Cuộc đối thoại giữa ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần PVI (PVI Holdings) và Doanh nhân không có kịch bản. Câu chuyện bất ngờ ngay từ khi bắt đầu, ông Tuấn lại là người hỏi.
“Tại sao báo chí lúc này bận tâm quá nhiều về lạm phát, lãi suất… mà chưa thấy đặt vấn đề đổi mới tư duy cho doanh nhân?” – khơi gợi vấn đề, ông Nguyễn Anh Tuấn đẩy câu chuyện theo hướng tìm ra những nguyên nhân cơ bản những nguyên nhân cơ bản cho những vấn đề bất ổn kinh tế hiện nay. Giải pháp mang tính gốc rễ chỉ có được khi vai trò của doanh nhân được nhìn nhận đúng mức. Quan trọng hơn, khi chúng ta tạo dựng được thế hệ doanh nhân dân tộc.
Hãy tư duy rộng ra thế giới
Phản ánh những khó khăn trong việc huy động vốn, các doanh nghiệp khó trụ vững trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay là cần thiết, nhưng báo chí cũng nên lật lại vấn đề từ góc độ - vì sao doanh nghiệp bị thiếu vốn? Để trả lời câu hỏi của chính mình, ông Tuấn chỉ ra sự bất cập ngay trong cơ cấu vốn trên thị trường Việt Nam hiện nay. Hầu hết doanh nghiệp vẫn có thói quen chỉ huy động vốn trong nước và chủ yếu qua kênh ngân hàng. Cách làm này cho thấy chúng ta hội nhập chưa tốt. Đã bao giờ chúng ta lấy tiêu chí về hội nhập quốc tế làm thước đo cho khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu hay chưa? – một câu hỏi nữa lại được vị chủ tịch đưa ra.
- Vậy theo ông, tiêu chí nào để nhận diện một doanh nghiệp hội nhập tốt?
Đừng bao giờ giới hạn khái niệm “hội nhập” chỉ ở những chính sách đẩy mạnh giao thương hay ở những con số xuất nhập khẩu đơn thuần mà hãy nhìn rộng hơn. Doanh nghiệp phải xem các hoạt động của mình đã theo kịp các chuẩn mực quốc tế hay chưa, nếu chưa thì chúng ta đang ở đâu? Khâu nào phải cải cách và lộ trình thực hiện ra sao. Doanh nghiệp sẽ không còn bị bó hẹp tại thị trường trong nước khi tham gia sân chơi lớn hơn, và muốn như vậy đương nhiên chúng ta phải hiểu và tuân theo luật chơi. Dân tộc ta đã đúc kết rồi, “Buôn có bạn, bán có phường” rất chí lý. Anh đừng cho rằng bán được cho họ 1 số thứ, như thế là anh đã cùng hội với họ, anh đã “hội nhập” thành công.
- Với PVI Holdings thì sao, thưa ông?
Tôi luôn đặt PVI Holdings trong bối cảnh rộng của khu vực và thế giới vì thế không quan ngại ngay cả trong bối cảnh thị trường trong nước khó khăn. Khi quyết tham gia sân chơi quốc tế, chúng tôi buộc phải linh hoạt hơn, và dĩ nhiên có nhiều lựa chọn hơn khi huy động vốn hay lựa chọn đối tác. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đều xác định phải tham gia sân chơi quốc tế, “tầm” của doanh nghiệp sẽ khác.
- Liệu điều này có quá sức với mặt bằng chung của các doanh nghiệp Việt Nam?
Còn giữ cách nghĩ này còn chưa thể thay đổi được. Bản chất của doanh nghiệp là doanh nhân. Điều đầu tiên phải đổi mới là tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp, hãy tư duy rộng ra thế giới. Bởi chỉ có vậy chúng ta mới không ngộ nhận về vị trí mình đang đứng, mới có được định hướng đúng đắn cho sự phát triển.
Tại sao phải e ngại việc sàng lọc doanh nghiệp?
- Tại sao PVI Holdings lại chọn thời điểm khó khăn của nền kinh tế để gọi vốn đầu tư nước ngoài?
Tôi hỏi lại - Tại sao phải e ngại một thị trường đang khó khăn khi đây chính lại là cơ hội tốt cho doanh nghiệp có thực lực? Chấp nhận kinh tế thị trường nghĩa là chấp nhận có khủng hoảng. Mỗi lần khủng hoảng, cơ cấu nền kinh tế sẽ điều chỉnh lại, tài sản cũng điều chỉnh lại. Điều này tạo nên tích tụ tư bản khi các doanh nghiệp tốt có cơ hội tích lũy, phát triển bứt phá, ngược lại doanh nghiệp yếu bị đào thải là tất yếu. Hãy xem sự phá sản của một bộ phận doanh nghiệp không phải là tín hiệu xấu, mà là tín hiệu tích cực cho sự phát triển.
