Thưa ông, ông có thể cho biết thật khái quát về PVI trong năm 2012?
Một năm thành công của PVI. Đây là một năm có tính chất bản lề trong quá trình tái cấu trúc của chúng tôi.
Rất ấn tượng thưa ông! Ông có thể nói cụ thể hơn 1 chút nữa được không?
Quá trình tái cấu trúc của chúng tôi bước đầu đã thành công khi ngay trong năm đầu tiên các công ty con là Tổng công ty Bảo hiểm PVI và Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) phát triển nhanh và ổn định. Ít ai có thể dự đoán được rằng ngay trong năm đầu tiên sau khi ra đời, một công ty mới như PVI Re đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu và đã có lợi nhuận.
PVI Holdings cũng đã tăng vốn thành công với nguồn vốn được bổ sung từ cổ đông chiến lược Talanx, đây cũng là một thành công ngoài mong đợi.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã tạo nền móng cho 2 công ty con tiếp theo ra đời là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life và công ty quản lý quỹ.
Có vẻ như khủng hoảng chẳng có “ý nghĩa” gì với PVI, thưa ông?
Có chứ, rất lớn là đằng khác. Có thế này thì mọi người mới thực sự thấy PVI sức khỏe ra sao! Trước đây chẳng riêng gì bảo hiểm, đứng bên ngoài thì thật khó mà biết một công ty đang ốm hay đang khỏe. Một số anh cố kiễng để “hoành tráng” với thiên hạ nhưng quên rằng kiễng thế thì làm sao đi được đường dài.
Tôi thấy mọi người hay dùng khái niệm “khủng hoảng” để mô tả tình hình hiện nay của các doanh nghiệp nhưng theo tôi thì “tự đào thải” sát nghĩa hơn.
Nào là tồn kho hàng hóa, nào là ứ đọng thị trường bất động sản, vân vân và vân vân, nhưng thực sự anh đã thấy nước ta dư thừa cái gì chưa? Vài chục nghìn căn hô không bán được so với hàng chục triệu người dân đang cần nhà ở thì không thể gọi là dư thừa được. Mọi chi phí cho cuộc sống hàng ngày cứ tuần tự tăng thì không thể gọi là dư thừa được. Nếu có, theo tôi có chăng là dư thừa những chất bị cấm thôi, kiểu như hàm lượng chất độc hại trong thức ăn của chúng ta (cười)
Đó là tại sao tôi nói “tự đào thải” mô tả chính xác hơn tình hình các doanh nghiệp hiện nay. Với những cơ thể ốm yếu thì chỉ cần một chút “sóng gió” thôi là phát bệnh và đương nhiên anh phải nhường sân cho những người lành mạnh hơn. Tôi đã từng nói nhiều lần trước đây, lúc này chính là cơ hội tuyệt vời để PVI đẩy nhanh tốc độ phát triển hướng tới một tập đoàn tài chính có thương hiệu trong khu vực.
Nhưng thực sự phải làm gì để không bị đào thải bây giờ, thưa ông? Rất nhiều doanh nghiệp đã loay hoay hết tái cấu trúc, rồi sáp nhập nhưng vẫn không thoát.
Trả lời thì dễ. Làm mới khó.
Để trả lời anh, chỉ 1 câu thôi: “Chiến lược kinh doanh phải luôn hướng tới sự phát triển bền vững”. Nhưng để làm được điều này thì không hề đơn giản. Lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ biết nhìn xa, nhận định đúng hướng, kiên định với con đường đã chọn mà còn phải biết quy tụ người tài, giữ “lửa” để họ cống hiến và đóng góp cho xã hội. Doanh nghiệp chỉ thực sự phát triển lành mạnh khi có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Thế mới nói là lãnh đạo doanh nghiệp phải là những người vừa có tâm vừa có tầm.
Vấn đề này luôn mang tính thời sự nhưng lại luôn quá muộn đối với rất nhiều người (nhún vai).
