Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc sửa đổi Luật Dầu khí là cần thiết và quan trọng vì Luật này được ban hành lâu và cũng phát sinh những bất cập.
Dự thảo Luật Dầu khí (Sửa đổi) gồm 9 chương và 57 điều, trong đó có nhiều nội dung như: quy định về trình tự, thủ tục phê duyệt triển khai hoạt động dầu khí và dự án dầu khí; quyền và nghĩa vụ của nhà thầu và tập đoàn dầu khí Việt Nam,… đang nhận được sự quan tâm, góp ý của các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực quản lý kinh tế, lĩnh vực dầu khí với mong muốn sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí.
Trao đổi với Người Đưa Tin về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu Khí, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính cho biết: “Luật Dầu khí được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008, có thể thấy Luật Dầu khí ra đời khá lâu và bổ sung, chỉnh sửa nhiều. Tuy nhiên, trong điều kiện của nền kinh tế hội nhập sâu rộng và toàn diện với nền kinh tế thế giới, cũng như sự biến động của nền kinh tế thị trường thì rõ ràng chúng ta ngày càng tiếp cận gần hơn với hệ thống luật pháp quốc tế. Vì thế, việc sửa đổi Luật Dầu khí nói riêng cũng như các Luật khác liên quan đến nền kinh tế là cần thiết và quan trọng để phù hợp hơn với điều kiện hoàn cảnh mới của đất nước”.
Theo ông Thịnh, khi sửa đổi Luật này có rất nhiều vấn đề cần đặt ra, làm thế nào để cho lĩnh vực quản lý dầu khí vừa chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu về quản lý nhà nước, cũng như đảm bảo tính tự chủ hoạt động theo kinh tế thị trường. Đồng thời, cũng đảm bảo tiếp cận với thông lệ luật pháp quốc tế, để từ đó không chỉ các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam, mà các doanh nghiệp quốc tế cũng tham gia vào nền kinh tế của chúng ta, vào lĩnh vực dầu khí.
Ông Thịnh cho biết thêm, khi hoàn thiện Luật Dầu khí sẽ phân tích rạch ròi trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp với trách nhiệm quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cũng làm rõ vai trò, động lực phát triển của các doanh nghiệp lớn như Petrovietnam.
“Khi xây dựng và đưa ra luật này phải tính đến việc tiếp cận với luật pháp quốc tế. Ngoài ra, cũng tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Thịnh nói.
Theo vị chuyên gia này, việc hoàn thiện Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng có ý nghĩa rất quan trọng, đem lại sức sống, động lực cho nền kinh tế.
“Việc xây dựng bộ luật đảm bảo sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng và đảm bảo sự điều tiết của Nhà nước là rất quan trọng”, ông Thịnh bày tỏ.
Cần sớm khắc phục những bất cập và sửa đổi Luật dầu khí để làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật.
Trước đó, tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 20/12 do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức, TS Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, cần sớm khắc phục những bất cập và sửa đổi Luật dầu khí để làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật, trên quan điểm: Thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các hoạt động dầu khí. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về các hoạt động dầu khí; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan; tạo sự minh bạch rõ ràng trong các quy trình, thủ tục triển khai các hoạt động dầu khí. Kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động dầu khí. Bảo đảm tính ổn định, nguyên tắc không hồi tố trong Luật Dầu khí để tránh các vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các hợp đồng dầu khí đã ký kết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) cho hay, Luật Dầu khí hiện hành được sửa đổi từ Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008 trên cơ sở thống nhất và xác định cơ quan quản lý Nhà nước về dầu khí đó là Bộ Công Thương. Ở thời điểm năm 2021, nhìn nhận lại việc thực thi Luật Dầu khí có rất nhiều kết quả rất đáng đáng ghi nhận ở nhiều góc độ khác nhau, tuy nhiên một số bất cập cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế về tiềm năng, triển vọng dầu khí của Việt Nam, khả năng duy trì và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư rủi ro trong tương lai.
Ông Nguyễn Quốc Thập kiến nghị: “Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần có quy định rõ ràng cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện các hoạt động đầu tư và triển khai dự án dầu khí theo trình tự, thủ tục đầu tư và quản lý vốn được quy định tại Luật Dầu khí, tháo gỡ sự chồng chéo của các văn bản luật hiện hành và tập trung quản lý các vấn đề của dự án dầu khí tại một văn bản luật duy nhất”.