- Sự đổ vỡ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tài chính sẽ kéo theo những hệ lụy không nhỏ. Tại sao lại không e ngại điều đó, thưa ông?
Phát triển và đào thải luôn luôn song hành với nhau. Đừng nên e sợ đào thải vì đó có thể là tiền đề cho một cái mới phát triển. Theo tôi, khi thị trường được nhìn nhận là xấu thì chính là cơ hội cho những doanh nghiệp có thực lực, có bản sắc.
- Trở lại với thương vụ Talanx, tại sao một năm trước, PVI chọn Oman thay vì Talanx, nhưng rồi sau đó, quay lại bắt tay cùng Talanx?
Chúng tôi không loại mà là xếp họ trong “danh sách chờ”. Lựa chọn cổ đông chiến lược luôn luôn phải phù hợp với chiến lược phát triển. Quỹ đầu tư Oman là lựa chọn hợp lý hơn cho giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc khi PVI cần củng cố năng lực tài chính trước khi tiến hành tái cấu trúc triệt để. Talanx là tập đoàn bảo hiểm đứng thứ 3 ở Đức, thứ 11 ở Châu Âu. Mô hình hoạt động hiện nay của Talanx tương tự như mô hình PVI Holdings đã được xây dựng trong chiến lược phát triển dài hạn của PVI và vì thế chúng tôi lựa chọn Talanx. Cũng cần phải nói thêm rằng, dù không được chọn trong giai đoạn đầu nhưng vì họ hiểu và tin vào chiến lược phát triển của chúng tôi nên đã kiên nhẫn để được chọn lựa.
- Để đạt được mức giá bán cao hơn gấp đôi với giá trên thị trường chứng khoán, PVI có phải đàm phán nhiều không, thưa ông?
Chỉ mất đúng 1 ngày để đàm phán về giá và Talanx chấp nhận trả mức giá 36.000đ/CP, cao hơn rất nhiều giá trị sổ sách của PVI tại thời điểm đó (22.000 đồng/ CP). Nhưng để được 1 ngày đó, họ và chúng tôi đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhau hàng năm trời. Có thể nói chúng tôi đã đáp ứng mọi yêu cầu minh bạch hóa của Talanx. Nhà đầu tư nước ngoài chẳng phải tay mơ khi đưa ra 1 cái giá trên trời để được làm cổ đông chiến lược với một đối tác không có bản sắc. Lợi nhuận là thứ mọi nhà đầu tư quan tâm nhưng giá trị tương lai của khoản đầu tư mới thực sự là lực hút đáng tiền đối với nhà đầu tư tầm cỡ. Thêm nữa thì quyết định đầu tư của các nhà đầu tư Đức thường có xu hướng dẫn dắt giới đầu tư tại châu Âu nên việc Talanx đầu tư vào PVI có thể là tín hiệu tốt cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.
- Nói một cách ngắn gọn, theo ông PVI được gì và mất gì khi mở cửa đón nhà đầu tư ngoại?
Chúng tôi có sự trợ giúp của những nhà đầu tư quốc tế giàu tiềm lực và kinh nghiệm cho chiến lược phát triển PVI trở thành định chế tài chính bảo hiểm có thương hiệu trong khu vực và trên thế giới. Mất gì? Tôi không cho rằng PVI mất gì, có chăng là mất những gì không còn phù hợp với sự phát triển của công ty.
Kinh doanh tiền khác với kinh doanh dịch vụ
- Trong một thời gian ngắn, mở cửa đón cả hai nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ góp vốn khá cao, ông có e ngại đến việc PVI Holdings có thể bị thôn tính?
Quả thật có không ít những vụ việc như thế đã xảy ra, phía chủ đầu tư Việt Nam có thể mất trắng doanh nghiệp. Nhưng để điều này xảy ra hay không phụ thuộc rất lớn vào người đại diện cho chủ đầu tư phía Việt Nam. Như tôi đã nói, mục tiêu của nhà đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận cao nhất và nếu như hợp tác đầu tư vào những doanh nghiệp trong nước mang lại mức lợi nhuận cao như kỳ vọng, chắc rằng họ sẽ đóng góp tích cực cho doanh nghiệp. Nhìn chung, khi đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư thường sử dụng chiến lược địa phương hóa, vừa để tận dụng nhân lực, hệ thống, cơ sở hạ tầng có sẵn của nước sở tại, vừa có lãi mang về nước. Cũng không loại trừ trường hợp có những nhà đầu tư tham vọng lợi nhuận lớn hơn, nên họ muốn thâu tóm doanh nghiệp mình rót vốn. Tuy nhiên, tôi cho là con số này không nhiều và thường xảy ra ở lĩnh vực đầu tư trực tiếp vào kinh doanh dịch vụ hay sản xuất hàng hóa hơn là đầu tư tài chính gián tiếp.
- Ông có thể giải thích rõ hơn nữa được không?
Đầu tư trực tiếp vào kinh doanh dịch vụ hay sản xuất hàng hóa thì rõ ràng rồi, khỏi phải nói thêm, còn đầu tư tài chính gián tiếp nói nôm na chính là kinh doanh tiền. Kinh doanh dịch vụ hay sản phẩm luôn có xu hướng thâu tóm và độc quyền. Đầu tư vào Việt Nam, xây dựng cơ sở vật chất để sản xuất, phân phối, rồi báo lỗ nhưng thực chất chuyển lãi về nước của mình tiến đến thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp. Nhưng kinh doanh tiền lại khác, nhà đầu tư tìm kiếm những đối tác có nội lực, có tầm nhìn xa để mua cổ phiếu hưởng lợi nhuận và giá trị trong tương lai của công ty. Hơn ai hết, họ là người muốn doanh nghiệp mình có cổ phần phát triển bền vững. Thương hiệu PVI càng mạnh rõ ràng càng có lợi cho họ chứ, sao phải e ngại bị thôn tính.
- Các phương tiện truyền thông gần đây đưa thông tin, đến nay các cơ quan quản lý chưa thể ngăn chặn hiệu quả việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển giá nhằm thôn tính doanh nghiệp họ đầu tư. Không phải không có lý khi một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp liên doanh sống trong nỗi lo có thể bị thôn tính một ngày nào đó?
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Mỗi người trong chúng ta luôn phải tự hỏi tại sao lại để mình thua trên sân nhà mình? Tổ quốc của mình, con người mình sao lại chấp nhận thua? Điều cốt lõi ở đây là mỗi doanh nghiệp luôn luôn phải giữ được khát vọng vươn lên. Nhà nước cũng cần có thêm những chính sách hiệu quả hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Tôi cho rằng, tầm vĩ mô phải có những chính sách đột phá để tạo ra nhiều doanh nhân dân tộc, đủ sức là đối trọng của nhà đầu tư nước ngoài. Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm và thành công.
- Con đường tạo dựng nên những nhà doanh nhân dân tộc theo cách nào, thưa ông?
Ưu đãi bằng vốn vay, cấp đất chỉ là biện pháp nhất thời thôi, không thể mang tính dài hạn vì đất ở đâu, vốn ở đâu mà có thể cấp mãi được. Bản chất là phải tạo lập được môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Chính sách của Nhà nước hướng đến đối tượng nào cần phải rõ ràng. Chúng ta không phân biệt thành phần doanh nghiệp, không phân biệt đối xử, tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, trong khi nguồn lực còn hạn chế, cần phân ra ưu tiên đầu tư vào đâu? Trong bối cảnh hiện nay, cần lọc ra những doanh nghiệp có sức khỏe tốt để có chiến lược đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đó trưởng thành. Theo tôi, Nhà nước cần phải quyết liệt trong việc tạo dựng tính minh bạch cho thị trường. Chúng ta cũng cần tạo lập tinh thần tự cường dân tộc cho Doanh Nhân Việt Nam, khiến cho doanh nhân phải cảm nhận được họ là sức mạnh của dân tộc, mang lại vinh quang cho dân tộc.
- Dụng nhân như dụng mộc. Tạo được đội ngũ doanh nhân dân tộc đã khó, tìm được cơ chế để họ phát huy cao độ còn khó hơn, thưa ông? sx
Muốn tạo được đông đảo những doanh nhân dân tộc, Đảng, Chính phủ phải thực sự quan tâm đến doanh nghiệp, doanh nhân, coi đây là một lực lượng quan trọng tạo ra sức mạnh cho dân tộc. Nhật Bản, Hàn Quốc, thường chọn những người đứng đầu doanh nghiệp để đảm nhận vị trí lãnh đạo trong hệ thống của nhà nước, vì họ nhìn nhận thương trường đã tôi luyện nên người lãnh đạo.
Ở Việt Nam, giai đoạn trước đây, quá trình đấu tranh giữ nước, giành độc lập là môi trường tốt nhất để tôi luyện nên thế hệ các nhà lãnh đạo. Còn thời nay, thương trường cũng là môi trường thử thách để tạo dựng nên bản lĩnh cho con người. Tôi cho rằng toàn bộ nền kinh tế phải thiết lập bộ sàng lọc giá trị, tìm ra những con người xứng đáng đặt vào vị trí then chốt để họ tạo nên những giá trị với mục tiêu lợi ích dân tộc là số 1.
