Để thúc đẩy phong trào, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu rủi ro cho người khởi nghiệp nhưng về lâu dài khi sự hỗ trợ này giảm dần thì đâu là “cứu cánh” cho các DN?
Dịch vụ bảo hiểm khởi nghiệp chính là cách thức chia sẻ rủi ro lâu dài từ thị trường, vừa là cơ hội phát triển thị trường dịch vụ đặc thù, vừa là công cụ giảm thiểu rủi ro khởi nghiệp chủ yếu và lâu dài khi sự hỗ trợ của Chính phủ giảm dần.
1 triệu hợp đồng bảo hiểm vào năm 2020?
Trong kinh doanh rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn. Khởi nghiệp có rủi ro cao cho nên lợi nhuận thu được, nếu thành công, sẽ không nhỏ. Mọi rủi ro kinh doanh được bảo hiểm bằng dịch vụ bảo hiểm. Đây là cách thức “dùng thị trường để sửa chữa sai sót của thị trường” cho nên khởi nghiệp sẽ khai thác được lực lượng thị trường dường như vô tận. Việc làm này còn nhằm giảm thiểu sự hỗ trợ của Chính phủ bị giới hạn bởi nguồn lực và thời gian, và là cách thức mở đường phát triển loại hình dịch vụ kinh doanh bảo hiểm khởi nghiệp… Đây là dịch vụ mang bản chất thương mại cho nên hoàn toàn phù hợp với thị trường, chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài như là sự đồng hành cùng thị trường.
Nhìn vào thực tế thời gian qua, chỉ riêng trong năm 2016 cả nước đã có 110.000 DN khởi nghiệp. Tỷ lệ thành công và gặp rủi ro của các DN này khó đạt hoàn toàn con số 100% trong 3 - 5 năm đầu nếu chưa nói tỷ lệ thành công - rủi ro là 50/50, cho nên dịch vụ bảo hiểm khởi nghiệp có thể phát triển để bảo hiểm rủi ro khởi nghiệp. Nếu mỗi DN mua một hợp đồng bảo hiểm khởi nghiệp, cả nước có khoảng 110.000 hợp đồng bảo hiểm. Thị trường cung ứng dịch vụ này sẽ không nhỏ và có thể đạt con số trên 1 triệu hợp đồng bảo hiểm đến năm 2020 khi đến thời điểm này có khoảng 1 triệu DN khởi nghiệp tư nhân được thành lập cùng với không ít hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN. Khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm khởi nghiệp có thể tăng lên cùng với sự gia tăng của số lượng DN theo chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp. Một khối khách hàng khổng lồ có nhu cầu thực sự về dịch vụ bảo hiểm khởi nghiệp đang hiện hữu.
Đây là cơ hội kinh doanh không được bỏ lỡ. Các quỹ đầu tư khởi nghiệp như: Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư thiên thần, lồng ấp doanh nhân… có những đặc điểm nhất định của kinh doanh dịch vụ bảo hiểm khởi nghiệp. Các quỹ này đã đạt được những kết quả nhất định ở các nước cho thấy kinh doanh dịch vụ bảo hiểm khởi nghiệp có khả năng thành công cao ngay cả trong môi trường kinh doanh có độ rủi ro cao nhất.
Thúc đẩy khởi nghiệp hiệu quả
Đã có nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ bảo hiểm như: Bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu… cũng như có nhiều nhà cung ứng dịch vụ này từ trong nước và chi nhánh công ty, tập đoàn bảo hiểm nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhà cung ứng này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nước và quốc tế, hiểu biết khách hàng Việt Nam cho nên khi phát hiện ra phân đoạn này, họ có thể tiếp cận rất nhanh. Điều này càng làm tăng tính thanh khoản của thị trường và đó là động lực khá mạnh mẽ thúc đẩy khởi nghiệp. Do đó, các DN trong nước cần nhanh chóng tiếp cận với phân đoạn thị trường mới này bằng chiến lược thâm nhập phù hợp, mạnh dạn điều tra, khảo sát, phân tích tiếp cận các phương thức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm khởi nghiệp hiệu quả, nghiên cứu thị trường loại hình dịch vụ này trong và ngoài nước, mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước và kịp thời áp dụng.
Các loại rủi ro khởi nghiệp khá đa dạng có thể xây dựng thành danh mục như rủi ro do thiếu thông tin thị trường, thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu nguồn tài chính, thiếu năng lực nhân sự cần thiết, chưa có thương hiệu mạnh, rủi ro do cạnh tranh hoặc rủi ro do nhận được quá nhiều sự hỗ trợ… và các loại rủi ro này càng làm tăng tính chuyên sâu của dịch vụ bảo hiểm khởi nghiệp. Dịch vụ bảo hiểm khởi nghiệp sẽ thúc đẩy khởi nghiệp hiệu quả và ai cũng có thể bắt tay ngay vào khởi nghiệp từ cung ứng dịch vụ mang tính chuyên nghiệp này.