHVN phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt tổ chức đào tạo khóa học giám định phân tích hồ sơ tai nạn giao thông cho hơn 200 cán bộ BH của các DNBH.
HHBHVN phối hợp với Bộ Tài chính – Trung ương đoàn tuyên truyền chế độ BH xe cơ giới trong thanh niên. Thông qua Quỹ BH xe cơ giới các DNBH đã đầu tư hơn 12 tỉ đồng để thực hiện 8 công trình đề phòng hạn chế tổn thất tại Gia Lai, Kontum, Lạng Sơn, Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Bắc Kạn và tài trợ 2 xe cứu thương cho trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. Quỹ BH xe cơ giới đã chi hỗ trợ nhân đạo cho người nhà nạn nhân bị tử vong do không phát hiện được xe gây tai nạn hay xe không tham gia BH, tổng số 11 trường hợp với số tiền 55 triệu đồng.
3. Nghiệp vụ BH tai nạn và chăm sóc y tế
BH tai nạn và chăm sóc y tế đạt doanh thu 2.502 tỉ đồng, tăng trưởng 27,6%. Các DNBH có doanh thu cao là Bảo Việt 1.083 tỉ đồng, Bảo Minh 441 tỉ đồng, PVI 164 tỉ đồng, PJICO 134 tỉ đồng, ABIC 97 tỉ đồng. Số tiền đã giải quyết bồi thường 1.077 tỉ đồng chiếm 43,1%. Các DNBH có tỉ lệ bồi thường cao là Phú Hưng 412,1%, Bảo Long 110,4%, Bảo Minh 51,4%, Liberty 47,2%, Pjico 46,6%, Vass 45,7%.
Bảo hiểm tai nạn và chăm sóc y tế là nghiệp vụ BH được các DNBH cải tiến sản phẩm BH và đưa ra nhiều sản phẩm BH mới mang tính đặc thù và cạnh tranh cao. Nhờ có quản lý tốt nên tỉ lệ bồi thường đã giảm đáng kể so với 2009.
4. Nghiệp vụ BH thân tàu và TNDS chủ tàu
BH thân tàu và TNDS chủ tàu đạt doanh thu 1.796 tỉ đồng, tăng trưởng 16,3%, các DNBH có doanh thu cao là Bảo Việt 526 tỉ đồng, PVI 512 tỉ đồng, Bảo Minh 251 tỉ đồng, PJICO 196 tỉ đồng, BIC 66 tỉ đồng, GIC 64 tỉ đồng. Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường là 689 tỉ đồng. Các DNBH có tỉ lệ bồi thường cao là ABIC 50%, Pjico 47,8%, PVI 45,9%.
Năm 2010 xuất nhập khẩu tăng trưởng hàng hóa vận chuyển tăng làm tăng trưởng ngành vận tải biển song sự kiện Vinanshin cũng ảnh hưởng tới doanh thu BH đóng tàu. Hội BH tương hỗ các chủ tàu quốc tế tăng phí BH cho các DNBH Việt Nam trong khi DNBH lại thu phí cố định cho các chủ tàu nên cũng chịu thiệt thòi. Các DNBH có những bước dài hợp tác với nhau để đàm phán với Hội BH quốc tế để đem lại lợi ích hơn cho phía DNBH Việt Nam.
HHBHVN đã tổ chức lớp đào tạo BH tàu biển tại Học viện BH Malaysia với 12 cán bộ BH tham dự. Tuy nhiên những cảnh báo rủi ro về tổn thất nhất là tổn thất toàn bộ với tàu chạy ven biển Việt Nam còn ít DNBH chú ý đến.
5. Nghiệp vụ BH xây dựng lắp đặt
BH xây dựng lắp đặt đạt doanh thu 2.051 tỉ đồng tăng trưởng 30,5%. Các DNBH có doanh thu cao là PVI 386 tỉ đồng, Bảo Việt 350 tỉ đồng, Bảo Minh 230 tỉ đồng, PJICO 157 tỉ đồng, SVI 122 tỉ đồng, ABIC 103 tỉ đồng. Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường 593 tỉ đồng. Các DNBH có tỉ lệ bồi thường cao là SVI 126,1%, QBE 80,5%, Bảo ngân 55,3%, PVI 40,9%.
HHBHVN đã phối hợp với HHBH Phi nhân thọ Nhật Bản tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ BH xây dựng lắp đặt công trình ngầm, cao ốc, đường xe điện ngầm và điện nguyên tử để chuẩn bị cho BH kỹ thuật giai đoạn tiếp theo.
