Bên bán không quá mặn mà khi kế hoạch cả năm giao đã gần hoàn thành xong. Bên mua cũng đòi hỏi mức giá có lợi hơn khi nguồn vốn còn cơ hội tìm đến kênh tín dụng sinh lời. Thị trường trái phiếu Chính phủ gần tháng nay không còn sôi động như hồi đầu năm.
Ghi nhận trong 7 tháng đầu năm 2017, thị trường trái phiếu sơ cấp ghi nhận thành công vang dội khi Bộ Tài chính mà cụ thể là thông qua Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành tới 76,9% kế hoạch phát hành. Lượng cầu trái phiếu nhiều tuần liền liên tục ở mức cao, gấp 3-4 lần lượng trái phiếu phát hành. Tỷ lệ trúng thầu bình quân 7 tháng đạt mức 82,5%. Lãi suất trúng thầu nhờ đó cũng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn.
Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nếu duy trì tốc độ này (trung bình khoảng 20.000 tỷ đồng/tháng), KBNN sẽ hoàn thành kế hoạch huy động trong chỉ khoảng 2 tháng nữa.
Thế nhưng tình hình đã thay đổi trong tháng 8 này. Suốt ba tuần qua, chỉ duy nhất phiên đấu thầu trái phiếu kỳ hạn 7 năm ngày 2/8 được phân phối hết. Một số phiên cũng thu hút được lực cầu khá lớn nhưng hai bên mua - bán không thể thống nhất về mức giá mà cụ thể ở đây là lãi suất trái phiếu. Một lượng lớn trái phiếu vì thế không được phát hành thành công.
Tình trạng "đìu hiu" lên đến đỉnh điểm trong tuần vừa rồi khi thị trường trái phiếu sơ cấp ghi nhận cả 3 đợt đấu thầu "trắng thanh khoản". Không một lệnh đặt thầu nào được thực hiện thành công.
Thống kê của SSI Retail Research cho thấy phía bên bán - KBNN thận trọng chỉ gọi thầu 1.000 tỷ trái phiếu cho mỗi kỳ hạn 5, 10 và 15 năm. Nhưng từ phía bên mua, khối lượng đặt thầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất từ đầu năm chỉ đạt 3,48 nghìn tỷ và chủ yếu tập trung vào nhóm trái phiếu kỳ hạn 5 năm (gần 80%). Trong khi, khối lượng đặt thầu cho các kỳ hạn 10 và 15 năm rất thấp, ngược lại với các phiên đấu thầu trong nửa đầu năm 2017.
Bên mua đặt ra mức lãi suất trái phiếu Chính phủ cao hơn trong những tuần gần đây
Trái phiếu kỳ hạn 5 năm dù được đặt mua khối lượng lớn nhưng lãi suất bên mua đặt ra tăng vọt. KBNN không quá mặn mà khi kế hoạch cả năm giao đã gần hoàn thành khiến hai bên không tìm được mức giá chung.
Nguyên nhân giúp thị trường trái phiếu sơ cấp nửa đầu năm huy động thành công chính là do được hỗ trợ bởi yếu tố thanh khoản. Yếu tố này ở thời điểm hiện tại vẫn dồi dào dù những tuần gần đây lãi suất liên ngân hàng nhích nhẹ so với vùng thấp trước đó.
Tuy nhiên, cầu trái phiếu lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ kỳ vọng của bên mua.
Một trong các nguyên nhân hỗ trợ thanh khoản thời gian qua chính là nguồn tiền gửi KBNN nhàn rỗi. Giải ngân vốn ngân sách và vốn trái phiếu ì ạch khiến tiền mà KBNN huy động được từ các tổ chức lại quay trở lại để gửi vào một số nhà băng lớn.
Đến hết tháng 6/2017, vốn TPCP mới giải ngân được 5,2 nghìn tỷ, bằng 10,4% kế hoạch năm. Nhưng ngay đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã ra Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đây được kỳ vọng sẽ là "cú hích" hóa giải tiến độ chậm chạp này.
Ngoài ra, kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng cũng ảnh hưởng đến cầu trái phiếu Chính phủ. Thông điệp mới đây của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây là phấn đấu nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên 21-22%. Kế hoạch ban đầu đối với dư nợ nền kinh tế là tăng 18%. Với số dư nợ tới cuối năm 2016 là 5,5 triệu tỷ đồng, nếu đạt được mức 22%, sẽ có thêm 220.000 tỷ đồng dư nợ so với kế hoạch ban đầu. Nền kinh tế cả năm 2017 ước tính sẽ có thêm 1,21 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng.
Nồi cơm chính của các ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn là cho vay nền kinh tế. Kênh đầu tư trái phiếu Chính phủ thực tế chỉ là kênh phụ, an toàn hơn nhưng tỷ suất sinh lời cũng thấp hơn. Ngoài ra, tín dụng mọi năm cũng thường tập trung vào những quý cuối năm. Khi kênh tín dụng được mở, không lấy làm lạ khi các nhà băng giữ vốn dự trù cho các hoạt động cho vay của doanh nghiệp.
Thanh khoản thị trường tiền tệ trước các mục tiêu lớn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng tín dụng liệu còn dồi dào?
Hoạt động của các NHTM 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự chênh lệch khá lớn giữa huy động và cho vay trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế). Tính riêng 19 ngân hàng, dư nợ tăng thêm đã vượt xa huy động khoảng 24.400 tỷ đồng. Tính chung toàn ngành, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,89% còn tăng trưởng tín dụng tới ngày 20/6 đạt 7,54%. Chỉ 10 ngày sau đó, con số tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,06%.
Tuy vậy, vẫn còn một lực đỡ khác đã hỗ trợ cho thanh khoản thời gian qua và có thể tiếp tục duy trì sắp tới. Đó là việc tăng cung nội tệ nhờ hoạt động mua ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối của NHNN.