Sau hơn 7 năm liên tục tăng trưởng (2001 – 2007), từ một công ty bảo hiểm với số vốn điều lệ 50 tỷ, PVI đã trở thành một Tổng công ty có thương hiệu mạnh, liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bảo hiểm về bảo hiểm công nghiệp, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận và năng suất lao động. Qua các lần kiểm toán, số liệu của PVI luôn được đánh giá là lành mạnh, minh bạch. Việc cổ phần hóa PVI vào cuối năm 2006 và tăng Vốn điều lệ theo các bước hợp lý trong năm 2007 đã đảm bảo cho sự phát triển bền vững của PVI và tạo đà cho PVI trở thành một Tổng công ty Tài chính bảo hiểm mạnh ở Việt Nam và trong khu vực.
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA PVI TRONG NĂM 2007
1. Kinh doanh bảo hiểm gốc tăng trưởng:
Theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2007, PVI đang là đơn vị đứng thứ 2 về thị phần kinh doanh bảo hiểm gốc và tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bảo hiểm công nghiệp. Các lĩnh vực bảo hiểm chính PVI luôn dẫn đầu là: bảo hiểm năng lượng 97,51%, bảo hiểm tài sản thiệt hại 62,19%, bảo hiểm xây dựng lắp đặt 63,29%, bảo hiểm hàng hải 39,56% thị phần.
Bên cạnh đó, năm 2007, PVI đã vươn lên là một trong 3 nhà bảo hiểm lớn nhất ở các lĩnh vực bảo hiểm quan trọng khác như: Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản và cháy, nổ (43,46%), bảo hiểm hàng hóa, vận chuyển (19,18%) , bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân (5,79%). Điều này cho thấy PVI đang phát triển toàn diện và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần quan trọng trong kinh doanh bảo hiểm gốc
2. Tình hình tài chính phát triển lành mạnh:
Nói đến sự phát triển của một Doanh nghiệp mà chỉ nhắc đến doanh thu và thị phần thì chưa thể hiện hết được sức mạnh của Doanh nghiệp. Ở thời điểm này, chúng ta có thể tự hào PVI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam vì ngoài việc phát triển mạnh về kinh doanh bảo hiểm gốc, PVI còn có các chỉ tiêu kinh tế rất lành mạnh mà ít doanh nghiệp Việt Nam có được, cụ thể:
*/ Về năng suất lao động:
PVI là Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm về năng suất lao động. Trong nhiều năm nay luôn đạt ở mức gần 2,5 tỷ đồng/người.
*/ Về vốn và tài sản:
Hiện tại PVI có số Vốn điều lệ là 850 tỷ đồng và sẽ tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2007. Ngoài ra, PVI còn có các quỹ dự phòng lên tới 500 tỷ đồng, nắm giữ hàng trăm tỷ đồng cổ phần của các doanh nghiệp khác và số tiền nhàn rỗi trong kinh doanh lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Như vậy PVI đã trở thành Doanh nghiệp bảo hiểm có vốn và quỹ dự phòng lớn n hất trên thị truờng bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
*/ Về hiệu quả kinh doanh:
Liên tục trong nhiều năm gần đây, PVI luôn là doanh nghiệp Bảo hiểm có tình hình quản lý rủi ro tốt nhất thị trường với tỷ lệ bồi thường trên phí bảo hiểm dưới 20%. Tỷ lệ này của các công ty bảo hiểm lớn thường ở mức 35 – 40%. Như vậy, xét về hiệu quả kinh doanh bảo hiểm, PVI hiện là đơn vị có thành tích tốt nhất trên thị trường.
3. Những điểm chưa mạnh cần đặc biệt quan tâm:
*/ Thị trường bán lẻ:
Mặc dù trong các năm gần đây, một số đơn vị thành viên của PVI đã có những tiến bộ rõ nét như: PVI Hồ Chí Minh, PVI Vũng Tàu, PVI Hà Nội, PVI Sài Gòn nhưng nhìn chung các đơn vị thành viên vẫn chưa phát triển tương xứng với thị trường và vị thế của PVI. Giám đốc các đơn vị thành viên chưa tận dụng hết sức mạnh của Tập đoàn và các định mức ưu việt PVI đưa ra để tập trung phát triển theo định hướng Tổng công ty. Có thể khẳng định đây là thị trường tiềm năng mà PVI cần tiếp tục vươn tới trong tương lai.
*/ Công tác nhận, nhượng tái bảo hiểm và kinh doanh qua môi giới:
Do là nhà Bảo hiểm Công nghiệp hàng đầu Việt Nam nên PVI hoàn toàn có thế mạnh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên việc phát triển kinh doanh lại chưa tương xứng và đồng đều. Có những mảng kinh doanh trong nhiều năm vẫn bị bỏ ngỏ như kinh doanh qua môi giới. Gần đây, PVI đã mở văn phòng II tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tái bảo hiểm cũng đã tập trung nâng cao doanh thu nhận tái bảo hiểm, nhưng rõ ràng đây vẫn là mảng kinh doanh tiềm năng, có hiệu quả cao mà Lãnh đạo PVI cần tập trung phát triển trong thời gian tới.
II. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
PVI đã xây dựng mục tiêu chiến lược để trở thành Tổng công ty Tài chính – Bảo hiểm mạnh. Với những phân tích và đánh giá trên, PVI hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức, xây dựng các biện pháp đồng bộ với mô hình kinh doanh mới và bắt tay thực hiện ngay để sớm hiện thực hóa mục tiêu.
A. Đối với kinh doanh bảo hiểm:
1) Xây dựng mô hình tổ chức, củng cố lại các ban kinh doanh trên Tổng công ty để giữ vững thế mạnh của PVI, đặc biệt lưu ý đến việc triển khai kinh doanh bảo hiểm ra thị trường khu vực và những nơi có các hoạt động dầu khí của Tập đoàn.
2) Thành lập mới và hoàn thiện các đơn vị thành viên để tập trung vào các lĩnh vực bảo hiểm hàng hóa, cháy, nổ, tài sản…theo định hướng của PVI, phấn đấu đến năm 2009 các đơn vị thành viên chiếm 50% doanh thu của PVI.
3) Xây dựng ban Tái bảo hiểm thành một ban mạnh (có thể hình thành Công ty Tái bảo hiểm PVI) để vươn lên vị trí hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nhận Tái bảo hiểm, tương xứng với vị thế PVI trên thương trường.
Tính toán lại các phương pháp để tăng tỷ lệ phí bảo hiểm giữ lại tự kinh doanh một cách hợp lý đặc biệt lưu ý đến các lĩnh vực rủi ro tốt.
B. Đối với hoạt động Tài chính:
Cùng với việc tăng Vốn điều lệ và các Quỹ dự phòng lớn, doanh thu từ năm 2008 – 2010 tăng trưởng ở mức 2.000 đến 4.000 tỷ đồng cũng là một kênh huy động vốn quan trọng của PVI để phát triển các hoạt động tài chính – chứng khoán như tất cả các Công ty bảo hiểm quốc tế đã làm.
Mặt khác, hoạt động đầu tư tài chính và kinh doanh bất động sản cũng là công cụ đắc lực để hỗ trợ PVI phát triển kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, PVI cần xây dựng lại mô hình tổ chức và các bước đi phù hợp nhằm phát triển PVI theo hướng một Tổng công ty Tài chính Bảo hiểm mạnh thay thế cho hình ảnh một Tổng công ty chuyên về bảo hiểm như trước đây. Trước mắt, PVI cần thay đổi mô hình tổ chức để triển khai mạnh các lĩnh vực kinh doanh tài chính – chứng khoán. Cụ thể:
- Ở bộ máy Tổng công ty: Hình thành nhanh các Ban Đầu tư, Kinh doanh dòng tiền và Kinh doanh chứng khoán.
- Nhanh chóng thành lập và tham gia vào các công ty cổ phần Tài chính, Ngân hàng để phát huy tối đa sức mạnh tài chính của PVI phấn đấu đem lại lợi nhuận ở lĩnh vực này trên 10% mỗi năm.
C. Đối với công tác quản lý và đào tạo
- Xây dựng mô hình tổ chức của PVI trong thời gian tới, trước mắt là hoàn thiện cơ cấu tổ chức hiện có để phát triển kinh doanh.
- Hoàn thiện các định mức kinh doanh, nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các đơn vị phát triển theo định hướng của PVI
- Sử dụng các biện pháp tiền lương, tiền thưởng kể cả đề xuất với Đại hội cổ đông để được trích một phần tiền thưởng từ lợi nhuận vượt kế hoạch nhằm thu hút người tài về làm việc cho PVI và gắn hiệu quả SXKD với thu nhập của người lao động (có thể trả thưởng bằng cổ phiếu)
- Tăng cường công tác đào tạo; đối với các cán bộ quản lý, cán bộ Marketing đặc biệt lưu tâm tới các cán bộ chủ chốt để có khả năng làm việc độc lập với thị trường bảo hiểm quốc tế. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo để nâng cao trình độ quản lý, tổ chức ở các đơn vị cơ sở. Sớm hình thành Trung tâm đào tạo của PVI
Với vị thế hiện tại của PVI trên thị trường, cùng với sự đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo Tổng công ty và các biện pháp mà PVI đang và sẽ triển khai, Tôi hy vọng PVI sẽ giữ vững là một thương hiệu mạnh xứng đáng với khẩu hiệu “NGỌN LỬA CỦA NIỀM TIN” trong mỗi chúng ta.