Doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm; đại lý bảo hiểm và tổ chức bảo hiểm khác thoả mãn các điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm - DNBH) sẽ phải nộp thuế GTGT đối với dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ, dịch vụ tư vấn và môi giới bảo hiểm phi nhân thọ; đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn; hàng hoá, dịch vụ khác thuộc diện chịu thuế GTGT phát sinh trong quá trình hoạt động theo quy định vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Cụ thể, DNBH phải nộp thuế GTGT với thuế suất 10% đối với tất cả các dịch vụ ngoại trừ hoạt động bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tai nạn con người trong gói bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm người học; bảo hiểm tai nạn thuỷ thủ, thuyền viên; bảo hiểm tai nạn con người (bao gồm cả bảo hiểm tai nạn, sinh mạng, kết hợp nằm viện); bảo hiểm tai nạn hành khách, khách du lịch, tai nạn lái - phụ xe và người ngồi trên xe; bảo hiểm người đình sản, trợ cấp nằm viện phẫu thuật, sinh mạng cá nhân; bảo hiểm người sử dụng điện, bồi thường người lao động; bảo hiểm sức khoẻ và các bảo hiểm khác liên quan đến con người, chăm sóc sức khoẻ con người.
DNBH được hưởng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100% cung cấp cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan và cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng miễn thuế GTGT đối với hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm vật nuôi, cây trồng và các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; tái bảo hiểm; đào tạo đại lý bảo hiểm; bảo hiểm công trình, thiết bị dầu khí, tàu chứa dầu mang quốc tịch nước ngoài hoạt động tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng biển chồng lấn mà Việt Nam và các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện đã thoả thuận đặt dưới chế độ khai thác chung.
Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với DNBH. Theo đó, khoản chi bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm gốc (chi bồi thường bảo hiểm gốc đối với bảo hiểm phi nhân thọ, trả tiền bảo hiểm đối với bảo hiểm nhân thọ), hợp đồng tái bảo hiểm sau khi đã trừ đi các khoản phải thu để giảm chi như thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm, thu đòi người thứ ba bồi hoàn, thu hàng đã xử lý, bồi thường 100%; phí nhượng tái bảo hiểm; trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm của DNBH đều được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Khoản chi hoa hồng bảo hiểm, hoa hồng môi giới bảo hiểm; chi giám định tổn thất theo quy định của pháp luật; chi phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn; chi xử lý hàng tổn thất đã được giải quyết bồi thường 100%; chi quản lý đại lý bảo hiểm; chi đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định; chi đề phòng hạn chế tổn thất của DNBH cũng được coi là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Ngoài ra, nếu DNBH chi đánh giá rủi ro của đối tượng bảo hiểm bao gồm chi cho công tác thu thập thông tin, điều tra, thẩm định về đối tượng bảo hiểm; khoản trích lập bắt buộc theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; các khoản tiền thưởng theo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho người lao động ngoài tiền lương và các khoản chi, trích khác theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cũng được coi là chi phí khi xác định chịu thuế TNDN./.