Vừa rồi tôi được biết PVI thực hiện 1 chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. PVI định làm gì tại một thị trường bảo hiểm thuộc hàng chuyên nghiệp và “bảo thủ” nhất thế giới, thưa ông?
Nếu nói về tổng thể, thực ra PVI đã mở rộng quan hệ ra thị trường khu vực và thế giới từ năm 2001, cấp các hợp đồng bảo hiểm sang Singapore, Malaysia….
Việc đưa PVI sang thị trường Nhật Bản là không hề đơn giản vì Nhật Bản là thị trường cực kỳ cạnh tranh, kể các công ty tầm cỡ của châu Âu cũng gặp muôn vàn khó khăn để tạo chỗ đứng chứ đừng nói đến các công ty Việt Nam.
Chuyến đi vừa rồi với mục đích chính là để giới thiệu quảng bá hình ảnh PVI. Chúng tôi giờ đây đã trở thành 1 mắt xích trong chuỗi cung cấp dịch vụ toàn cầu của Tập đoàn Talanx, việc quảng bá hình ảnh PVI sẽ rất thuận lợi cho việc tiếp cận với những đối tác Nhật Bản của Talanx và những đối tác tiềm năng khác khi họ đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2012 là năm khủng hoảng nhưng doanh thu, lợi nhuận của Petrovietnam lại tăng. PVI có được hưởng lợi từ điều này, thưa ông?
Đương nhiên là có. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất to lớn từ PVN và ngược lại chúng tôi cũng đã hoàn thành tốt trọng trách được giao phó là bảo vệ rủi ro tài chính cho Tập đoàn.
Tuy nhiên thì cũng phải hiểu rằng, khi có được “điểm tựa” thì không phải mọi thứ tự tới 1 cách dễ dàng đâu, nếu anh không có chiến lược phát triển bền vững với cốt lõi là chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Với WTO, cơ hội là hoàn toàn mở với mọi nhà bảo hiểm trong và ngoài nước, và trong lĩnh vực này, khách hàng sẽ chỉ chọn nhà bảo hiểm có kinh nghiệm, đủ năng lực, sản phẩm tốt và giá cả cạnh tranh... Thực tế này chứng minh tại sao năm vừa qua PVI đã thành công khi cung cấp bảo hiểm cho các dự án rất lớn trong lĩnh vực bảo hiểm hàng không, bảo hiểm cho ngành bưu chính viễn thông, điện lực, giao thông vận tải… nơi cũng có những công ty bảo hiểm nội bộ.
Sau một năm tận dụng tốt “cơ hội khủng hoảng”, năm 2013 PVI xác định hướng đi của mình như thế nào, thưa ông?
Định hướng phát triển trong năm 2013 của PVI là tiếp tục hoàn thiện mô hình tái cấu trúc và vận hành tốt bộ máy. PVI sẽ đưa Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life, công ty quản lý quỹ vào hoạt động.
Một vấn đề quan trọng nữa của năm 2013 là PVI sẽ xây dựng hệ thống quản trị tiến kịp theo đẳng cấp và chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trong giai đoạn mới phù hợp với các yêu cầu về quản trị từ PVI Holdings cho đến các đơn vị thành viên. Tiếp tục đào tạo, tuyển chọn bộ máy nhân sự để đáp ứng nhu cầu về nhân sự cho tất cả các công ty thành viên.
Với thành công của năm qua, ông có lời nào gửi đến khách hàng của PVI nhân dịp xuân Quý Tỵ?
Xuân mới, thông qua Năng lượng Mới, thay mặt cho toàn thể CBNV PVI, tôi xin gửi lời tri ân chân thành nhất tới toàn thể cổ đông và khách hàng của PVI. Chúc các cổ đông và khách hàng có một năm mới tràn đầy năng lượng sống..
Xin cám ơn ông về những chia sẻ cởi mở! Chúc PVI xuân mới sẽ đón những thành công mới!