- Theo ông, có cần thiết tạo nên những đầu tàu trong lĩnh vực đầu tư tài chính mang thương hiệu Việt Nam?
Cần tạo ra những Tập đoàn tài chính như vậy nhưng không phải trên cơ sở mệnh lệnh hành chính theo phép cộng dồn các doanh nghiệp lại với nhau. Việc hình thành tập đoàn phải tuân theo quy luật về thị trường, theo tích tụ và tập trung tư bản.
- Cụ thể, nhìn vào chính PVI Holdings, những ý tưởng tạo dựng nói trên sẽ được thể hiện thế nào?
Mục tiêu của PVI là khẳng định sức mạnh của một Doanh nghiệp Việt Nam trên quy mô toàn cầu như một tập đoàn tài chính tầm cỡ thế giới. Cần xác định tọa độ hiện nay của PVI Holdings – một công ty đa quốc gia, quốc tịch Việt Nam, được xếp ở mức độ trung bình của Châu Á để từ đó xác định tọa độ của mình trong chuỗi giá trị của tương lai. PVI Holdings sẽ nằm trong Top 1000 rồi Top 500 và hơn nữa của Tạp chí Fobers. Nếu quan sát đường đi của những doanh nghiệp như PVI, Vinamilk, Viettel… chắc hẳn bạn cũng như tôi sẽ có niềm tin vào đội ngũ doanh nghiệp dân tộc sẽ ngày một đông đảo hơn.
- Vậy định hướng tới đây của PVI sẽ là gì, thiên về đầu tư tài chính hay bảo hiểm?
Phạm trù bảo hiểm gắn liền với tài chính vì thế mới gọi bảo hiểm là định chế tài chính. Không có tài chính, bảo hiểm thiếu hụt một phần cơ thể của nó. Bảo hiểm là kênh huy động vốn nhưng để làm nảy nở, phát sinh nguồn vốn thì nhất thiết phải có kênh đầu tư tài chính. Trong chiến lược của PVI, nguồn lợi nhuận chính thu về sẽ từ đầu tư tài chính.
Một doanh nghiệp hoàn hảo không phụ thuộc vào một cá nhân
- Ông nói, bản chất của doanh nghiệp là doanh nhân. Như vậy có thể nói, sự sống còn của doanh nghiệp phụ thuộc vào cá nhân người đứng đầu?
Vấn đề sống còn của một doanh nghiệp là có xây dựng được triết lý kinh doanh hay không? Nếu đã tạo lập được điều đó, thì bất cứ thời điểm nào người đứng đầu ra đi cũng sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp phụ thuộc vào một cá nhân quá lớn sẽ mang đầy tính rủi ro. Nói thế không có nghĩa tôi phủ nhận vai trò của cá nhân người đứng đầu, nhưng với vai trò là người dẫn lối, điều quan trọng hơn là anh phải định được đường đi, điểm đến chứ không phải để cả tổ chức phụ thuộc vào mình.
- Có bao giờ ông tự hỏi, mối tương quan giữa cá nhân và PVI như thế nào?
Với một người lãnh đạo đúng nghĩa, điều quan trọng nhất là khi tư tưởng, triết lý của mình được hiện thực. Đó có lẽ là yếu tố “ích kỷ” của người lãnh đạo chăng!? Nhưng đó cũng là sự đam mê, hoài bão sống. Xét từ góc độ đó, tôi thấy mình hạnh phúc. Tôi tự hào là mình có thể rời khỏi PVI bất cứ lúc nào mà PVI vẫn sẽ phát triển tốt. Sẽ có những người thay thế làm tốt.
Thế giới này không thiếu tiền. Tiền chỉ đến với nơi nào được đối xử tốt
- Là một nhà đầu tư tài chính, ông quan niệm thế nào về đồng tiền và cơn khát vốn trên toàn cầu hiện nay?
Thế giới này không thiếu tiền, kể cả khi đang khủng hoảng. Tiền ở quanh chúng ta nhưng lại chỉ đổ về nơi nó có thể sinh sôi nảy nở. Nếu thiếu, có chăng là thiếu nơi để tiền sinh sôi nảy nở thôi. Theo tôi, về bản chất dòng tiền rất thông minh vì đứng đằng sau dòng tiền là trí tuệ của con người.
- Lời khuyên của ông với những người muốn đầu tư?
Con người chỉ thích đến những nơi nào được đối xử tốt. Tiền cũng vậy!