Trong những ngày qua, việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên thị trường dẫn đến một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng cục bộ, ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của thị trường. Là một mắc xích trong chuỗi cung ứng sản phẩm xăng dầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã nỗ lực triển khai các giải pháp, cùng với các cơ quan chức năng duy trì đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thiếu xăng dầu chỉ mang tính cục bộ
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm dễ ảnh hưởng tới tâm lý người dân và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô nên việc điều hành thị trường này được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Hiện nay, các công cụ, cơ chế chính sách quản lý thị trường xăng dầu đã được Chính phủ ban hành và giao cho Bộ Công Thương thẩm quyền chủ động điều hành. Trước những biến động trên thị trường xăng dầu khi một số đầu mối lên tiếng về thiếu hụt nguồn hàng và một số cửa hàng xăng dầu tạm ngưng bán hàng ở một vài thời điểm, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường; cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng găm hàng.
Trong cuộc họp khẩn do Bộ Công Thương tổ chức với các đơn vị liên quan bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, bình ổn thị trường trong nước ngày 9/2 vừa qua, các thông tin đưa ra cho thấy, hiện nay cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước được đảm bảo, khan hiếm xăng dầu là hiện tượng găm hàng, chờ tăng giá mang tính cá biệt.
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn liên tục tăng công suất đáp ứng yêu cầu thị trường
Petrovietnam nỗ lực tham gia cung ứng nguồn xăng dầu ở mức cao nhất
Là một mắc xích trong chuỗi cung ứng xăng dầu của đất nước, Petrovietnam cùng các đơn vị thành viên liên quan đã nỗ lực cao nhất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước. Tháng 1/2022, cung cấp từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng so với cam kết hợp đồng là 18%, cung cấp từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vượt 12%. Petrovietnam cũng đã chỉ đạo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn liên tục tăng công suất từ 105% lên mức tối đa là 108%, tương ứng tăng thêm nguồn cung trên thị trường là 30.000 m3/tháng; PVOIL cũng dự kiến sẽ nhập về 70.000 m3 xăng dầu vào ngày 22/2 tới.
PVOIL khẳng định đảm bảo nguồn cung ứng ổn định cho hệ thống phân phối
Phía PVOIL cho biết, luôn theo dõi sát sao biến động của thị trường, phối hợp chặt chẽ với các nhà máy lọc dầu trong nước cũng như các nhà cung cấp ở nước ngoài để đảm bảo nguồn cung ứng ổn định cho hệ thống phân phối. Với hệ thống phân phối hơn 620 cửa hàng bán lẻ và hệ thống kho cảng được phân bổ khắp cả nước, PVOIL có đủ cơ sở vật chất và năng lực cung cấp đầy đủ xăng dầu cho hệ thống khách hàng của mình, đảm bảo nguồn cung ổn định, không bị gián đoạn và hệ thống cửa hàng bán lẻ luôn mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân.Ngày 26/01/2022, BSR cũng cho biết, đã tăng công suất vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 103%. Petrovietnam và BSR đã nỗ lực trong việc tìm kiếm, thu xếp nguồn dầu thô đầu vào để đảm bảo duy trì vận hành Nhà máy ở công suất cao. Trong những ngày Tết, BSR nhập 2 chuyến dầu thô, với khối lượng mỗi chuyến trung bình khoảng 85 đến 90 ngàn tấn, đảm bảo nguyên liệu cho Nhà máy vận hành.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn ổn định hoạt động
Liên quan đến các thông tin về việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu vừa qua là do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chiếm khoảng 35% nguồn cung xăng dầu nội địa cắt giảm sản xuất do gặp khó khăn về tài chính. Và khó khăn này của Nghi Sơn có liên quan đến việc Petrovietnam chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) Hợp đồng FPOA. Về vấn đề này, với vai trò là một Bên tham gia góp vốn trong Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP), Petrovietnam khẳng định luôn làm tất cả để đảm bảo cho lợi ích của liên doanh cũng như lợi ích của doanh nghiệp và nước chủ nhà.
Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) là Công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó Petrovietnam góp vốn 25,1%. Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Dự án) chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/11/2018 và đến nay đang hoạt động tương đối ổn định.
Tuy nhiên, do Dự án được đưa vào vận hành thương mại trong bối cảnh toàn thế giới có xu thế dịch chuyển nguồn năng lượng mạnh mẽ (năng lượng tái tạo, thay thế động cơ đốt trong bằng động cơ điện nên nhu cầu xăng dầu giảm), thị trường biến động bất lợi, biên lợi nhuận chế biến của ngành lọc dầu giảm mạnh và tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả SXKD của Dự án. Bên cạnh đó, công tác quản trị của NSRP do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập cũng đã góp phần vào các khó khăn về tài chính hiện nay của NSRP. Do đó, việc tái cấu trúc tổng thể NSRP là nhu cầu cần thiết và cấp bách.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các Bộ, ngành chủ quản, với vai trò là một Bên góp vốn, Petrovietnam đã quyết liệt đàm phán với các đối tác nước ngoài tại Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn về chủ trương, nguyên tắc xây dựng phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP. Với mục tiêu vận hành ổn định, hiệu quả, bền vững, tuân thủ quy định, luật pháp hiện hành, các Bên đã chấp thuận nguyên tắc tái cấu trúc NSRP do Petrovietnam đề xuất và thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn thông qua gia hạn cơ chế RPA và thanh toán sớm (Early Payment) hợp đồng FPOA để giúp NSRP cải thiện dòng tiền, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc.
M.P