Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), đồng chí Hoàng Quốc Vượng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đã có bài phát biểu quan trọng. Dưới đây, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu.
Toàn cảnh Hội nghị
Chúng ta vừa đi qua năm 2021, một năm đầy khó khăn, thách thức do đại dịch Covid 19 gây ra. Nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh bị đứt gẫy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế xã hội, sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong năm 2021, đặc biệt là từ cuối tháng 4 khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 với chủng mới Delta bùng phát, làm cho hàng chục vạn người dân đã bị lây nhiễm, hàng chục nghìn người thiệt mạng, nền kinh tế thiệt hại nặng nề, đặc biệt là TP HCM và các tỉnh khu vực phía Nam. Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã có các chủ trương, chính sách, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời nhằm thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn hiệu quả với dịch bệnh nhằm bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người dân, trong khi vẫn cố gắng duy trì hoạt động của nền kinh tế.
Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị
Nhận thức rõ được tình hình của đất nước nói chung và tình hình cụ thể của Petrovietnam nói riêng; trên cơ sở chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngay từ đầu năm, Đảng uỷ, Hội đồng thành viên, Ban điều hành đã có nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo các đơn vị trong Tập đoàn để thực hiện tốt 02 nhiệm vụ chính đó là đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho người lao động và duy trì sản xuất kinh doanh, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ cuả các cơ quan nhà nước, sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng của toàn bộ tập thể lãnh đạo, CBCNV và người lao động trong toàn Tập đoàn, chúng ta đã vượt qua được năm 2021 một cách ngoạn mục với những kết quả quan trọng. Những kết quả này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng phụ trách khen ngợi, đánh giá cao tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương, Hội nghị tổng kết của Bộ Công Thương và Uỷ ban QLVNN và được báo cáo chi tiết tại báo cáo SXKD của Tập đoàn. Tại đây tôi chỉ điểm qua một số kết quả nổi bật:
1. Tập đoàn đã chủ động tích cực triển khai nhanh chóng, hiệu quả chương trình tiêm vaccine cho CBCNV và thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế vì vậy đã giảm thiểu được số ca nhiễm covid, số người bị cách ly và vì thế đã không để đứt gẫy các chuỗi sản xuất. Tính tới hết quý 3, thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, Tập đoàn đã tiêm được cho 100% CBCNV mũi 1 và 50% mũi 2. Tới thời điểm hiện nay, đã có 30% số CBCNV được tiêm tăng cường mũi 3. Các đơn vị đã thực hiện rất nghiêm túc việc thực hiện giãn cách xã hội, làm việc online. Khi xuất hiện các ca nhiễm F0 đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế để chữa trị kịp thời, vì vậy trong cả Tập đoàn chỉ có gần 2.500 người bị F0, trong đó chỉ có 01 trường hợp duy nhất không qua khỏi do bị bệnh nền. Đối với các đơn vị sản xuất đều xây dựng và áp dụng các phương án sản xuất linh hoạt phù hợp nhằm vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người lao động, vừa duy trì được sản xuất kinh doanh, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch.
2. Tập đoàn đã đạt được các kết quả sản xuất kinh doanh toàn diện, vượt trội, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, tác động tích cực tới nền kinh tế quốc dân. Mặc dù dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với chiến lược và các giải pháp ứng phó linh hoạt, quyết liệt, đúng đắn đối với dịch bệnh của Tập đoàn, năm 2021, toàn Tập đoàn đã đạt được những kết quả rất ấn tượng, vượt trội, cụ thể:
Sản lượng khai thác dầu đạt 10,97 triệu tấn (vượt 1,25 triệu tấn) tăng 12,8% so với kế hoạch; sản xuất xăng dầu đạt 6,37 triệu tấn, tăng 9,5% so với thực hiện 2020; sản xuất đạm đạt 1,91 triệu tấn, vượt 18% so với kế hoạch và 6% so với thực hiện 2020. Về các chỉ tiêu tài chính: Doanh thu đạt 620,2 nghìn tỷ đồng vượt 26,4% so với kế hoạch và tăng 28% so với thực hiện 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 45.000 tỷ đồng vượt 2,6 lần so với kế hoạch và tăng 2,2 lần so với thực hiện 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 33.300 tỷ đồng vượt 2,7 lần so với kế hoạch và tăng 2,5 lần so với thực hiện 2020; nộp NSNN đạt 112.500 tỷ đồng vượt 80% KH và tăng 36% so với thực hiện 2020.