6. Nghiệp vụ BH cháy nổ và mọi rủi ro tài sản
BH cháy nổ và mọi rủi ro tài sản đạt doanh thu 1.436 tỉ đồng, tăng trưởng 23%, trong đó BH cháy nổ bắt buộc đạt doanh thu 304 tỉ đồng tăng 67,5%, Các DNBH có doanh thu cao là PVI 367 tỉ đồng, Bảo Minh 291 tỉ đồng, Bảo Việt 157 tỉ đồng, PJICO 97 tỉ đồng, BIC 78 tỉ đồng. Tổng số tiền bồi thường là 466 tỉ đồng chiếm 32,4% doanh thu. Các DNBH có tỉ lệ bồi thường cao là ABIC 355,9%, BIC 119,2%, PJICO 74,6%, Bảo Long 55,3%, Groupama 53,1%, VASS 48,3%, Bảo Việt 47,6%. Những khó khăn về rủi ro cao với BH gián đoạn kinh doanh đi kèm với BH cháy nổ và mọi rủi ro đối với các resort, nguy cơ cháy nổ cao với cơ sở sản xuất kinh doanh gỗ, giầy da, may mặc cũng chưa được nhiều DNBH chú ý nên tình trạng cạnh tranh hạ phí mở rộng điều kiện điều khoản không tương xứng với rủi ro BH vẫn diễn ra gay gắt.
Trong năm, HHBHVN phối hợp với văn phòng đại diện AXA tổ chức hội thảo BH cháy nổ và mọi rủi ro tài sản với mục đích phổ biến nghiệp vụ và kinh nghiệm của Châu Âu và Châu Á tới thị trường BH Việt Nam.
7. Nghiệp vụ BH hàng hóa vận chuyển
BH hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 1.248 tỉ đồng, tăng trưởng 31%. Các DNBH có doanh thu cao là Bảo Việt 310 tỉ đồng, PJICO 175 tỉ đồng, PVI 103 tỉ đồng, Bảo Minh 102 tỉ đồng, SVI 83 tỉ đồng. Tổng số tiền bồi thường 366 tỉ đồng chiếm 29,3%. Các DNBH có tỉ lệ bồi thường cao là ACE 657,1%, Bảo Long 138,2%, BV Tokio Marine 32,7%, các DNBH còn lại dưới 30%.
So với kim ngạch xuất khẩu 70 tỉ USD, nhập khẩu 84 tỉ USD thì phí BH thu được còn quá khiêm tốn. Những cảnh báo về rủi ro khi không thu phí tàu già, một số cảng biển và một số mặt hàng có tổn thất cao ít được DNBH chú ý vẫn tiếp tục cạnh tranh giành giật khách hàng một cách gay gắt.
Trong năm, HHBHVN đã tổ chức khóa đào tạo BH hàng hóa vận chuyển tại Học viện BH Malaysia với 12 cán bộ BH tham dự.
8. Nghiệp vụ BH khác
- BH hàng không đạt doanh thu 517 tỉ đồng, tăng trưởng 19%. Các DNBH có doanh thu cao là VNI 202 tỉ đồng, Bảo Việt 198 tỉ đồng, PVI 68 tỉ đồng, Bảo Minh 41 tỉ đồng,
- BH máy móc thiết bị đạt doanh thu 93 tỉ đồng, tăng trưởng 46,3%. Các DNBH có doanh thu cao là BIC 26 tỉ đồng, Bảo Long 18 tỉ đồng, Bảo Việt 12 tỉ đồng, UIC 10 tỉ đồng,
- BH thiết bị điện tử đạt doanh thu 100 tỉ đồng, tăng 8,4%,
- BH dầu khí đạt doanh thu 1.204 tỉ đồng, tăng 59,4%, các DNBH có doanh thu cao là PVI 1.204 tỉ đồng, PVI chiếm tỉ trọng tuyệt đối trong lĩnh vực BH dầu khí.
- BH trách nhiệm chung đạt doanh thu 397 tỉ đồng, tăng 26%. Các DNBH có doanh thu cao là Bảo Việt 81 tỉ đồng, PVI 54 tỉ đồng, Chartis 46 tỉ đồng, Bảo Minh 41 tỉ đồng,
- BH nông nghiệp đạt doanh thu 9 tỉ đồng, tăng 467%, các DNBH có doanh thu cao là GIC 5,9 tỉ đồng, Bảo Việt 1,8 tỉ đồng, PVI 1,6 tỉ đồng.
- BH tín dụng và rủi ro tài chính đạt doanh thu 22 tỉ đồng, tăng 192,2%, các DNBH có doanh thu cao là MIC 6 tỉ đồng, Chartis 4,9 tỉ đồng, QBE 4,7 tỉ đồng, VASS 3,1 tỉ đồng, Bảo Minh 2,7 tỉ đồng.
III - THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ
1. Số lượng hợp đồng bảo hiểm
Tổng số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới toàn năm 2010 đạt 822.946 hợp đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng số hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực trong năm là 634.865 hợp đồng, tăng 16% so với năm 2009. Tỉ trọng số lượng hợp đồng khai thác mới như sau: 39,9% sản phẩm hỗn hợp, 32,4% sản phẩm tử kỳ, 26,5% sản phẩm đầu tư, các sản phẩm còn lại chiếm 1%.
