Ðể thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 được Ðảng và Chính phủ giao, Ðảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo, điều hành, thực hiện những giải pháp linh hoạt, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.
Ðẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển
Trong năm năm qua, doanh thu toàn Tập đoàn tăng bình quân 28%/năm, tương đương 18 đến 20% GDP cả nước, tăng 3,1 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005; nộp ngân sách Nhà nước tăng bình quân 18,3%/năm, chiếm 28 đến 30%/năm tổng thu ngân sách Nhà nước. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 5%/năm; năng suất lao động trung bình tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2001-2005. Vốn chủ sở hữu tăng 2,4 lần so với đầu kỳ kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu trung bình đạt 20%/năm; hệ số nợ trên tổng tài sản là 0,36 - bảo đảm an toàn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Ðưa thêm năm sản phẩm mới vào phục vụ nền kinh tế quốc dân: điện khí, xăng dầu, hạt nhựa polypropylene, khí nén cao áp và năng lượng sạch.
Công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí thu được nhiều kết quả cao ở cả trong nước và nước ngoài; trong 5 năm, Tập đoàn đã có 30 phát hiện dầu khí mới; gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 333 triệu tấn, bằng 163% kế hoạch, tăng 26% so với 5 năm trước. Ðưa thêm 15 mỏ mới vào khai thác; tổng sản lượng khai thác dầu khí tăng 5% so với thực hiện kế hoạch 2001-2005. Hệ thống các đường ống dẫn khí được vận hành an toàn và hiệu quả, góp phần bảo đảm nhu cầu khí cho các hộ tiêu dùng. Trong 5 năm, Tập đoàn cung cấp gần 36 tỷ m3 khí khô để sản xuất 40% sản lượng điện toàn quốc, 35 đến 40% nhu cầu phân u-rê cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp 70% nhu cầu khí hóa lỏng cho phát triển công nghiệp và tiêu dùng dân sinh trong cả nước, sản lượng điện sản xuất đạt hơn 25 tỷ kW giờ, góp phần tích cực cùng ngành điện bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, biểu tượng của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam đã đi vào hoạt động thử từ tháng 2-2010, bắt đầu vận hành thương mại từ tháng 5-2010 phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước, giảm nhập siêu và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Dịch vụ dầu khí đã có bước phát triển vượt bậc, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình là 44%/năm và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh thu toàn ngành. Hầu hết các loại hình dịch vụ đều có bước phát triển mạnh, từng bước vươn ra cung cấp dịch vụ cho thị trường dầu khí ở nước ngoài.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực dầu khí được đẩy mạnh với giá trị đầu tư thu hút đạt hơn 11,5 tỷ USD. Tập đoàn đã ký 50 hợp đồng dầu khí mới và nhiều thoả thuận hợp tác quan trọng trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí với các công ty dầu khí quốc tế và công ty dầu khí quốc gia của các nước trên thế giới. Hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hơn 50 dự án, trong đó có năm dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Ðiện Cà Mau 1, Nhà máy Ðiện Cà Mau 2, Ðường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, Nhà máy Ðiện Nhơn Trạch 1.
Khởi công xây dựng hơn 40 dự án trọng điểm khác, trong đó có các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí và dự án trọng điểm của Tập đoàn, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Ðạm Cà Mau, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, thực hiện hợp đồng EPC Nhà máy điện Vũng Áng 1, Long Phú 1, khởi công xây dựng hạ tầng các trung tâm điện lực: Thái Bình, Quảng Trạch, Sông Hậu... Kết quả của việc triển khai các dự án đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu của Petrovietnam trong và ngoài nước.
Phát huy vai trò đầu tàu kinh tế
Tập đoàn luôn chủ động, tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương của Ðảng và Chính phủ, chủ động đối phó với những biến động phức tạp của kinh tế đất nước. Cuối năm 2007, đầu năm 2008, trước tình hình lạm phát tăng cao, Tập đoàn đã triển khai thực hiện tám nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và chủ động nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu như: xăng, dầu, khí hóa lỏng, phân đạm... ổn định nhu cầu của thị trường trong nước.
Ðã thực hiện chính sách giảm giá và bán phân u-rê theo giá niêm yết thống nhất chung trên toàn quốc, bán LPG Dinh Cố thấp hơn so với giá nhập khẩu... góp phần tích cực bình ổn giá các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu ở thị trường trong nước. Cuối năm 2008, khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến đảo chiều từ lạm phát chuyển sang suy giảm/suy thoái; thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Tập đoàn đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện 'Chương trình hành động' nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tập đoàn. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng tập trung: thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án; bám sát và hỗ trợ các đơn vị về vốn để bảo đảm tiến độ đầu tư; tổ chức phát động các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong tất cả các đơn vị thành viên. Hằng năm tổ chức sơ kết việc thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' để nhân rộng các điển hình tiên tiến trong toàn ngành...