Những kết quả trên có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế đất nước trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, thua lỗ do tác động tiêu cực của dịch bệnh.
3. Dự án Thái Bình 2 đã được khởi động lại, đưa vào vận hành Tổ máy số 1 nhà máy điện Sông Hậu 1 và đưa vào hoạt động nhiều công trình khai thác dầu khí mới góp phần chặn đà suy giảm sản lượng khai thác dầu khí. Dự án Thái Bình 2 là một dự án lớn với tổng mức đầu tư lên tới gần 42 nghìn tỷ đồng, bị dừng thi công nhiều năm, với rất nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt liên quan tới năng lực của tổng thầu và và các sai phạm, khuyết điểm trong quá khứ. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Đảng uỷ, HĐTV đã có nhiều nghị quyết nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề của dự án từ việc huy động nguồn lực, công tác cán bộ tới cơ chế thanh toán... Nhờ vậy tới nay Dự án đã có động lực mới, đang được triển khai tích cực để hoàn thành trong năm 2022. Đối với dự án Sông Hậu 1 chúng ta đang đợi tin vui trong Qúy I/2022 sẽ hoàn thành toàn bộ Dự án để đi vào vận hành thương mại. Năm 2021 cũng là năm chúng ta đưa vào khai thác 3 công trình dầu khí mới: Sư tử trắng; BK18A và BK19. Các công trình này sẽ giúp gia tăng sản lượng khai thác hàng năm là 750 nghìn tấn dầu quy đổi, một con số có ý nghĩa không nhỏ trong bối cảnh sản lượng khai thác của Tập đoàn vẫn giảm hàng năm.
4. Công tác nghiên cứu khoa học của Tập đoàn vẫn luôn là điểm sáng, góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các đơn vị. Trong năm 2021, Tập đoàn đã chi 378 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học. Tính riêng trong 5 năm gần đây, kinh phí cho công tác NCKH đã thực hiện của Tập đoàn là 1.030 tỷ đồng. Nhờ sự quan tâm đó mà Tập đoàn là doanh nghiệp duy nhất trong cả nước có 6 công trình khoa học được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ; 7 công trình, giải pháp dầu khí được vinh danh trong sách vàng sáng tạo Việt Nam và 9 công trình được trao giải VIFOTEC (Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam).
5. Các giá trị văn hoá của người Dầu khí được khơi dậy, bồi đắp làm nền tảng để củng cố niềm tin của người lao động, cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Xác định văn hoá doanh nghiệp là ngọn đuốc soi đường, giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên phía trước, trong mấy năm lại đây, đặc biệt là trong năm 2021, tập thể lãnh đạo Petrovietnam đã đặc biệt quan tâm tới việc củng cố, bồi đắp các giá trị văn hoá cốt lõi của người Dầu khí, đó là Khát vọng - Tiên phong - Bản lĩnh - Nghĩa tình. Các giá trị văn hoá PVN đã được hình thành, tôi luyện trong suốt 60 năm hình thành và phát triển của ngành dầu khí Việt Nam cần được chúng ta, các thế hệ người dầu khí gìn giữ, bồi đắp qua từng hành vi, cách ứng xử, giải quyết công việc hàng ngày. Trong năm qua, Ban chỉ đạo Đề án tái tạo văn hoá dầu khí của Tập đoàn đã chỉ đạo sát sao tất cả các đơn vị trong toàn tập đoàn quán triệt và triển khai thực hiện rộng rãi Phương châm hành động Đoàn kết - Kỷ Cương - Sáng tạo - Hiệu quả trên nền tảng các giá trị văn hoá cốt lõi của Tập đoàn. Việc khơi dậy, bồi đắp các giá trị văn hoá đã giúp chúng ta nhanh chóng vượt qua những mặc cảm, dao động trong thời gian vừa qua để vững vàng tiến lên phía trước, xây dựng Petrovietnam thành tập đoàn năng lượng lớn, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
6. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ phòng chống covid đã được các đơn vị đặc biệt quan tâm, thể hiện nét đẹp văn hoá "Nghĩa tình" của người Dầu khí trong lúc khó khăn. Trong năm, toàn Tập đoàn đã đóng góp cho công tác an sinh xã hội và phòng chống Covid-19 trên 1.000 tỷ đồng, trong đó đóng góp cho Quỹ Vaccine là 400 tỷ đồng, hỗ trợ máy thở, xe cứu thương cho các địa phương gần 200 tỷ đồng. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã góp phần cứu sống nhiều số phận, làm vơi đi nỗi đau, cùng đồng bào cả nước vượt qua dịch bệnh.
