TTCK Việt Nam đã từng có những lần “hợp tan” giữa doanh nghiệp nội và nhà đầu tư nước ngoài. Cho đến cuối cùng, dù nhà đầu tư ngoại “nắm tay” đi tiếp hay chấp nhận “buông tay”, thì DN Việt vẫn có thể xem như nhận được cái kết “có hậu”.
Những “cuộc tình” không “xuôi chèo mát mái”
Vừa qua, CTCP Thực phẩm Pan (PAN Food) – đơn vị thành viên của Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) thông báo tiến hành chào mua công khai hơn 1,1 triệu cp BBC, dự kiến nâng sở hữu lên trên 51%. Nếu thực hiện thành công, BBC sẽ trở thành công ty con của PAN Food.
Để đi đến cái kết "đẹp" này, BBC đã từng phải trải qua mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" giữa ban lãnh đạo BBC và cổ đông ngoại Lotte Confectionery Co.Ltd (sở hữu 44% vốn BBC).
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa các cổ đông lớn tại Bibica và ban lãnh đạo đã dần hài hoà hơn khiến công ty này ngày càng phát triển cũng như mở rộng quy mô. Với 3 phiếu tán thành và 2 phiếu không có ý kiến (từ 2 đại diện của Lotte), HĐQT BBC đồng ý việc chào mua công khai cổ phiếu của PAN Food để nâng sở hữu lên 51%. Nhờ đó, Bibica sẽ vẫn là doanh nghiệp bánh kẹo mang thương hiệu Việt với tham vọng chiếm lĩnh thị phần số 1 ngành bánh kẹo Việt vào năm 2021.
Mùa ĐHĐCĐ năm 2017, một trong những nhân tố thu hút nhiều sự chú ý là ĐHĐCĐ API với tâm điểm giữa cuộc tranh luận nóng giữa cổ đông ngoại và nhóm cổ đông là Ban lãnh đạo. Tại đại hội khi đó, nhóm cổ đồng ngoại gồm Asean Deep Value Fund và Lucerne Enterprise Ltd với hơn 47% vốn đã không thể có quyền biểu quyết do không thể hoàn thành thủ tục trong quá trình kiểm tra tư cách cổ đông.
* Những “gam màu tối” trong bức tranh về doanh nghiệp có cổ phiếu tăng giá gần 240%
Tranh luận giữa nhóm cổ đông ngoại và nhóm cổ đông Ban lãnh đạo nổ ra, khi lãnh đạo API cho rằng nhóm cổ đông ngoại đang muốn thâu tóm và gây áp lực lên Công ty. Ngược lại, cổ đông ngoại lại liên tiếp chất vấn những tờ trình tại đại hội, cao trào được đẩy lên khi cổ đông ngoại để cập đến tính minh bạch trong hoạt động của API khi nhiều thành viên HĐQT có mối quan hệ.
Tuy nhiên, đến khi kết thúc đại hội, 2 phía đã nối lại "tình cảm" và cùng hứa hẹn mối quan hệ lâu dài giữa 2 bên.
Nhắc đến những xung đột với cổ đông ngoại tại ĐHĐCĐ, không thể bỏ qua trường hợp tại CTCP Vicostone (HNX: VCS) và CTCP Everpia (HOSE: EVE). Cả hai doanh nghiệp này có mâu thuẫn với một tổ chức ngoại là Red River Holding. Tại các kỳ đại hội, Red River Holding đều gây áp lực lên Ban lãnh đạo của 2 doanh nghiệp yêu cầu trả cổ tức cao, nhằm tối đa hóa lợi ích và hướng đến mục đích thoái vốn giá cao. Điều này đã gây ra những xung đột lợi ích tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau tất cả, Red River Holding đã phải buông bỏ, thoái toàn bộ vốn và trả lại quỹ đạo vốn có tại 2 doanh nghiệp này.
Những lần hợp tác "nên duyên"
Câu chuyện đẹp về “mối tình” doanh nghiệp nội và cổ đông ngoại có thể kể tới đầu tiên là CFR International SPA và DMC.
Vừa qua, CFR International SPA đã chính thức thâu tóm thành DMC với việc nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,7% sau khi DMC nới room lên 100% sau hành trình kéo dài 6 năm.
Bắt đầu từ năm 2011, CFR International SPA đã bắt đầu thâm nhập DMC hồi cuối năm 2011, và từng bước nâng sở hữu tại DMC lên 46% vào cuối năm 2012. Hai năm sau đó, những ảnh hưởng của CFR International SPA bắt đầu có tác động đến DMC, Công ty bắt đầu có những chiến lược mới như việc tái cơ cấu danh mục sản phẩm. CFR International SPA hỗ trợ ban đầu đối với thị trường xuất khẩu, đồng thời, DMC cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới Non-Betalactam nhằm mở rộng khả năng sản xuất. Năm 2014 cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong các năm của DMC khi ghi nhận hơn 132 tỷ đồng lãi ròng, tăng trưởng 23%.
Đầu năm 2017, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua việc nới room lên từ 49% lên 100%, CFR International SPA đã tiếp tục nâng sở hữu tại DMC lên 51,7% và chính thức nắm quyền chủ đạo và biến DMC trở thành công ty con. Sau thay đổi mang tính bước ngoặt trong cơ cấu cổ đông, DMC đã thực hiện bước đi tiếp theo trong tiến trình tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Kết quả gần nhất trong quý 1/2017, DMC đạt lãi ròng 48 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ 2016.
Cổ phiếu DMC đã tăng gấp đôi giá trị so với hồi đầu năm từ mức giá 67.400 đồng/cp lên mức 130.000 đồng/cp (tính đến phiên 05/07/2017).
Bên cạnh DMC, Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) cũng là cổ phiếu dược tăng trưởng mạnh khi có thông tin nới room và sự góp mặt sâu của cổ đông ngoại Taisho vào hoạt động doanh nghiệp.
Tại ĐHĐCĐ 2017, DHG đã được thông qua nới room ngoại lên 49%, điều này tạo cơ hội cho Taisho- cổ đông ngoại nắm 24,5% vốn, nâng sở hữu tại DHG. Tuy nhiên, khác với trường hợp của CFR – DMC, cổ đông ngoại Taisho tại DHG dù mong muốn nâng sở hữu nhưng lại không có ý định thâu tóm Công ty mà muốn hợp tác lâu dài. Theo đó, Taisho hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và chuyển giao công nghệ để giúp DHG phát triển mạnh hơn.
Tuy nhiên, mới đây, DHG đã trình xin ý kiến cổ đông về việc nới room ngoại lên 100%, điều này để mở khả năng sẽ có sự tham gia của cổ đông ngoại khác hoặc không loại trừ trường hợp mở đường thêm Taisho.
Trên thị trường cổ phiếu DHG đã tăng 87% kể từ hồi đầu năm và hiện đang dao động ở mức giá 121.900 đồng/cp.
Ngoài 2 doanh nghiệp trên, trên thị trường chứng khoán còn có nhiều cái “bắt tay” hữu nghị giữa cổ đông ngoại và doanh nghiệp trong nước có thể kể tới như Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) – Daiwa Security Group Inc, Chứng Khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE: HCM) - Dragon Capital Markets Limited (DC), GTNFoods- Invest Đại Tây Dương - PENM IV Germany GmbH & Co.KG; PVI – Talanx…
Cùng nhiều doanh nghiệp khác cũng hưởng ứng với việc nới room ngoại như PVI, HBC, TCM…