Hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành đã được cổ đông mở lối tăng tỷ lệ sở hữu nước nước ngoài (room ngoại), theo đó kỳ vọng rằng cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng bứt phá lên mức giá mới sau khi phương án được xúc tiến.
Là đơn vị đầu ngành, cổ phiếu Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) được kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm 2017 nhờ việc mở room ngoại lên trên 49% đã được ĐHĐCĐ thông qua. Phải nói thêm rằng, Dược Hậu Giang không chỉ là công ty đầu ngành, hoạt động kinh doanh tăng trưởng đều đặn mà năm 2016 vừa qua vừa đón cổ đông chiến lược nước ngoài.
Tính đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về thời điểm mở room của DHG. Hiện tại cổ đông lớn nhất tại DHG vẫn là SCIC đang nắm giữ 43,31% vốn, cổ đông chiến lược nước ngoài là CTCP Chế tạo thuốc Taisho nắm giữ 24,44% vốn. Hiện room ngoại tại DHG là 48,8%.
Cuối tháng 5/2017 vừa qua Công ty đã hoàn tất việc chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 50% theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2017. Mặc dù vậy giá cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng, tính theo giá điều chỉnh, 6 tháng qua giá cổ phiếu DHG đã tăng gấp đôi từ mức 61.000 đồng/cp (sau chia), hiện giá cổ phiếu DHG ở mức 129.000 đồng/cp.
Theo dự báo của bộ phận phân tích công ty chứng khoán HSC, năm 2017 doanh thu của DHG sẽ đạt 4.738 tỷ đồng, tăng trưởng 14,05% và LNTT đạt 834,5 tỷ đồng, tăng trưởng 10,29%. HSC giả định doanh thu của DHG tăng trưởng 14,05% nhờ doanh thu thuốc tự sản xuất tăng 13,2% nhờ sự tăng trưởng mạnh của thuốc khác không phải kháng sinh như Nattoenzym, Apitim và Naturenz; công suất hoạt động của nhà máy betalactam mới nhất bình quân là 60% (tăng so với thời điểm khi mới đi vào hoạt động là 45%).
Trước đó, một doanh nghiệp trong ngành dược khác là CTCP XNK Y tế Domesco (HOSE: DCM) đã trở thành đơn vị ngành dược đầu tiên mở room ngoại, ngay sau đó thì cổ đông chiến lược CFR International Spa của Domesco cũng hoàn tất việc tăng sở hữu tại đây lên 51%, chính thức nắm quyền chi phối. Đi kèm với điều này, giá cổ phiếu DCM đã tăng vọt từ dưới 50.000 đồng lên 100.000 đồng trong vòng 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 9/2016 và vẫn đang tiếp tục tăng lên mức giá mới 123.000 đồng (tính đến phiên ngày 16/06/2017). Công ty mẹ của DMC là Tập đoàn Abbott (thông qua CFR International Spa) mới đây thực hiện hợp đồng giao dịch nhằm nhường quyền một số sản phẩm của Tập đoàn cho DMC nhằm tăng doanh thu tại thị trường Việt Nam.
Cả DHG và DMC đều là "con cưng" của SCIC, ngoài ra hai cổ phiếu khác nằm trong danh mục của SCIC được khối ngoại dòm ngó là Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX: NTP) và Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP). Đều là các doanh nghiệp lớn, chi trả cổ tức cao và được ĐHCĐ chấp thuận nới room ngoại.
Đối với vấn đề nới room ngoại, trong khi BMP ghi rõ là loại bỏ hai ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là “vận tải hàng hóa bằng đường bộ” và “quảng cáo” để nâng room ngoại lên 100% thì NTP là thông qua chủ trương tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và ủy quyền cho HĐQT thực hiện các công việc liên quan, trong đó lưu ý đánh giá tác động của việc này. Sở dĩ có sự khác biệt bởi NTP đến tận hôm diễn ra Đại hội, ông Trần Bá Phúc – Chủ tịch HĐQT mới thông báo điều chỉnh và bổ sung các tờ trình so với tài liệu công bố ban đầu. Vấn đề được bổ sung là thưởng cổ phiếu 20%, cổ tức tiền mặt trên vốn điều lệ mới và chủ trương nới room.
Nói về diễn biến giá cổ phiếu thì cả BMP và NTP đều hầu như đi ngang suốt 6 tháng đầu năm 2017, ngay cả khi việc chia thưởng được thực hiện xong, giá cổ phiếu đã rơi về mức hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, còn hàng loạt ông lớn đã được cổ đông bật đèn xanh cho tăng room ngoại là Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), PVI (HNX: PVI), XD và KD Địa ốc Hòa Bình (HOSE: HBC).
Mới đây nhất, CTCP Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) cũng đã chính thức được cổ đông gật đầu phương án tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa. Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc Công ty cho biết, hiện các nhà đầu tư Singapore, Thái Lan, Indo đang muốn đầu tư vốn vào KDC để cùng hợp tác dựa theo lợi thế của KDC. Họ không chỉ muốn đưa hàng sang Việt Nam và còn muốn đóng góp vào hoạt động của KDC và cùng hưởng lợi khi nhu cầu thị trường này ngày càng phát triển.
Ngoài ra, tính đến cuối năm 2016, Công ty đang có 50.99 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm gần 20% vốn với giá trị sổ sách là 1.959.5 tỷ đồng. Theo tiết lộ của ông Nguyên thì KDC sẽ bán lượng cổ phiếu quỹ này khi có đối tác mua với giá trên 50.000 đồng/CP. Nếu bán được thì HĐQT sẽ tiến hành trả ngay cổ tức bất thường cho các cổ đông, với số tiền trên 2.500 tỷ đồng thì tỷ lệ chia cổ tức sẽ lên tới 100% mệnh giá.
Trong số nhiều doanh nghiệp đầu ngành đã qua bước xin phép cổ đông thì chỉ có Chứng Khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE: HCM) là chính thức hoàn thành.
Cụ thể, trình bày tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, Ban lãnh đạo của HCM cho biết mặc dù sau khi nâng room sẽ có nhiều hạn chế cho hoạt động kinh doanh của Công ty nhưng ở khía cạnh ngược lại việc nới room cũng sẽ đem lại cơ hội tốt cho cổ phiếu HCM trên sàn HOSE, giúp tăng được tính thanh khoản trong giao dịch, cải thiện khả năng huy động vốn cũng như thay đổi cơ cấu cổ đông theo hướng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Ngay khi giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu HCM được điều chỉnh lên 100% từ ngày 19/05 thì giao dịch khối ngoại tại đây đã cải thiện đáng kể. Giá cổ phiếu này cũng đã tăng gần gấp rưỡi từ mức giá 30.000 đồng lên 42.700 đồng.
Được biết, tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã được cơi nới cho nhóm ngành chứng khoán kể từ khi Nghị định 60 được ban hành vào năm 2015 nhưng suốt một thời gian dài chỉ duy nhất CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) là đã thực hiện mở room. Đến mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, thị trường đón nhận thêm công ty chứng khoán lớn tiếp theo mở room là Chứng Khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE: HCM). Ngoài ra, đầu năm 2017 ngành chứng khoán cũng có thêm 2 đơn vị khác mới thực hiện mở room lên 100% là Chứng khoán FPT (HOSE: FTS), Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (HNX: IVS) nhưng sức hút của hai đơn vị này không lớn.