Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017 đầy rẫy những bất ngờ. Không có tính mùa vụ như mọi năm, cũng không có bất kỳ nhịp điều chỉnh thực sự nào đáng kể bất chấp mức tăng trưởng rất cao.
VN-Index cuối năm 2007 đứng tại 927,02 điểm, trước khi chìm vào một năm 2008 khủng khiếp. Hành trình hàn gắn vết thương khủng hoảng tài chính đã bước sang năm thứ 9 và VN-Index cuối tháng 10/2017 đã là 840,37 điểm. Còn một khoảng cách ngắn chưa tới 90 điểm không phải là điều gì ghê gớm, vì trong chưa đầy 2 tháng qua, VN-Index cũng đã có thể tăng hơn 80 điểm.
Sức mạnh kỳ lạ 2017
Diễn biến của thị trường chứng khoán năm 2017 có thể làm bất ngờ bất cứ chuyên gia nào. Chưa có năm nào kể từ 2007, thị trường chứng khoán lại có được 10 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ như vậy trong bối cảnh bình thường. Mạnh mẽ như năm 2016, tăng trưởng của VN-Index 10 tháng cũng chỉ là 15,3%.
Kỷ lục gần nhất là 10 tháng năm 2014, mức tăng trưởng khoảng 19,1%. 10 tháng năm 2013 tăng trưởng 18,8%. Mức tăng trưởng 10 tháng đột biến thời kỳ hậu khủng hoảng là năm 2009, với chính sách hỗ trợ lãi suất, thị trường tăng trưởng 84,2%.
Trong 10 tháng 2017, chỉ số VN-Index tăng 26,4% và điểm khác biệt chính là mức tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế vững chắc. Năm 2009 khó có thể nói là nền kinh tế ủng hộ khả năng tăng mạnh như vậy trên thị trường chứng khoán. Có chăng là chính sách nới lỏng tiền tệ đột ngột đã khiến thị trường chứng khoán thừa tiền đột biến trong ngắn hạn. Hậu quả là 2 năm kế tiếp, 2010 và 2011, thị trường chứng khoán lại rơi vào suy thoái.
Chính vì vậy, sức mạnh kỳ lạ của thị trường năm 2017 là một điểm nhấn rất tích cực. Mặc dù hiện tại mặt bằng lãi suất khá thấp, Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng kỷ lục, nhưng mức lạm phát vẫn đang duy trì tốt. CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2017 tăng 3,71% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lạm phát cơ bản (trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và các mặt hàng bị quản lý giá) chỉ tăng 1,44% so với cùng kỳ, trong khi kế hoạch điều hành cho phép tăng trong khoảng 1,6% đến 1,8%.
Thị trường chứng khoán có đón nhận dòng tiền rẻ trong năm 2017? Điều đó là có thể. Thông thường chính sách nới lỏng tín dụng luôn khiến giá tài sản tăng và thị trường chứng khoán hưởng lợi nhanh nhất. Tín dụng năm nay có thể tăng trưởng tới 21%-22% là con số lớn vì quy mô này là tăng so với năm trước và liên tổng tín dụng mỗi năm cũng lớn hơn.
Điểm tích cực là tín dụng tăng trưởng cao cũng dẫn đến mức tăng trưởng mạnh của nền kinh tế và lạm phát hợp lý. Tăng trưởng GDP năm 2017 có khả năng rất lớn sẽ đạt 6,7%. Quý III/2017 tốc độ tăng trưởng là 7,46% và mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ năm 2000 đến nay là 6,47% và mức tăng cao nhất là 8,48% trong quý 4/2007.
Như vậy, nếu năm 2017 đạt mục tiêu tăng trưởng thì đó sẽ là tốc độ tăng trưởng vượt bình quân trong suốt 17 năm qua. Thị trường chứng khoán nếu tăng trưởng kỷ lục trong năm 2017 thì cũng là điều hợp lý.
