Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 diễn ra sáng nay (20/7) cho thấy, thị trường M&A năm 2017 sẽ tiếp tục sôi động, sau khi đạt 5,8 tỷ USD trong năm 2016, mốc cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015.
Năm 2016, giá trị các thương vụ M&A trên toàn thế giới đạt 3.500 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ 2015. Dự báo M&A thế giới 2017 sẽ khó đoán do những bất ổn từ Brexit đến ảnh hưởng của những chính sách mới của Tổng tống Mỹ Donald Trump. Đặc biệt, có một số nhận định cho thấy năm nay sẽ tiếp tục là sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò người đi mua. Trong khi đó, các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu sẽ thận trọng hơn.
Tại Việt Nam, thị trường M&A năm 2017 tiếp tục được dự báo sôi động, sau khi đạt 5,8 tỷ USD trong năm 2016, mốc cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015.
Điểm sáng của hoạt động M&A năm 2016 đến từ các thương vụ lớn trong ngành bán lẻ như thương vụ của nhà đầu tư Thái Lan mua lại Big C, Metro và các thương vụ thoái vốn nhà nước mà điển hình là SCIC thoái tiếp vốn nhà nước tại Vinamilk cho F&N.
Tuy nhiên, hoạt động M&A từ nửa cuối năm 2016 đến nay có dấu hiệu chậm lại và ít các thương vụ quy mô lớn. Quý I/2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới đạt 1,1 tỷ USD (bằng 75,6% mức bình quân 2016). Do đó, nếu không có một cú hích mới năm 2017 thị trường này khó lòng vượt qua được con số 5,8 tỷ USD.
Mặt khác, dù thị trường M&A Việt Nam là đáng ghi nhận nhưng quy mô thị trường vấn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Ví dụ, cũng trong năm 2016, quy mô thị trường của Singapore là 62,3 tỷ USD vượt xa so với mức 11 – 16 tỷ USD của các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Thị trường Việt Nam có quy mô bằng 86,22% so với thị trường Phillippines, quốc gia có tổng giá trị M&A 2016 đạt 6,75 tỷ USD.
Về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là giao dịch nhỏ với quy mô 3 – 4 triệu USD, chiếm 64,16% về giá trị và chiếm tới 90% về số lượng.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô lớn từ 20 – trên 100 triệu USD. Trong những năm qua, đã xuất hiện những thương vụ chuyển nhượng những công ty hoặc hệ thống có tài sản lớn, quy mô trên 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam.
Thị trường M&A 2017 – 2018 được dự báo có thể đạt được 5 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mức này, hoặc tương đương mức của năm 2016, thị trường đòi hỏi sự mạnh mẽ của Nhà nước trong việc thoái vốn các tập đoàn, tổng công ty lớn...
Bởi, theo ghi nhận, tăng trưởng M&A tại Việt Nam đang gặp những thách thức như cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn ngoại với các quốc gia trong khu vực; những trở ngại từ cổ phần hoá DNNN; chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế.