Tàu Anh Sơn đã tham gia bảo hiểm thân tàu tại Bảo hiểm PVI nên ngay sau khi nhận được thông báo sự cố, Bảo hiểm PVI đã chỉ định công ty Braemar Falconer là đơn vị giám định hàng hải có uy tín ở Ấn Độ để giám định đồng thời hỗ trợ Công ty Anh Sơn trong quá trình khắc phục sự cố.
Theo hợp đồng bảo hiểm thì trách nhiệm của nhà bảo hiểm chỉ giới hạn ở việc bồi thường các chi phí hợp lý khắc phục tổn thất gây ra bởi rủi ro được bảo hiểm gây ra. Điều này phù hợp với quy định tại điều 224 Bộ luật Hàng hải Việt Nam, theo đó “Hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hợp đồng bảo hiểm các rủi ro hàng hải, theo đó Người bảo hiểm cam kết bồi thường cho Người được bảo hiểm những tổn thất hàng hải thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo cách thức và điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng”. Trách nhiệm của Người được bảo hiểm khi xảy ra sự cố được quy định tại điều 242 Bộ luật Hàng hải Việt Nam: “Trường hợp xảy ra tổn thất liên quan đến rủi ro hàng hải đã được bảo hiểm, Người được bảo hiểm có nghĩa vụ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế tổn thất và bảo đảm cho việc thực hiện quyền khiếu nại của Người bảo hiểm với người có lỗi gây ra tổn thất. Khi thực hiện nghĩa vụ này, Người được bảo hiểm phải thực hiện theo chỉ dẫn hợp lý của Người bảo hiểm”.
Tuy nhiên, trước sự cố có thể nguy hiểm đến tính mạng thuyền viên trên tàu, Bảo hiểm PVI đã cùng với nhà giám định Braemar Falconer và Công ty Anh Sơn tích cực tìm phương án khắc phục sự cố mà trước hết là đưa tàu đến khu vực neo an toàn.
Do chính quyền cảng tại Kolkata, Ấn Độ rất khó khăn trong việc cho phép tàu bị sự cố vào khu vực cảng, Bảo hiểm PVI đã cùng Braemar Falconer khảo sát các phương án đưa tàu đến nơi an toàn, trong đó bao gồm cả khảo sát phương án đưa tàu tới Bangladesh trước hết để đảm bảo an toàn cho thuyền viên và cho tàu.
Công ty Anh Sơn thời điểm đó có đưa ra phương án thuê tàu đưa đoàn giám định bảo hiểm tiếp cận, đánh giá mức độ tổn hại của tàu Anh Sơn để sớm có bảo lãnh, hoàn thành thủ tục đưa tàu vào bờ. Tuy nhiên, ý kiến trên đã bị giám định viên độc lập bác bỏ. Việc đưa giám định viên/thợ lặn ra kiểm tra bánh lái tàu Anh Sơn ở thời điểm sóng to gió lớn có thể gây nguy hiểm cho người kiểm tra. Vì vậy, việc giám định tổn thất bánh lái tại khu neo trong thời điểm hiện tại là không thể thực hiện được.
Qua quá trình làm việc, cuối cùng chính quyền cảng Kolkata lại đồng ý cho phép tàu vào khu neo của cảng để dỡ hàng với điều kiện hết sức ngặt nghèo, cụ thể là: Hội WOE (Hội bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu) phải bảo lãnh thanh toán chi phí thuê tàu lai đưa tàu đến vị trí neo và Công ty Anh Sơn cùng Công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng NT&PTNT Việt Nam (người đồng là Chủ tàu Anh Sơn) phải bảo lãnh thanh toán chi phí tàu lai đưa tàu ra khỏi khu neo sau khi hoàn thành công việc dỡ hàng.
Bằng uy tín của mình, Bảo hiểm PVI đã đề nghị Hội WOE cấp bảo lãnh theo yêu cầu của chính quyền cảng Kolkata, đồng thời Bảo hiểm PVI bảo lãnh với Hội WOE, cam kết thanh toán lại cho Hội chi phí thuê tàu lai thuộc trách nhiệm của Chủ tàu Anh Sơn. Sau khi có bảo lãnh cùng với sự can thiệp của các cơ quan chức năng, đến thời điểm này, chính quyền cảng Kolkata (Ấn Độ) đã đồng ý cho lai dắt tàu Anh Sơn vào cảng.