Tổng số hợp đồng có hiệu lực đến cuối kì đạt 4.2941.040 hợp đồng, tăng 5%. Các doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều hợp đồng bảo hiểm tính theo sản phẩm chính bao gồm Prudential 1.808.442 hợp đồng, Bảo Việt 1.372.778 hợp đồng và Manulife 342.660 hợp đồng. Cơ cấu tổng số lượng hợp đồng theo loại nghiệp vụ như sau: 76,1% sản phẩm hỗn hợp, 12,1% sản phẩm tử kỳ, 9,8% sản phẩm đầu tư, các sản phẩm còn lại chiếm 2%. Với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm cung cấp ra thị trường của các doanh nghiệp bảo hiểm, cơ cấu sản phẩm đã và đang dịch chuyển dần sang các nhóm sản phẩm khác thay vì tập trung vào nhóm sản phẩm hỗn hợp như trước kia.
2. Số tiền bảo hiểm
Tổng mức trách nhiệm mà các DNBH Nhân thọ đang nắm giữ là 367.348 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mức trách nhiệm của các sản phẩm chính đạt 254.076 tỉ đồng, tăng 34,6%; mức trách nhiệm của các sản phẩm phụ đạt 113.272 tỉ đồng, tăng 22%.
Các doanh nghiệp có tổng mức trách nhiệm cao trên thị trường bảo hiểm là Prudential 119.785 tỉ đồng, Bảo Việt 76.407 tỉ đồng và ACE Life 53.851 tỉ đồng.
3. Doanh thu phí bảo hiểm
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ năm 2010 đạt 13.792 tỉ đồng, tăng 16,5%. Dẫn đầu là Prudential 5.374 tỉ đồng, Bảo Việt 4.023 tỉ đồng, Manulife 1.460 tỉ đồng.
Tương ứng với tỉ trọng số lượng hợp đồng bảo hiểm lớn, phí bảo hiểm sản phẩm hỗn hợp vẫn chiếm tỉ trọng cao trong tổng số phí bảo hiểm. Cơ cấu tổng doanh thu phí theo loại hình nghiệp vụ như sau: 75,9% sản phẩm hỗn hợp, 16,5% sản phẩm đầu tư, các sản phẩm còn lại chiếm 7,6%. Mặc dù vẫn chiếm tỉ trọng cao trong tổng doanh thu phí của toàn thị trường song tỉ trọng phí của sản phẩm hỗn hợp đã giảm hơn so với cùng kỳ năm trước cùng với đó là sự vươn lên mạnh mẽ của sản phẩm đầu tư.
Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 3.743 tỉ đồng, tăng 28%, trong đó dẫn đầu về phí bao gồm Prudential 1.158 tỉ đồng, Bảo Việt 826 tỉ đồng và ACE life 439 tỉ đồng.
Doanh thu phí bảo hiểm tái tục 10.049 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
4. Trả tiền bảo hiểm
Năm 2010, tổng số trả tiền bảo hiểm đạt 4.718 tỉ đồng, tăng 15,4% so với năm 2009.
Chi trả quyền lợi bảo hiểm là 2.801 tỉ đồng, tăng 10,8%, trong đó Bảo Việt 1.175 tỉ đồng, Prudential 1.053 tỉ đồng, Manulife 473 tỉ đồng.
Chi trả giá trị hoàn lại là 1.396 tỉ đồng, tăng 10,9% so với năm 2009.
5. Số lượng đại lý
Số lượng đại lý bảo hiểm (cá nhân kinh doanh) tính đến cuối kì là 162.423 người tăng 32%, trong đó Prudential 82.539 người, Bảo Việt 19.999 và AIA 15.294 người.
Số lượng đại lý mới tuyển dụng trong năm là 108.092 người, tăng 48%, trong đó Prudential 40.727 người, AIA 15.514 người và Dai-ichi Life 11.883 người.
Hiện nay, với sự phát triển của mô hình tổng đại lý, trong đó tổng đại lý được chủ động trong quản lý chi phí và tuyển dụng đại lý bảo hiểm nên việc tăng nhanh số lượng đại lý cá nhân so với năm 2009 là tất yếu.
6. Năng lực tài chính
Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 10.602 tỉ đồng, trong đó Bảo Việt là 1.528 tỉ đồng, Prudential 1.136 tỉ đồng. Tổng số vốn điều lệ là 9.993 tỉ đồng, trong đó, Bảo Việt là 1.500 tỉ đồng và Dai-ichi Life 1.141 tỉ đồng.
7. Đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Tổng số tiền đầu tư của bảo hiểm nhân thọ là 54.506 tỉ đồng, tăng 14,5% so với 2009, trong đó đáng kể nhất là Prudential với 19.492 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân thọ đạt 18.376 tỉ đồng và Manulife 5.477 tỉ đồng. Đóng góp ngân sách từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và đầu tư trong năm 2009 của các DNBH Nhân thọ đạt 724 tỉ đồng.