Quả thực mức tăng trưởng kỳ lạ của thị trường chứng khoán năm 2017 có thể đo đếm bằng mức điều chỉnh của VN-Index. Chưa có năm nào, kể từ năm 2008 đến nay, chỉ số VN-Index trong 10 tháng liên tục lại không xuất hiện một nhịp điều chỉnh sâu quá 5%. Năm 2017 là một ngoại lệ, mức điều chỉnh lớn nhất từng xuất hiện là giảm 4% trong tháng 8.
Chuyển biến về chất
Hành trình hàn gắn những tổn thương hậu khủng hoảng tài chính không chỉ thể hiện ở mức tăng trưởng mạnh mẽ ở chỉ số VN-Index, mà còn ở chất lượng ngày càng được nâng cao của chính thị trường chứng khoán. Hàng loạt khung pháp lý mới ra đời, tăng cường sự minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình, cũng như nâng cao chất lượng quản trị vi mô ở các doanh nghiệp niêm yết.
Một yếu tố rất cơ bản góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ những năm gần đây là quy mô của thị trường tăng lên. Đã có thêm rất nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết mới và quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh.
Mặc dù VN-Index vẫn còn kém khá xa mức điểm số cuối năm 2007, nhưng vốn hóa thị trường đã gia tăng rất lớn. Cụ thể, cuối năm 2007, vốn hóa của thị trường chứng khoán chỉ khoảng 500.000 tỷ đồng nhưng đến cuối tháng 10/2017, riêng quy mô sàn HSX đã là 2,15 triệu tỷ đồng, gấp 4,3 lần.
Rõ ràng xét về giá cổ phiếu, đỉnh cao 2007 vẫn là đỉnh chưa thể vượt qua được, nhưng quy mô thị trường tăng là do có thêm rất nhiều cổ phiếu niêm yết mới. Trong số 20 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất đối với chỉ số VN-Index, chỉ có VNM, VIC, HPG, FPT, STB là niêm yết từ thời kỳ khủng hoảng. Hàng loạt đại công ty khác chỉ mới lên sàn từ khoảng 2010 đến nay.
Có thể điểm ra những công ty nhà nước cổ phần hóa có quy mô khổng lồ như SAB vốn hóa 179,8 ngàn tỷ đồng niêm yết cuối năm 2016, VCB vốn hóa 151,1 ngàn tỷ đồng niêm yết cuối 2009, GAS vốn hóa 132,6 ngàn tỷ đồng, niêm yết cuối 2012, PLX vốn hóa gần 81 ngàn tỷ đồng niêm yết 2017… Các công ty tư nhân lớn như VJC, VPB, ROS cũng mới lên sàn. Chỉ 20 đại công ty trên sàn đã chiếm 74,1% tổng giá trị vốn hóa của sàn HSX, nơi vận hành chỉ số VN-Index.
Khi quy mô thị trường ngày càng tăng với nhiều đại công ty mới gia nhập, đặc biệt là gia nhập ở thời điểm thị trường bắt đầu phục hồi, VN-Index có được một sức mạnh mới, mạnh hơn đáng kể so với thời kỳ tiền khủng hoảng.
Do cách thức tính toán chỉ số này dựa vào yếu tố vốn hóa thị trường của các cổ phiếu, nên khi các công ty lớn mới lên sàn gia tăng giá trị, chỉ số sẽ tăng. Càng nhiều đại công ty mới, chỉ số càng có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn.
Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao trong suốt thời kỳ hơn 8 năm kể từ đáy khủng hoảng 2009, VN-Index tăng 244,4% thì chỉ từ đầu năm 2013 đến nay chỉ số đã tăng 123,6%. Tốc độ tăng trưởng không chỉ xuất phát từ tốc độ phục hồi của nền kinh tế vĩ mô.
Cùng với việc niêm yết ngày càng nhiều các công ty lớn, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam gia tăng theo cấp số nhân thì mức độ quan tâm của các dòng vốn nước ngoài càng cao.
Vì các tổ chức nước ngoài bị ràng buộc bởi quy định chỉ được đầu tư vào một số thị trường thỏa mãn các điều kiện nhất định, cũng như có tỷ lệ phân bổ tài sản theo tiêu chuẩn, nên khi thị trường càng gia tăng quy mô, cơ hội hấp dẫn dòng vốn mới càng cao.