Mặc dù chưa lượng hóa được sự tăng trưởng của bảo hiểm du lịch trong năm 2006 song nhiều nhà bảo hiểm chuyên nghiệp đều khẳng định rằng nghiệp vụ này sẽ có những thay đổi nhiều. Để đón, nhu cầu gia tăng trong thời gian tới, Bảo Việt Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm bảo hiểm du lịch với việc thay đổi và bổ sung những điều kiện, điều khoản mới và linh hoạt hơn trước.
Khách du lịch trong nước mua bảo hiểm nhiều nhất
Ba đối tượng du lịch chính có thể khai thác bảo hiểm gồm: khách du lịch trong nước, người nước ngoài du lịch Việt Nam và người Việt Nam du lịch nước ngoài.
Theo các chuyên gia bảo hiểm, tiềm năng của đối tượng bảo hiểm du lịch nội địa sẽ ngày một tăng do sự phát triển du lịch nội địa rất mạnh trong những năm tới. Theo dự tính của Tổng cục du lịch Việt Nam, số lượng du lịch nội địa sẽ tăng lên khoảng 20 triệu người vào năm 2005 và 30 triệu người vào năm 2010. Trên thực tế, số lượng khách du lịch trong nước khai thác được trong những năm qua vẫn luôn đạt được tỷ lệ cao nhất, chiếm 80% về số lượng người tham gia bảo hiểm và số phí bảo hiểm so với hai loại hình bảo hiểm du lịch còn lại.
Đối với người nước ngoài du lịch Việt Nam, tốc độ tăng trưởng đạt khá nhanh hàng năm. Trong đó, lượng người nước ngoài thăm viếng chiếm tỷ lệ cao nhất, đặc biệt khi Nhà nước đã cho phép những người Việt Nam di cư nước ngoài (Việt kiều) trở về thăm viếng người thân tại quê hương.
Riêng với nhóm người Việt Nam du lịch nước ngoài, số người tham gia bảo hiểm không hề nhỏ. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 1.500 cán bộ ngoại giao đang làm việc và học tập ở nước ngoài. Nguồn ngân sách Nhà nước để chi cho riêng về vấn đề bảo hiểm sức khoẻ khoảng 800.000 USD hàng năm. Ngoài ra, số lượng đi du học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước hàng năm rất lớn qua Bộ giáo dục và đào tạo với tiền chi cho bảo hiểm khoảng 400.000 USD/năm. Đó là chưa kể đến những học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh hiện nay tự bỏ tiền túi của họ ra đi học ở nước ngoài...
Tại Việt Nam, đơn bảo hiểm khách du lịch đầu tiên do Bảo Việt cấp vào năm 1987 và đó là cho khách du lịch trong nước. Năm 1989, những đơn bảo hiểm khách nước ngoài du lịch Việt Nam cũng lần lượt được thực hiện. Và khi Quy tắc bảo hiểm du lịch đã được hoàn thiện lại chính thức theo Quyết định số 06/TC-BH của Bộ tài chính ngày 2/1/1993, nghiệp vụ bảo hiểm du lịch tại Việt Nam đã chuyển sang một giai đọan phát triển mới.
Nhưng theo Bảo Việt Việt Nam, mặc dù là một nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu thấp (khoảng 6 tỷ đồng hàng năm) trong nhóm nghiệp vụ bảo hiểm con người, nhưng lại được đánh giá là nghiệp vụ kinh doanh đạt hiệu quả cao và tăng trưởng rất đều. Mức chi bồi thường hàng năm khoảng 4% so với tổng phí thu của nghiệp vụ.
Năm 2000, Bảo Việt cũng đã phối hợp với Công ty bảo hiểm AXA triển khai bảo hiểm du lịch nước ngoài cho những người mua thẻ tín dụng ACB- Ngân hàng Á Châu. Số lượng tham gia bảo hiểm ngày càng tăng cùng với lượng người mua thẻ tín dụng ở Việt Nam hiện nay. Tính đến thời điểm hiện nay, kể từ khi triển khai tháng 4/2000, số lượng người tham gia bảo hiểm đạt được 1.638 người và phí thu được 14.343,7 USD, tương đương 215 triệu đồng. Ngoài ra, Bảo Việt cũng đã phối hợp với một số cơ quan chức năng như Sở du lịch, UBND địa phương để triển khai bảo hiểm tại điểm du lịch. Số lượng khách du lịch được bảo hiểm trên cơ sở vé thắng cảnh và được khai thác triệt để tại các khu vực này.
Chỉ có 25% số người đi du lịch mua bảo hiểm
Thực tế triển khai loại hình bảo hiểm này đang gặp phải nhiều khó khăn. Hiện tại, chỉ 25% số lượng người đi du lịch mua bảo hiểm một phần do bản thân khách du lịch chưa thấy được sự cần thiết phải mua bảo hiểm và các sản phẩm bảo hiểm còn nhiều hạn chế.
Đối với khách du lịch trong nước, do việc bán bảo hiểm theo hình thức tại điểm du lịch phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của sở du lịch tỉnh, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý du lịch tại địa bàn đối với ngành bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc bán bảo hiểm thông qua du lịch chuyến chủ yếu phụ thuộc vào các công ty du lịch lữ hành tổ chức. Song cũng chính việc tham gia bảo hiểm theo chuyến làm cho đội giá du lịch, giảm tính cạnh tranh du lịch khiến cho các công ty du lịch không mấy mặn mà. Bên cạnh đó, nhu cầu và ý thức của người dân về bảo hiểm này chưa cao.
Đối với người nước ngoài du lịch Việt Nam và người Việt Nam du lịch nước ngoài, do chưa có chế độ hay chính sách bắt buộc tham gia bảo hiểm khi đến Việt Nam nên số người có bảo hiểm du lịch là rất ít. Các đoàn khách du lịch nước ngoài phần lớn đã được bảo hiểm từ nước của họ trước chuyến du lịch đến Việt Nam. Sự thiếu tin tưởng về các dịch vụ nói chung và dịch vụ bảo hiểm nói riêng tại Việt Nam của người nước ngoài cũng là một nguyên nhân khiến cho việc tham gia bị hạn chế hơn. Mặc dù số khách du lịch lớn, nhưng số lượng đi du lịch tự do rất nhiều trong khi đối tượng này thường không muốn tự bỏ tiền túi ra để mua bảo hiểm.
BTV. Tiến Hùng
Theo (Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam - No.88 [2006-05-03], IIC cập nhật ngày 19/5/2006)