Tình hình chung
Các doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm gốc là Bảo Việt với doanh thu ước đạt 4.438 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 23,5% thị phần, tiếp đến là Bảo hiểm PVI (4.205 tỷ đồng, tăng 28,8%, chiếm thị phần 22,2%), Bảo Minh (2.004 tỷ đồng, tăng 6%, chiếm thị phần 10,6%), PJICO (1.646 tỷ đồng, tăng 19,5%, chiếm thị phần 8,7%) và PTI (994,6 tỷ đồng, tăng 75%, chiếm thị phần 5,3%).
Hầu hết các DNBH đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Một số DNBH có tỷ lệ tăng trưởng trên 50% như PTI có doanh thu 994,5 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do tăng trưởng mạnh doanh thu bảo hiểm xe cơ giới; Liberty (377,5 tỷ đồng, tăng 78,7%, trong đó doanh thu bảo hiểm xe cơ giới chiếm tới 75% tổng doanh thu); Groupama (45,8 tỷ đồng, tăng 101,1% nhờ việc đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối), Fubon (100,1 tỷ đồng, tăng 55,1%).
Một số DNBH có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước là Phú Hưng (4,6 tỷ đồng, giảm 72%), Bảo Long (279,6 tỷ đồng, giảm 17,5%), Toàn Cầu (426 tỷ đồng, giảm 14,9%), QBE (74,5 tỷ đồng, giảm 14,7%).
Trong 11 tháng, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ là 7.445 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 39,3%, tăng so với cùng kỳ năm 2010 (tỷ lệ bồi thường 11 tháng năm 2010 là 35,4%).
Các DNBH có tỷ lệ thực bồi thường cao là Bảo Minh (60,4%), BIC (65,7%), Bảo hiểm Hàng không (53,1%), Liberty (53,9%), Bảo Long (55,6%). Nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường gốc cao là bảo hiểm hàng không với tỷ lệ bồi thường 118,8% do chi trả bồi thường trong vụ tổn thất của hãng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay Narita (Nhật Bản) năm 2008, bảo hiểm cháy nổ (56,6%), bảo hiểm xe cơ giới (50,4%).
Những mối lo tiềm tàng
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thị trường tài chính chưa thấy có dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, xét trên diện rộng thì thị trường phi nhân thọ đang đối mặt những ẩn họa sẵn sàng xảy ra bất cứ lúc nào:
Thứ nhất, những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng tới toàn thị trường bảo hiểm trên diện rộng. Kết thúc 11 tháng, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 18,62% vượt xa rất nhiều so với mục tiêu 7% đã đặt ra từ đầu năm. Điều này mặc dù chưa có những tác động mạnh tới thị trường bảo hiểm Việt Nam nhưng nếu nó còn tiếp diễn về lâu dài chắc chắn những hiệu ứng tiêu cực mang lại sẽ cực kỳ to lớn. Nhìn vào mục tiêu phát triển của thị trường bảo hiểm cũng không hề dễ dàng bởi nhiều lĩnh vực bảo hiểm sẽ “ngấm đòn” lạm phát và suy giảm như: bảo hiểm xuất nhập khẩu, bảo hiểm tài sản cho các công trình xây dựng lớn, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng hải… Điều này sẽ ảnh hưởng khá lớn tới ngành bảo hiểm bởi hàng hải và tài sản thiệt hại luôn nằm trong top 4 nghiệp vụ có doanh thu cao nhất.
Thứ hai, những biến động của thị trường tài chính gây ra những tác động trực tiếp tới thị trường bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm là một trong 3 chân của thị trường tài chính: tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm. Ba thị trường này luôn luôn liên thông và có sự tương hỗ với nhau. Tuy nhiên giai đoạn gần đây thị trường chứng khoán có phần bão hòa và đi xuống, cùng với đó thị trường tiền tệ cũng liên tục bất ổn với những biến động về lãi suất trong “cuộc chơi” của các ngân hàng đặc biệt là thời điểm nửa đầu năm 2011 đã tạo ra áp lức vô hình về tăng trưởng và phát triển cho thị trường bảo hiểm. Trong các nước phát triển chính thị trường bảo hiểm là nơi cung cấp nguồn vốn chung, dài hạn rất quan trọng cho thị trường vốn. Tăng trưởng “nóng” mà không có nền tảng vững chắc về tài chính và biện pháp quản lý hiệu quả sẽ rất dễ khiến các DNBH rơi vào khủng hoảng. Việc các DNBH trong nước như Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm PVI… đã và đang tìm kiếm những cổ đông chiến lược nước ngoài nhằm san xẻ bớt gánh nặng là một bước đi sáng suốt và hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, những tác động từ việc thực hiện luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và quá trình triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm Tín dụng xuất khẩu và bảo hiểm Nông nghiệp. Như trường hợp Bảo hiểm PVI, tác động lớn nhất và dễ nhận thấy nhất chính là việc bổ sung quy định về đấu thầu trong bảo hiểm nội ngành. Điều này phần nào sẽ gây ra những nguy cơ từ việc cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới hạ phí bảo hiểm và tăng chi phí kinh doanh;
Thứ tư, những hạn chế nội tại mà tất cả các DNBH đều phải đối mặt. Điển hình là vấn đề tốc độ phát triển thị trường tương đối nhanh trong khi các cơ sở đào tạo về bảo hiểm vừa thiếu, vừa yếu nên thị trường thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có trình độ quản trị cao. Cùng với đó là việc hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành, còn thiếu sự đồng bộ, trang thiết bị còn thiếu và cũ, gây tốn kém về thời gian và chi phí, khó kiểm soát các hành vi trục lợi. Sản phẩm bảo hiểm tuy đa dạng song vẫn chưa bám sát và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng... Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa được trơn chu, đảm bảo đúng tiến độ thời gian… Những điều này nếu không được khắc phục dần và cải thiện đúng lúc sẽ khiến cho bộ máy vận hành của các DNBH thiếu đi sự linh hoạt, gây ra những đình trệ, vướng mắc ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh toàn hệ thống.
Năm 2011 sắp trôi qua, doanh thu phí cũng đạt trên 90% mục tiêu kế hoạch năm đặt ra nhưng điều đó không đồng nghĩa với chặng đường “về đích” của các DNBH là hoàn toàn bằng phẳng, vẫn còn đó những vướng mắc và nhiệm vụ cần phải giải quyết. Trước mắt chính là giai đoạn các DNBH cần tập trung để có thể hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2012 và các năm tiếp theo./.
Một số chỉ tiêu phát triển thị trường bảo hiểm tới 2020 - Quy mô doanh thu ngành bảo hiểm đạt tương đương 3%-4% GDP; Nguồn: Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính |