Thật khó để gặp được ông Nguyễn Anh Tuấn trong những ngày này bởi lịch làm việc của ông luôn ken đặc những cuộc họp, cuộc tiếp xúc… Dường như, ngay từ những giờ phút khởi động năm mới, cá nhân ông và PVI đã tăng tốc… Sự bận rộn ấy được ông Tuấn lý giải như một bước chuẩn bị để hiện thực hóa những cơ hội mà ông nhấn mạnh là rất hấp dẫn trong năm 2012.
Trường học lớn từ trường đời
Có thể nói, những con số thống kê về doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động ở mức kỷ lục trong năm 2011 đã là một dấu ấn màu xám khi khép một năm đầy sóng gió. Thậm chí còn tồn tại quan ngại, con số kỷ lục mới vẫn có thể được xác lập trong năm 2012 khi mà những yếu tố khó khăn về kinh tế vĩ mô trong nước chưa được hóa giải hiệu quả và tác động từ những vấn đề toàn cầu vẫn tiếp tục ảnh hưởng không tích cực đến hoạt động doanh nghiệp trong nước. Rất tâm đắc với câu nói của Steve Jobs - “Bản thân cái chết là sự sáng tạo tuyệt vời nhất của thượng đế”, ông Tuấn đưa ra cách nhìn nhận tích cực về chính sự ra đi của không ít doanh nghiệp. “Hãy coi sự ra đi của một bộ phận doanh nghiệp là sự sàng lọc với ý nghĩa tích cực thay vì cách nghĩ đó là sự đào thải tiêu cực. Ngay cả khi những DN bị đào thải cũng đồng thời tạo nên tiền đề để sản sinh ra những doanh nghiệp mới, con người mới. Một khi DN chết đi mà được hồi sinh lại thì đó sẽ là sự lột xác và đổi đời” - ông Tuấn nhấn mạnh.
“Đối với những ai muốn khởi nghiệp kinh doanh, hãy nắm lấy cơ hội tốt nhất để đặt nền móng từ năm 2012. Những gì mà người đi trước phải trả giá trong giai đoạn khó khăn sẽ là bài học tốt nhất cho người đến sau. Hãy biết cách học từ chính những thất bại", đó là những điều ông Tuấn muốn chia sẻ với một thế hệ những doanh nhân lập nghiệp trong khủng hoảng. Không phải tự nhiên khi ông Tuấn đánh giá, năm 2012 sẽ là năm để học hỏi những kiến thức quí báu từ chính thực tế mà khó có trường đại học hay sách vở nào có thể cập nhật và lý giải kịp. Những lý thuyết về quản trị rủi ro hơn lúc nào hết sẽ được các doanh nghiệp cảm nhận và thấm từ chính những trả giá của mình hay của doanh nghiệp khác… Đó là những giá trị mà giai đoạn lịch sử đầy sóng gió hiện nay đem lại.
Với cá nhân ông Tuấn, bài học mà ông nằm lòng chính là sự minh bạch trong kinh doanh vô cùng quan trọng. Minh bạch giúp ta biết được mình đang ở đâu? Và từ đó biết giá trị của chính mình. “Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”, lý lẽ đúc rút từ thững thế hệ đi trước ấy, đang được ông chiêm nghiệm từ chính những bước đi của PVI hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Cơ hội là bình đẳng cho tất cả, nhưng chỉ người có tiềm năng và quyết đoán mới nắm bắt được!
Nhìn nhận nguy cơ khủng hoảng kinh tế kép là có thật, tuy vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn lại đưa ra một khuyến cáo rất đáng suy nghĩ - không nên để tâm lý đám đông chi phối! Khi thị trường ảm đạm, tâm lý quan ngại bao trùm lại chính là thời điểm tạo nên những cơ hội đầy hấp dẫn. Bản chất của việc kinh doanh là luôn luôn phải nhìn khác người khác, đi khác người khác. Nhận thức này khiến ông Tuấn chấp nhận một thử thách - đã là người lãnh đạo DN, bất cứ lúc nào cũng phải nhìn ra cơ hội. Khi số đông gặp khó khăn thì đó chính là thời cơ của mình. Vậy nên, trong mắt ông Tuấn, năm 2012 có quá nhiều việc để làm, để tạo nên bước đột phá, chuyển đổi trong kinh doanh. Vấn đề là nắm bắt thời cơ ấy theo cách nào!
Năm 2012, có thể nhìn nhận cơ hội ở nhiều góc độ khác nhau như: Cơ hội để tích tụ tư bản khi có những tài sản tốt lại có mức giá rẻ. Việc dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao từ các doanh nghiệp khó khăn khiến cho PVI có thể đón nhận nhiều hơn nữa những người có năng lực. Chất lượng nguồn nhân lực luôn là ưu tiên số một đối với tập đoàn này. Một điểm lý thú nữa, chính là cơ hội để làm thương hiệu. Một doanh nghiệp có thể mất hàng chục năm làm thương hiệu nhưng có thể chỉ cần vài tháng đã khẳng định được thương hiệu cực tốt. Lấy một ví dụ, ông Tuấn cho rằng, khi mà TTCK đi xuống, bảng điện tử đỏ lòe nhưng khi DN vẫn giữ được màu xanh, chỉ một tháng là cả thị trường biết đến DN đó. Và chính vì thương hiệu được khẳng định mà PVI có cơ hội tiếp cận vốn tốt hơn. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn bắt tay cùng PVI.
Tuy ông không nói hết nhưng tôi tin câu chuyện gây dựng niềm tin với đối tác không chỉ là chuyện trong một tháng xanh trên bảng điện tử TTCK mà đã có được. Điều ấy chỉ đến khi đã có một quá trình tích lũy. Còn ông Tuấn thì lý giải, câu chuyện ở đây không phải là thời gian bao lâu mà điểm cốt lõi chính là tư duy của người làm chủ DN mang lại niềm tin cho đối tác. Chỉ khi tư duy như một người chủ thực sự, toàn tâm toàn ý với DN thì mới có thể khiến người khác lên thuyền cùng mình được. Đó là sự khác biệt giữa tư duy nhiệm kỳ và tư duy của người làm chủ.
Chia sẻ những thông tin này, ông Tuấn nói mình thực sự vui vì PVI đã chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư. Với ông, cơ hội là bình đẳng trên thị trường nhưng chỉ những người có tiềm năng và quyết đoán mới nắm bắt được cơ hội mà thôi. “Không thể kiễng chân mà đi xa được. Muốn đi được đường dài phải dựa vào thực lực của chính mình, điều đó đòi hỏi một quá trình vận động bền bỉ. PVI đã chuẩn bị tốt để tự tin tính đến chiến lược phát triển dài hơi”, ông không che dấu niềm tự hào khi khẳng khái nói ra điều này.
Mở mang sang lĩnh vực mới là cách thức đương đầu với khó khăn
Những thông điệp chính sách vĩ mô được đưa ra như tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, giảm chi tiêu công, duy trì chính sách tài chính chặt chẽ sẽ tác động ít nhiều đến thị trường bảo hiểm. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, PVI thực hiện chính sách củng cố hệ thống quản trị, trong đó hoàn thiện các mảng dịch vụ xương sống trong lĩnh vực bảo hiểm; Xây dựng công ty quản lý quỹ của PVI và công ty quản lý tài sản. Đặc biệt, giữa năm nay, dự kiến PVI sẽ chính thức gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ. Nhập cuộc sau nhưng bí quyết để PVI tạo dựng thị phần ở một thị trường có tiềm năng rộng lớn nhưng cũng không kém phần cạnh tranh gay gắt chính là ở cách thức tạo nên lối đi khác biệt. Khác biệt khi phát triển hệ thống, bán sản phẩm theo nhóm, theo gói, lợi thế mà các DN bảo hiểm khác không có được. Tuy chưa tiết lộ về đối tác nước ngoài sẽ đồng hành cùng PVI khai phá thị trường này nhưng ông Tuấn chia sẻ, có nhiều nhà đầu tư đang thương thuyết và đều bày tỏ nguyện vọng được PVI lựa chọn. Đó là những tín hiệu tích cực cho một cuộc khai phá mới!
“Bản chất hệ thống đầu tư kinh doanh của PVI là lợi nhuận được phát sinh từ quản trị dòng tiền, nơi nào lợi nhuận tốt, dòng tiền của PVI sẽ chảy đến”, ông Tuấn tự tin khi nhìn về bước đường phía trước của PVI. Khép lại câu chuyện, ông nói, với PVI cơ hội của năm 2012 được cô đọng trong định hướng – chứng tỏ sức hấp dẫn của mình trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, mãi lực thị trường Việt Nam rất lớn với hơn 80 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, mỗi năm có 1,5 triệu người lao động tham gia thị trường. Hiện nay, tổng thu của bảo hiểm nhân thọ chỉ mới đạt khoảng 1,5% của GDP trong khi các nước trong khu vực là 3%, các nước phát triển là 5%. Việt Nam còn nhiều dư địa cho thị trường này. PVI nhập cuộc sẽ mang lại sắc diện mới cho thị trường – ông Nguyễn Anh Tuấn tự tin. |