Theo quy định hiện hành, khi ký được hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được phép chi từ 2,5% đến 12% hoa hồng (tùy loại hợp đồng) cho đại lý bảo hiểm hoặc tối đa không quá 15% cho doanh nghiệp môi giới. Những đối tượng khác như người không phải kinh doanh đại lý, môi giới bảo hiểm; khách hàng mua bảo hiểm; cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đều không được phép nhận chi trả hoa hồng. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là số lượng giao dịch bảo hiểm thông qua người hành nghề chuyên nghiệp, tức các đại lý và doanh nghiệp môi giới còn rất thấp, theo ước lượng của một số người trong cuộc, chỉ khoảng 10%. Phần giao dịch còn lại chủ yếu do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và khách hàng trực tiếp ký hợp đồng với nhau hoặc thông qua trung gian nào đó. “Có những công trình tiền bảo hiểm lên tới hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng. Với những hợp đồng lớn như vậy, khách hàng thường không tin cậy đại lý. Vì vậy, họ trực tiếp giao dịch với chính doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm”, một doanh nghiệp giải thích. Điều hết sức trớ trêu là khi giao dịch như vậy, khách hàng hoặc người trung gian vẫn đòi hỏi phải được chi hoa hồng, nếu không thì họ sẽ đi mua chỗ khác. Để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải chiều theo ý của “thượng đế”. Mà làm như vậy thì phải lách luật, tức là phải làm động tác giả bằng cách hợp thức hóa qua một đại lý nào đó, thậm chí đại lý “dỏm” (dựng lên cho có) để rút hoa hồng ra, rồi chia lại số tiền đó cho khách hàng (không loại trừ lợi dụng việc này để người của doanh nghiệp bỏ túi riêng). Hoa hồng dần dần trở thành một vũ khí lợi hại được các doanh nghiệp sử dụng triệt để nhằm mục đích cạnh tranh. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tiềm năng bảo hiểm phi nhân thọ hiện chỉ mới được khai thác khoảng 20% (trên tổng giá trị tài sản cần bảo hiểm). Cũng vì miếng bánh hấp dẫn đó mà cuộc chạy đua giành thị phần giữa 17 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm càng lúc càng khốc liệt. Để lôi kéo khách hàng, các doanh nghiệp sẵn sàng hứa hẹn, chi những khoản hoa hồng hậu hĩ. Hiện tượng này phổ biến đến mức có người trong cuộc phải kêu lên “thị trường bảo hiểm dường như đang bị nhuốm màu... hoa hồng”. Một thành viên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết đã từng xảy ra những cuộc cãi vã nảy lửa giữa các thành viên trong các cuộc họp của hiệp hội cũng vì chuyện chi hoa hồng. Có ý kiến cho rằng đây là một trong những lý do khiến cho liên doanh bảo hiểm Allianz (Đức-Pháp) rút lui khỏi Việt Nam vì chính sách kinh doanh của họ không cho phép chi trả hoa hồng cho khách hàng. Và đây cũng là điều làm cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nước ngoài gặp khó khăn bởi họ không thể cạnh tranh theo kiểu “khác người” như vậy. Được biết thị phần của bảy doanh nghiệp nước ngoài hiện chỉ khoảng 6-7% và đang có chiều hướng bị thu hẹp. Thế nhưng, phương thức cạnh tranh để giành thị phần như trên không thể xem là lành mạnh bởi nó không những không giúp doanh nghiệp tăng chất lượng dịch vụ mà còn có thể làm hại chính doanh nghiệp vì làm trái pháp luật. |
Theo TBKTSG |