Ngày 9/1/2022, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị.
Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đối diện với những khó khăn chưa từng có của dịch bệnh Covid-19, cùng với cả nước, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.
Báo cáo về tình hình hoạt động ngành Công Thương năm 2021 cho thấy : Đóng góp vào các thành tích chung của nền kinh tế, ngành Công Thương dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm 2021.
Nổi bật là sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, cơ bản giữ được chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong và ngoài. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Nhờ đồng bộ các giải pháp, phát huy hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, sản xuất công nghiệp năm 2021 duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của công nghiệp, với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP của cả nước và đóng góp tới 86,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch, đóng góp cao nhất cho ngân sách với 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch. Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ phát triển KTXH và sinh hoạt của người dân; đưa vào vận hành 8 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 4.350 MW; đặc biệt, đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện lớn chưa từng có cho nhiều đối tượng khách hàng (5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng). Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021.…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 ở mức 6-6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1-9,1%.
Để đạt mục tiêu này, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các chương trình, nhiệm vụ đã đề ra;
Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; Phát triển mạnh thương mại nội địa; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Hội nghị.
Hội nghị đã lắng nghe tham luận của các tư lệnh ngành Nông nghiệp, Thông tin truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hà Nội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước. Trong đó có nhiều kiến nghị, đề xuất phối hợp công tác vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế đất nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, ngành Công Thương đã từng bước vượt qua thách thức và đạt được những kết quả quan trọng.
Ngành dầu khí đã thực hiện tốt nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch từ 1 đến 3 tháng. Sản lượng khai thác dầu thô đạt 10,87 triệu tấn, vượt kế hoạch 1,15 triệu tấn; sản xuất xăng dầu đạt 6,37 triệu, bằng 100% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 1,69 triệu tấn, vượt kế hoạch 4,2%; Tổng doanh thu năm 2021 đạt 618.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 26%; nộp ngân sách nhà nước đạt 112.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 61%; lợi nhuận trước thuế đạt 41.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 145%… Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tập trung quyết liệt tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ; điển hình là nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được chỉ đạo sát sao trong việc kiện toàn bộ máy, bảo đảm nguồn lực tài chính, kịp thời giải quyết các thủ tục thực hiện dự án. Sau khoảng 5 tháng đã có chuyển động rất tích cực.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp các ngành dầu khí, điện lực, than khoáng sản, xi măng, sắt thép… đã tận dụng ưu điểm, lợi thế khép kín của chu trình công nghệ sản xuất, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh. Các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, phải dừng sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, lao động nhưng đã chủ động phục hồi sản xuất, nhất là sau khi có Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân; Đưa vào vận hành 8 dự án nguồn điện với tổng công suất gần 4.350 MW. Đặc biệt, thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện lớn chưa từng có cho nhiều đối tượng khách hàng trong 5 đợt với số tiền gần 17 nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương
Xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó, xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19%, vượt 15% so với kế hoạch, góp phần duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD.
“Những kết quả nổi bật trên trước hết là do sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành công thương đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021” – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định.
Trong năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương:
Trước hết, tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt tập trung cao cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản…
Trong đó, ngành điện lực và các đơn vị liên quan thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, quyết tâm đưa các Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Duyên Hải 2… vào vận hành trong năm 2022 theo đúng kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ.
Toàn cảnh hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương.
Ngành dầu khí quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, chỉ đạo các nhà thầu, các doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng khai thác, chế biến dầu khí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm; tối ưu hóa quy trình công nghệ, tiết giảm chi phí, hạ giá thành; tăng thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu thu ngân sách năm 2022 cao hơn năm 2021.
Thứ ba, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài. Đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các FTA mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các vi phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam cho các Thứ trưởng: Trần Quốc Khánh, Đỗ Thắng Hải, Đặng Hoàng An; Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng; nguyên Thứ trưởng Cao Quốc Hưng.