Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm Việt Nam, không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm, mà các doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Việt Nam cũng đang có những bước tiến nhanh trong chuyển đổi số nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng. Theo ông Trần Quang Thảo, Giám đốc Chuyển đổi số Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re), giải pháp số cần mang lại lợi ích chung cho các bên tham gia và đặc biệt là phải phù hợp với đặc thù, thói quen của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Được biết, PVI Re mới đây đã ký kết triển khai ứng dụng Cổng giao dịch Tái bảo hiểm điện tử với một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước như BIC, Bảo hiểm PVI, VBI, Bảo hiểm Bảo Long… Giải pháp chuyển đổi số này sẽ mang lại những lợi ích gì cho các doanh nghiệp tái bảo hiểm, thưa ông?
Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam vẫn đang thực hiện giao dịch tái bảo hiểm theo hình thức truyền thống.
Hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm cũng được thực hiện theo cách thức truyền thống là trao đổi email và ký kết hợp đồng bằng văn bản và phát sinh các chứng từ tái bảo hiểm cho nhau. Về bản chất, chứng từ tái bảo hiểm cũng có thể coi như hóa đơn đỏ và được trao đổi bằng chuyển phát nhanh giữa hai bên với số lượng rất lớn.
Hệ quả là tranh chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do hợp đồng tái bảo hiểm chậm ký kết hoặc phí bảo hiểm thanh toán không đúng hạn do chậm hoặc thất lạc chứng từ. Về phía doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý luân chuyển chứng từ, cập nhật số liệu…
Có thể nói, nghề tái bảo hiểm là nghề “ăn giấy”, bởi công việc yêu cầu cẩn trọng, tỉ mỉ và chính xác cao.
Do đó, với giải pháp này, chúng tôi đã thực sự cùng với các đối tác của mình tiến vào kỷ nguyên số. Chúng tôi đã cùng sử dụng chữ ký số cho các loại hợp đồng tái bảo hiểm, phát sinh toàn bộ các chứng từ tái bảo hiểm như phí và bồi thường bằng chứng từ điện tử. Các văn bản điện tử này được luân chuyển/giao dịch qua cổng giao dịch điện tử. Các hoạt động này hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật về thương mại điện tử và luật kinh doanh bảo hiểm. Giải pháp số này giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số.
Lợi ích mà giải pháp này mang lại có thể định lượng như thế nào, thưa ông?
Dẫn chứng thực tế rõ ràng nhất là trước đây, khi thanh toán đối trừ tái bảo hiểm giữa hai doanh nghiệp bảo hiểm phải mất 2 đến 3 tháng thì nay công việc này chỉ mất vài phút. Thay vì trước đây, kế toán không có số liệu của phòng nghiệp vụ, việc thống kê mất cả ngày, thì nay đã có sẵn dữ liệu, báo cáo ngay sau cú click chuột.
Bên cạnh đó, hai bên không còn lo ngại về thất lạc hợp đồng, chứng từ. Việc bàn giao công việc khi có nhân viên nghỉ việc trước đây rất khó khăn thì nay không cần đến việc bàn giao hồ sơ giấy tờ nữa. Văn phòng giảm tới 90% lượng hồ sơ giấy tờ. Đặc biệt giờ đây PVIRe và các đối tác của mình không lo ngại việc gián đoạn kinh doanh bởi đại dịch hay không gian địa lý.
Trước PVI Re, đã từng có doanh nghiệp tái bảo hiểm nào tại Việt Nam triển khai mô hình này chưa?
Trong quá khứ, đã có một số doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới tái bảo hiểm nước ngoài triển khai cổng thanh toán với hầu hết các công ty bảo hiểm của Việt Nam nhưng chưa thành công. Nguyên nhân là do cổng thanh toán là cổng trao đổi thông tin một chiều, bản chất là chỉ để phục vụ cho chính các doanh nghiệp triển khai giải pháp đó mà không xét trên lợi ích của đối tác Việt Nam. Điều này dẫn tới việc sau một thời gian, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã không còn sử dụng giải pháp này.
Vậy điểm khác biệt để thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp ngành bảo hiểm của Cổng giao dịch Tái bảo hiểm điện tử mà PVI Re đang triển khai là gì, thưa ông?
Chúng tôi dựa trên quan điểm xây dựng các giải pháp số nhằm mang lại lợi ích chung cho các bên tham gia và đặc biệt là phải phù hợp với đặc thù, thói quen của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Do đó, Cổng giao dịch Tái bảo hiểm điện tử này được thiết kế theo hình thức “may đo” sao cho phù hợp với mô hình quản trị của từng bên.
Hiện nay các đối tác lớn của PVI Re đều đã sử dụng cổng kết nối thanh toán tái bảo hiểm với PVI Re và chúng tôi kỳ vọng toàn bộ thị trường tái bảo hiểm Việt Nam cùng nhau áp dụng giải pháp này.
Nếu điều đó trở thành hiện thực, chắc chắn thị trường tái bảo hiểm Việt Nam sẽ là một trong số các thị trường đầu tiên trên thế giới áp dụng đồng bộ và mạnh mẽ số hóa cho thị trường tái bảo hiểm, để cùng nhau tạo dựng một thị trường tái bảo hiểm phát triển hàng đầu tại châu Á.
Xin cảm ơn ông!