Việc mở rộng hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả quan trọng. Trong 5 năm qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng và triển khai thành công tại nhiều châu lục và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, những dự án lớn tiêu biểu là: thành lập liên doanh Rusvietpetro khai thác dầu tại khu tự trị Nhe-nhét-xki ở LB Nga, thành lập liên doanh khai thác dầu tại lô Junin 2 ở Vê-nê-xu-ê-la, thành lập liên doanh khai thác dầu tại lô 433a và 416b tại An-giê-ri, triển khai chuẩn bị đầu tư Nhà máy thủy điện Luông Phra-băng tại Lào... Công tác an sinh xã hội được thực hiện thường xuyên.
Trong 5 năm 2006 - 2010, Tập đoàn đã hỗ trợ xây dựng 38.023 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; 69 công trình giáo dục, trường học; 15 cơ sở y tế. Tổ chức thực hiện các chương trình biển đảo và các công tác xã hội khác với tổng số tiền 1.902 tỷ đồng. Giải quyết nhà ở cho hơn 3.000 lao động trong ngành, giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động mới và bảo đảm thu nhập cho cán bộ, công nhân viên. Gắn nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Từ những thành tích đạt được, hàng nghìn lượt tập thể và cá nhân đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vinh dự được Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Sao Vàng.
Phấn đấu trở thành tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực
Trên cơ sở Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia; Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã được phê duyệt, cùng với Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, Tập đoàn đã xây dựng và tập trung phấn đấu thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Từng bước xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực, có tốc độ tăng trưởng bình quân 18 đến 20%/năm; với cơ cấu phát triển hợp lý giữa các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là chủ đạo.
Ðẩy mạnh công tác khảo sát, điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí; phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 35 đến 45 triệu tấn quy dầu/năm, sản lượng khai thác dầu khí đạt 23 đến 34 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó khai thác dầu ở mức 15 đến 20 triệu tấn/năm và 8,5 đến 14 tỷ m3 khí. Xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ ngành công nghiệp khí vào năm 2015. Bảo đảm cung cấp đủ khí cho tiêu thụ công nghiệp và dân sinh trong nước. Tích cực đầu tư, phát triển theo hướng đa dạng hóa thị trường khí với sản lượng khí tiêu thụ khoảng 14 tỷ m3/năm vào năm 2015. Phấn đấu đến năm 2015 đạt tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện hơn 9.000 MW, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy điện của Tập đoàn chiếm 20 đến 25% tổng sản lượng điện toàn quốc.
Về công nghiệp lọc hóa dầu đầu tư đúng tiến độ các dự án, đến năm 2015 tổng công suất các nhà máy lọc dầu của Tập đoàn đạt khoảng 16 đến 17 triệu tấn, đáp ứng 60 đến 70% nhu cầu xăng, dầu trong nước và có một số sản phẩm xuất khẩu ra thị trường khu vực. Phát triển công nghiệp hóa dầu đáp ứng 60 đến 70% nhu cầu phân đạm trong nước, 40 đến 50% nhu cầu nguyên liệu cho hóa dầu và các sản phẩm hóa dầu, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chất dẻo, xơ sợi tổng hợp và dẫn xuất aromatics. Phát triển hệ thống sản xuất và phân phối nhiên liệu sinh học đến năm 2011 bắt đầu có sản phẩm nhiên liệu sinh học và đến năm 2015 sản lượng xăng, dầu pha trộn nhiên liệu sinh học đạt ít nhất 20 đến 30% tổng tiêu thụ nhiên liệu xăng, dầu trong cả nước; nâng tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học gốc lên hơn 5%.
Về đầu tư phát triển chế biến dầu khí ở nước ngoài, trên cơ sở kế thừa các dự án đang được nghiên cứu trong giai đoạn 2006-2010, tiếp tục phát triển và nắm bắt các cơ hội mới để phát triển đầu tư các dự án chế biến dầu khí ở nước ngoài. Phấn đấu phát triển các dịch vụ dầu khí đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm. Tiếp tục đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ. Thành lập và đưa Trường đại học Dầu khí vào hoạt động từ năm 2010; gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Tăng cường thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Giải quyết việc làm cho 15 nghìn lao động mới, bảo đảm mức thu nhập trung bình đạt 25 triệu đồng/ người/tháng, năng suất lao động trung bình đạt 13,5 tỷ đồng/ người/năm.
Ðể thực hiện khát vọng hiện đại, hội nhập, tăng tốc phát triển, làm chủ biển lớn, toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân Tập đoàn đồng tâm, hiệp lực, tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện triệt để ba giải pháp đột phá: về con người, về khoa học và công nghệ và về quản lý.