Đạt được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan cấp trên; sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng cùng sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của toàn Tập đoàn. Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới các cơ quan Bộ, Ngành, Trung ương, xin biểu dương các đồng chí lãnh đạo, CBCNV và người lao động trong toàn Tập đoàn về những đóng góp trong năm 2021 vừa qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, trong năm 2021, chúng ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà trong thời gian tới cần tập trung, khắc phục, đó là:
1. Một số chỉ tiêu kế hoạch chưa đạt, chủ yếu do một số lý do khách quan như: trong năm, do tác động của dịch bệnh và sự phát triển của năng lượng tái tạo nên nhu cầu điện của cả nước chỉ tăng trưởng 3,59% rất thấp so với các năm trước dịch bệnh. Vì vậy, khí và điện của Tập đoàn đã không được huy động theo kế hoạch. Trong năm, sản lượng khí chỉ đạt 7, 46 tỷ m3 đạt 76,4% kế hoạch, giảm 19% so với thực hiện 2020; sản lượng điện đạt 16 tỷ kWh chỉ đạt 70,4% kế hoạch, giảm 17% so với thực hiện 2020.
2. Công tác đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn, nhiều dự án bị chậm, chưa hiệu quả. Trong năm 2021, tổng giá trị đầu tư của Tập đoàn chỉ đạt trên 18.000 tỷ đồng, một con số rất khiêm tốn nếu so với doanh số trên 620.000 tỷ đồng của Tập đoàn, trong đó giá trị đầu tư cho công tác tìm kiếm thăm dò chỉ đạt 50 triệu USD tương đương 1.150 tỷ đồng, rất thấp nên gia tăng trữ lượng không đạt kế hoạch, hệ số bù trữ lượng chỉ đạt 0,26 tác động tiêu cực tới phát triển bền vững của Tập đoàn. Nhiều dự án lớn bị chậm so với kế hoạch như dự án điện Long Phú 1, Cá Voi Xanh, Lô B, Nâng cấp, mở rộng Dung Quất.... Một số dự án đầu tư đã đưa vào hoạt động nhưng vẫn còn rất khó khăn về tài chính như NSRP, VNPOLY; một số dự án có khả năng bị phá sản như các dự án Ethanol.
3. Tình trạng thụ động, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, người lao động là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới công việc không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng tới các hoạt động của Tập đoàn. Vẫn có hiện tượng né tránh, trì hoãn việc khó hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc dẫn đến nhiều việc quan trọng không được giải quyết, hoặc bị chậm so với yêu cầu. Nhiều việc được xử lý một cách thụ động, không đảm bảo chất lượng, chỉ để cho qua việc mà không được đeo bám, đôn đốc giải quyết tới kết quả cuối cùng. Vì vậy, nhiều việc quan trọng của Tập đoàn mặc dù đã ra khỏi Tập đoàn nhưng nhiều tháng, thậm chí hàng năm không được giải quyết.
