Theo quy định mới, từ ngày 1/7/2017, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới sẽ được kiểm tra chặt chẽ hơn, đồng thời cách thức xác định hoa hồng cũng tường minh hơn.
Tỷ lệ hoa hồng tối đa cho các nghiệp vụ bảo hiểm của khối phi nhân thọ là 20%
Siết chặt các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, xe cơ giới
Cụ thể, theo Thông tư 50/2017/TT-BTC, việc phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, chấp thuận đăng ký sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới ngoài phải tuân thủ quy định tại Điều 40, Nghị định 73/2016/NĐ-CP, còn phải theo các nguyên tắc: Bộ Tài chính kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đề nghị phê chuẩn đăng ký sản phẩm bảo hiểm và sự phù hợp của quy tắc điều khoản bảo hiểm với các quy định hiện hành…; Bộ Tài chính kiểm tra giải trình cơ sở kỹ thuật của sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở ý kiến xác nhận của chuyên gia tính toán bảo hiểm (đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe), chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán (đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài)…
Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm cơ giới là 2 nghiệp vụ luôn cho doanh thu cao, nhưng cũng là những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao. Tương tự, những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng nằm trong nhóm sản phẩm có tỷ lệ bồi thường và nguy cơ trục lợi cao, dù mang lại doanh thu lớn.
Đặc biệt với bảo hiểm xe cơ giới, theo một chuyên gia trong ngành, mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã thống nhất sử dụng quy tắc, điều khoản chung và cùng xây dựng biểu phí, nhưng vì cạnh tranh, nên mỗi hãng bảo hiểm đều có lý do riêng để hạ phí bảo hiểm cho khách hàng nhằm tăng doanh thu.
Thực tế cho thấy, việc cạnh tranh bằng hạ phí và có phần “lỏng tay” trong kiểm soát chất lượng các hợp đồng khiến bảo hiểm xe cơ giới dù mang lại tăng trưởng doanh thu cao, nhưng không ít doanh nghiệp chịu lỗ với nghiệp vụ này. Bởi tỷ lệ bồi thường xe cơ giới trung bình trên thị trường luôn ở mức trên 50% doanh thu, thậm chí không ít doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường lên tới hơn 70% doanh thu...
Chính vì thế, nghiệp vụ bảo hỉểm xe cơ giới dù có doanh thu cao, nhưng đa phần doanh nghiệp bảo hiểm không có lãi từ nghiệp vụ này. Bồi thường bảo hiểm cơ giới chiếm tỷ trọng quá lớn, kéo lợi nhuận giảm sút.
Trước đó, để đảm bảo an toàn tài chính cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ theo quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP về thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ phải có chuyên gia tính toán đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Những quy định chặt chẽ đối với chuyên gia định phí là rất cần thiết, bởi theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc tính toán dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng bồi thường cho các yêu cầu bồi thường chưa được giải quyết tương đối đơn giản, nhưng việc tính toán dự phòng bồi thường cho tổn thất đã phát sinh, nhưng chưa thông báo, thì phức tạp hơn nhiều, bởi phải làm việc với những điều chưa rõ ràng và không chắc chắn xảy ra. Nhiều công ty đã trích lập dự phòng bồi thường thiếu chính xác, gây ảnh hưởng cho sự an toàn tài chính của công ty đó.
Tường minh cách xác định hoa hồng
Cùng với việc quy định cụ thể quy trình phê duyệt một số sản phẩm bảo hiểm luôn có tỷ lệ bồi thường cao, từ ngày 1/7/2017, các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đều đồng loạt áp dụng mức hoa hồng mới cho các đại lý của mình theo quy định tại Thông tư số 50/2017/TT-BTC của Bộ tài chính.
Theo đó, tỷ lệ hoa hồng tối đa cho các nghiệp vụ bảo hiểm của khối phi nhân thọ là 20% (như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy; bảo hiểm nông nghiệp) các nghiệp vụ còn lại có tỷ lệ hoa hồng tối đa từ 5-10%. Đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân, tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm tối đa năm hợp đồng thứ nhất là 40% cho bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp thời hạn bảo hiểm trên 10 năm.
Trao đổi với Báo Đầu tư chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, thông tư mới này không thay đổi mức hoa hồng cho đại lý so với quy định trước đây. Các tỷ lệ trong bảng hoa hồng giữ nguyên theo Thông tư 124/2012/TT-BTC.
Tuy nhiên, Thông tư 50 /2017/TT-BTC quy định rõ hơn về cách xác định hoa hồng trong trường hợp kết hợp các nghiệp vụ bảo hiểm riêng biệt, cụ thể là doanh nghiệp bảo hiểm được quyền chi trả hoa hồng bảo hiểm trên cơ sở tổng số hoa hồng của từng nghiệp vụ bảo hiểm riêng biệt, hoặc theo nghiệp vụ bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm chính.