Bảo Việt có mức tăng trưởng so với cùng kỳ là 8,6%, chiếm 32% thị phần. Bảo Minh tăng trưởng 10% chiếm 24,7% thị phần. PVI đạt mức tăng trưởng cao nhất 60% và chiếm 22% thị phần. Riêng PJICO tốc độ tăng trưởng giảm 4%, chiếm 9,8% thị phần.
Bảo hiểm xe cơ giới đã không còn là nghiệp vụ có tăng trưởng cao nhất thị trường như trong các năm 2004 và 2005. 6 tháng đầu năm 2006, mức tăng trưởng của nghiệp vụ này khá khiêm tốn, dưới 5%. Sự giảm sút của bảo hiểm xe cơ giới đã khiến cho một số doanh nghiệp như PJICO phải xác định lại sản phẩm chiến lược của mình trong thời gian tới. Một lãnh đạo của một công ty bảo hiểm cho biết, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đều xác định bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm chủ lực, thị trường bảo hiểm xe cơ giới còn rất tiềm năng nên tiếp tục cạnh tranh quyết liệt với nhau bằng tăng hoa hồng, tăng chi phí khai thác mà thực chất là các khoản để lại cho khách hàng. Phí để lại có khi lên đến 50%, thậm chí 70%.
Trong số những nghiệp vụ tăng trưởng cao nhất như: bảo hiểm cháy nổ (trên 30%), bảo hiểm tàu thủy (trên 20%). Bảo hiểm con người vẫn là nghiệp vụ có mức tăng trưởng khá ổn định với mức tăng 10%. Các nghiệp vụ có xu hướng giảm doanh thu như bảo hiểm xây dựng - lắp đặt, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm thiết bị điện tử.
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 6 tháng đầu năm đã có tốc độ tăng doanh thu cao. Nhưng nếu xét về tính ổn định, bền vững thì thị trường này đang phải đối mặt với nhiều biểu hiện tiêu cực, đáng báo động nhất là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng phổ biến, thông qua hình thức chạy đua hạ phí bảo hiểm. Thêm vào đó, chi phí hoa hồng, chi quản lý, hỗ trợ đại lý đã đẩy chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm xấp xỉ thậm chí vượt doanh thu phí bảo hiểm khai thác. ở một số doanh nghiệp bảo hiểm, nhiều nghiệp vụ đang khai thác bị lỗ.
Cách tốt nhất trong lúc này là các doanh nghiệp nên hướng đến việc cạnh tranh bằng cách tạo ra sự riêng biệt của các sản phẩm bảo hiểm, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp đồng loạt khai thác cùng một loại sản phẩm bảo hiểm như hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng hoạt động đầu tư tài chính vì đây sẽ là nguồn lợi nhuận chủ yếu, nhất là trong trường hợp Bộ tài chính không còn quản lý về biểu phí của các sản phẩm bảo hiểm triển khai theo dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 42/2001/NĐ-CP.
Theo Bảo Việt Việt Nam, mức tăng trưởng 8,6% của 6 tháng đầu năm đã đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra. Riêng doanh thu của 2 nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người của Bảo Việt Việt Nam trong 6 tháng còn ở mức khiêm tốn.
Theo ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Bảo Việt Việt Nam, Bảo Việt đã và đang phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước về cả doanh thu, thị phần... và cả với các đối thủ quốc tế mạnh về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý, trình độ chuyên môn, sản phẩm, công nghệ... Tập đoàn Bảo Việt nói chung, Bảo Việt Việt Nam nói riêng đã và đang xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh trong giai đoạn tới, nhằm giữ vững vị thế và phát triển trong áp lực cạnh tranh mới.
Dự kiến đến cuối năm 2006, Bảo Việt sẽ hoàn thành đề án cổ phần hóa. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của Bảo Việt với nhiều cơ hội và thách thức. Mô hình tổ chức mới sẽ tạo tính chủ động hơn trong kinh doanh cho các đơn vị thành viên. Ngoài việc đẩy mạnh doanh thu các nghiệp vụ truyền thống và mũi nhọn như: bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng hóa, ... Bảo Việt Việt Nam chú trọng tới công tác tổ chức cán bộ và quản trị nguồn nhân lực như có những biện pháp thích hợp.
Tính đến ngày 7/8, Công ty bảo hiểm dầu khí (PVI) đã đạt doanh thu 808 tỷ đồng, bằng 105% so với thực hiện năm 2005. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Công ty hoàn thành vượt mức kế hoạch, dự kiến doanh thu đến cuối năm 2006 trên 1.000 tỷ đồng. Ông Lê Văn Hùng, Tổng giám đốc PVI, cho biết khi hội nhập phải tiếp cận nhanh và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, phải không ngừng nâng cao trình độ nhân lực cũng như tăng năng lực tài chính của mình. Bảo hiểm dầu khí đã chủ động hội nhập với việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm qua biên giới cho các hợp đồng dầu khí tại Malaysia, Singapore, Algeri, Nga, Nhật Bản...
Lan Hương
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam - No.161 [ 2006-08-14 ]