Chúng ta đã bước vào năm kế hoạch 2022 với không ít khó khăn, thách thức: Đó là dịch bệnh COVID, mặc dù đất nước chúng ta đã chuyển sang chiến lược mới là thích ứng linh hoạt thay cho Zero Covid nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro lớn, ảnh hưởng khó lường tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đặc biệt trong lĩnh vực khí, điện. Ngoài ra, địa bàn hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tiếp tục bị trở ngại, thách thức do những diễn biến phức tạp ở Biển Đông; Xu thế chuyển dịch năng lượng tác động ngày càng ảnh hưởng, tác động tới các hoạt động truyền thống của Tập đoàn....
Trong bối cảnh đó để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2022, đề nghị các đơn vị tập trung vào một số nhiệm vụ chính sau:
1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến/ tự chuyển hóa. Kết luận 21-KL/TW được Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII ban hành một lần nữa khẳng định cần tiếp tục công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, khóa XII nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong Tập đoàn. Xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, thật sự là đội ngũ tiên phong, lãnh đạo Tập đoàn vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.
2. Tiếp tục thích ứng linh hoạt và kiểm soát an toàn, hiệu quả dịch bệnh nhằm đạt được mục tiêu kép là đảm bảo an toàn sức khoẻ cho CBCNV, người lao động và duy trì sản xuất, hoàn thành kế hoạch đề ra. Các diễn biến của dịch bệnh vẫn rất khó lường vì vậy các đơn vị trong Tập đoàn cần phải tuân thủ chặt chẽ các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid 19; chủ động phòng ngừa thông qua tiêm chủng và các biện pháp ứng phó khác theo khuyến nghị của cơ quan y tế, hạn chế cao nhất các ca nhiễm bệnh đồng thời có các giải pháp linh hoạt, kịp thời trong mọi tình huống dịch bệnh để duy trì sản xuất kinh doanh.
3. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò để gia tăng sản lượng (đạt 10-18 triệu tấn). Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Tập đoàn, vì vậy các đơn vị liên quan như VSP, PVEP, BĐ POC cần có kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các chương trình tìm kiếm, thăm dò của năm 2022; tăng cường công tác tìm kiếm, thăm dò ở các lô dầu khí có tiềm năng. Bên cạnh đó cần khuyến khích, thúc đẩy tiến độ tìm kiếm, thăm dò tại các lô dầu khí do các nhà đầu tư nước ngoài đang quản lý điều hành để tận thăm dò, tận khai thác.
4. Hoàn thành đưa vào vận hành thương mại 2 nhà máy điện lớn: Sông Hậu 1 và Thái Bình 2; giải quyết xong tranh chấp với PM tại Dự án Long Phú 1 và các dự án khó khăn khác. Dự án Thái Bình 2 và Sông Hậu 1 là hai công trình lớn, đặc biệt quan trọng với Tập đoàn. Các công trình này khi hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ giải phóng được nguồn lực gần 4 tỷ USD của Tập đoàn, đóng góp cho hệ thống điện gần 15 tỷ kWh. Theo kế hoạch, trong Quý I/2022, nhà máy điện Sông Hậu 1 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại và Quý IV/2022 sẽ hoàn thành nhà máy điện Thái Bình 2. Đây là các mốc tiến độ rất thách thức, đòi hỏi lãnh đạo Tập đoàn phải đoàn kết, thống nhất để kịp thời có chỉ đạo thực hiện các giải pháp đột phá để đưa dự án về đích đúng tiến độ.
Đối với Dự án Long Phú 1: cần có cách tiếp cận mới để có thể giải quyết dứt điểm trong năm nay các tranh chấp với PM. Đây là vấn đề phức tạp, khó khăn do có yếu tố nước ngoài nên đòi hỏi Tập đoàn phải có sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao, sự hiểu biết sâu sắc về dự án, bản lĩnh vững vàng để có thể đạt được thoả thuận mà các bên có thể chấp nhật được để báo cáo các cấp có thẩm quyền thông qua trong năm 2022 để tới 2023 chúng ta có thể khởi động lại được Dự án.
Các dự án khác như VNPoly; 3 dự án Ethanol cũng cần có giải pháp để xử lý, giải quyết có hiệu quả trong năm 2022.
5. Thống nhất về giải pháp đối với công tác tái cấu trúc toàn diện cho nhà máy NSRP. Nhà máy NSRP là nhà máy lọc hoá dầu tiên tiến, hiện đại trong khu vực với tổng mức đầu tư lên tới 9 tỷ USD với sản lượng gần 10 triệu tấn sản phẩm các loại. Hàng năm, nhà máy cung cấp gần 50% nhu cầu thị trường xăng dầu trong nước. Với vị trí, vai trò quan trọng như vậy nhưng hiện nay nhà máy đang hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả. Theo tính toán, nhà máy sẽ không thể tiếp tục sản xuất nếu các bên tham gia góp vốn không đóng góp thêm tài chính cho nhà máy để bù vào thiếu hụt dòng tiền, trong khi nhà máy lại không thể có lãi trong nhiều năm tới. Mặc dù chỉ tham gia góp vốn 25,1% nhưng chúng ta là DNNN nên đây là một vấn đề pháp lý lớn đối với Tập đoàn. Vì vậy, trong thời gian sớm nhất Petrovietnam cần thống nhất với các cổ đông khác và các bên cho vay về phương án tái cấu trúc toàn diện để tiếp tục duy trì sản xuất của nhà máy.
6. Khởi công các dự án lớn của Tập đoàn là dự án điện khí Nhơn trạch 3,4, Dự án khí lô B. Đây là các dự án điện khí quan trọng quốc gia, các vướng mắc về thủ tục đầu tư liên quan tới các dự án này tới nay cũng đã cơ bản được giải quyết, vì vậy năm 2022 chúng ta cần tập trung nguồn lực, hoàn thành các công đoạn chuẩn bị đầu tư như thu xếp vốn, lựa chọn được tổng thầu để khởi công, thực hiện và hoàn thành dự án đúng tiến độ, tạo năng lực mới, động lực mới cho sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới.
7. Tiếp tục triển khai xây dựng văn hoá Petrovietnam với phương châm Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả trên nền tảng các giá trị văn hoá Khát vọng - Tiên Phong - Bản lĩnh - Nghĩa tình, từng bước loại bỏ các biểu hiện né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp, mất đoàn kết nội bộ. Nhìn lại quá trình phát triển của Tập đoàn trong nhiều năm qua, động lực cho sự phát triển của Tập đoàn chính là khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu cho Tổ quốc, từ đó các thế hệ người Dầu khí đã dũng cảm dấn thân, tiên phong trong nhiều lĩnh vực lần đầu được phát triển ở đất nước ta. Trong quá trình dấn thân, tiên phong đó, đương nhiên người Dầu khí gặp không ít khó khăn, thách thức và nếu không có bản lĩnh được xây dựng từ lòng dũng cảm, trí tuệ, hiểu biết thì chúng ta không đạt được một cơ đồ như hiện nay. Hiện nay, hơn lúc nào hết các giá trị văn hoá đó cần được phát huy, bồi đắp qua công việc mỗi ngày của mỗi chúng ta, đó phải là sự đoàn kết, đồng lòng, là kỷ cương trách nhiệm và sự sáng tạo hiệu quả trong công việc.
Năm 2021 với sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, Tập đoàn chúng ta đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ kế hoạch của năm, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2022 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của năm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngay sau Hội nghị này, Đảng uỷ Tập đoàn, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc sẽ có Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch hành động để thực hiện thành công các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của năm 2022, trên cơ sở đó tất cả các đơn vị chúng ta triển khai tích cực ngay từ những ngày đầu của năm. Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các đơn vị ngay sau Hội nghị này, trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt cũng xây dựng chương trình, kế hoạch của mình chủ động, tích cực thực hiện. Tin tưởng rằng với sự đoàn kết thống nhất, ý chí quyết tâm vươn lên của toàn bộ 60.000 CBCNV và người lao động Tập đoàn, năm 2022 sẽ là một năm tiếp tục thắng lợi, thành công của Tập đoàn./.