Sau một thời gian dài thị trường suy yếu, phí bảo hiểm phi nhân thọ bắt đầu diễn biến theo chiều hướng tích cực. Mặc dù vậy, nhưng việc tăng phí dường như đã chậm hơn ở một số khu vực khi so với năm trước. Câu hỏi đặt ra là mức phí bảo hiểm có nên tiếp tục được kiểm soát và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thị trường bảo hiểm/tái bảo hiểm sẽ phải chịu tổn thất ngày càng gia tăng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh?
Theo các báo cáo phân tích của Moody, phí bảo hiểm đang và sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong năm 2022. Điều này được thể hiện sau các thảm họa thiên nhiên như bão và cháy rừng, cũng như do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 toàn cầu. Lý giải cho nhận định này, các nhà phân tích của Moody đưa ra lập luận:
“Các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm phải đối mặt với rủi ro về các thảm họa thiên nhiên trong tương lai, với biến đổi khí hậu khiến chúng khó dự đoán hơn. Nhu cầu về bảo hiểm và tái bảo hiểm cũng đang tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi”.
Liên quan đến vấn đề này, Ông Christian Mumenthaler, CEO của Swiss Re đã đưa ra quan điểm của mình trong buổi phỏng vấn cho chuyên trang Artemis Live hồi tháng 9 vừa qua: “Tôi nghĩ rằng mức phí bảo hiểm cần phải và sẽ tăng thêm. Những tổn thất đã xảy ra ở châu Âu là một lời nhắc nhở rõ ràng về các vấn đề đang xảy ra, bao gồm cả biến đổi khí hậu và tác động của nó. Thị trường tái bảo hiểm sẽ càng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi các rủi ro thiên tai thảm họa liên tiếp xảy ra, chẳng hạn: trong tháng 7 vừa qua sự tàn phá của cơn bão Ida ước tính gây ra thiệt hại cho ngành tái bảo hiểm từ 15 tỷ đến 25 tỷ đô, và thực tế mùa bão Đại Tây Dương vẫn còn đang diễn ra, cháy rừng ở Mỹ vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm, và áp lực đối với ngành bảo hiểm vẫn chưa dừng lại.”
Ông Mumenthaler cũng bày tỏ quan điểm về việc tái tục các hợp đồng bảo hiểm trong bối cảnh các vấn đề thị trường hiện nay: “Chúng ta nên nhớ rằng có rất nhiều tổn thất của ngành bảo hiểm trong vài năm qua, do đó, mức phí bảo hiểm rõ ràng không thể duy trì sự ổn định và nếu các công ty vẫn giữ mức phí cạnh tranh thì sẽ không có bất kỳ nguồn dự phòng nào cho toàn ngành bảo hiểm”.
Hơn nữa, lãi suất thị trường vẫn cực kỳ thấp nên khó có thể gia tăng lợi nhuận đầu tư trong khi mảng bảo hiểm bị ảnh hưởng. Điều này có nghĩa quy tắc bảo hiểm phải là chìa khóa cho các công ty bảo hiểm khi các công ty muốn tìm cách cải thiện tỷ suất lợi nhuận và tận dụng những thuận lợi của bối cảnh thị trường hiện tại.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Torsten Jeworrek, CEO của Munich Re cho rằng: “tổng quan thị trường bảo hiểm gốc và tái bảo hiểm hiện vẫn đang duy trì khả quan, nhưng để đảm bảo ngành bảo hiểm có thể đủ nguồn lực bù đắp cho những tổn thất đang ngày một gia tăng do các thảm họa thiên nhiên, thì việc duy trì sự ổn định tỉ lệ phí bảo hiểm hoàn toàn cần phải xem xét lại”.
Theo ông, ngoài các vấn đề an ninh mạng, rủi ro hệ thống và tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, các công ty bảo hiểm cần quan tâm đến tình hình thị trường hiện tại trong bối cảnh hàng loạt các tổn thất mang tính thảm họa gần đây như: bộ ba cơn bão Đại Tây Dương vào năm 2017, lạm phát ở Mỹ, một loạt tổn thất ngành hàng không và cả sự gia tăng thiệt hại do các nguy cơ chưa được khắc phục như cháy rừng ở Mỹ và Úc, những trận lũ lụt gần đây ở một số khu vực của Châu Âu.
“Từ những dấu hiệu này cho thấy tỉ lệ thu phí trong cả “ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm” đều phải có những thay đổi để bắt kịp với những chuyển biến đang diễn ra này” (dẫn lời Ông Jeworrek)
"Tất cả đều có thể nhìn thấy vấn đề này, từ các công ty bảo hiểm, khách hàng, các nhà đầu tư của chúng ta cũng có thể thấy các vấn đề đã, đang xảy ra và rõ ràng trong cộng đồng các nhà đầu tư có những lo ngại rằng điều đó sẽ gây áp lực lên toàn ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm để có được lợi nhuận phù hợp" (dẫn lời Ông Mumenthaler)
Trong ngành bảo hiểm, việc dự đoán và bắt kịp mô hình các mối nguy hiểm chưa hoặc ít được dự đoán vẫn còn là một vấn đề đang cần phải cải thiện, bên cạnh đó vẫn luôn tiềm tàng những rủi ro thiên tai lớn, tất cả những diễn biến thị trường này đều dẫn đến kỳ vọng rằng cần phải xem xét thay đổi tỉ lệ phí bảo hiểm, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản. Tuy rằng, mức độ thay đổi có thể không giống nhau ở tất cả các quốc gia, trong tất cả các ngành nghề kinh doanh, hay các mối quan hệ tái bảo hiểm/bảo hiểm gốc.
“Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi buộc phải định giá lại các mảng nghiệp vụ. Tùy vào từng khu vực, từng xu hướng mà dẫn đến việc tăng tỉ lệ phí bảo hiểm. Do vậy, bức tranh này sẽ không đồng nhất trên toàn thế giới, nhưng chúng tôi luôn kỳ vọng ít nhất sẽ duy trì sự ổn định về tỉ lệ phí bảo hiểm nếu không có bất kỳ điều kiện cụ thể nào buộc chúng tôi phải tăng tỉ lệ phí” Ông Jewworrek chia sẻ.