Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hùng: ”Luôn biết mình sẽ đi đến đâu và bằng cách nào để đến đích”
Điều khiến tôi bị thuyết phục nhiều nhất là những lĩnh vực mà PVI đang có thế mạnh dẫn đầu. Lâu nay, không ít người luôn nghĩ rằng, PVI chỉ có thế mạnh ở lĩnh vực chuyên ngành về dầu khí, năng lượng (chiếm 99,1% thị phần), thế nhưng, bằng bản lĩnh và sự nỗ lực bứt phá mãnh liệt của một doanh nghiệp trẻ, đầy tiềm năng, hiện nay PVI đã đạt được những kết quả thật diệu kỳ, khi vượt qua cả Bảo Minh để vươn lên giành vị trí dẫn đầu trong 2 lĩnh vực quan trọng khác, đó là bảo hiểm xây dựng lắp đặt (với 47,61%) và bảo hiểm thân tàu-trách nhiệm dân sự chủ tàu (với 31,21%).
Phóng viên: Năm 2007 là năm khởi đầu sự nghiệp mới của PVI với những bước phát triển ngoạn mục: doanh thu đạt 1.997 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 250 tỷ đồng, tăng trưởng trên 400%, tổng tài sản trên 4.500 tỷ đồng, trả cổ tức 15%. Ngày 28/8/2008, PVI ghi mốc son đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng. Ông vui lòng cho biết yếu tố nào để thành công nối tiếp thành công?
Ông Lê Văn Hùng: PVI mới đi được một quãng đường rất ngắn. Tuy nhiên, với những gì đạt được theo tôi có ba yếu tố tạo tiền đề cho sự thành công:
Chiến lược: Theo binh pháp Tôn Tử, trong kinh doanh “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. PVI ngay từ đầu đã xác định cho mình phải có một hành trình rõ ràng để biết mình sẽ đi đến đâu và bằng cách nào để đến đích. Ban lãnh đạo PVI xác định, PVI phải trở thành định chế Bảo hiểm tài chính có thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế, phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng tri thức, sức mạnh của Tập đoàn và sự kết hợp hài hòa lợi ích của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các cổ đông và người lao động. Việc xác định tầm nhìn chiến lược rõ ràng nhằm định hướng cho nhân viên công ty biết, giúp họ hiểu được giá trị chung và biết cách phải làm tròn trách nhiệm của mình như thế nào.
Thời cơ: Trong kinh doanh, nắm bắt thời cơ là một yếu tố quan trọng tạo cú huých ban đầu cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Năm 2005, với số vốn 100 tỷ đồng, Công ty Bảo hiểm Dầu khí chưa trở thành một doanh nghiệp bảo hiểm lớn của Việt Nam và luôn bị đe doạ sát nhập vào Doanh nghiệp khác. Tháng 4/2006, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam Đinh La Thăng đã quyết định tăng vốn cho Công ty Bảo hiểm Dầu khí lên 500 tỷ đồng. Đây là điều kiện để Công ty tạo cơ sở tài chính tốt, có thể xoá hẳn các ý đồ muốn giải thể và thôn tính PVI và định vị một thương hiệu PVI ngày hôm nay.
Năm 2007, Công ty chuyển đổi mô hình hoạt động thành Tổng công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam. Đây cũng là thời điểm mà thị trường bảo hiểm và thị trường tài chính đang khởi sắc. Nắm bắt cơ hội, Ban lãnh đạo Tổng Công ty đã chớp thời cơ, quyết định tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ. Cổ đông cũ được mua khoảng 300 tỷ với giá 10.000 đồng/cổ phần, bán ra ngoài 100 tỷ với giá 75.000 đồng/cổ phần tạo ra thặng dư vốn vào cuối 2007 lên tới 1.000 tỷ và nâng tổng tài sản của PVI lên 2.500 tỷ, 2008 dự kiến lợi nhuận đạt 330 - 350 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với 2006 . Việc tạo nên sức mạnh tiềm lực tài chính lớn là cơ sở để PVI thực hiện được cam kết với cổ đông chia lợi tức 15%/năm, tạo bước đột phá đưa PVI từ một doanh nghiệp vừa trở thành một Tổng Công ty lớn có thương hiệu mạnh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam và khu vực.
Cùng chung một mục tiêu: Chúng tôi có một tập thể lãnh đạo hiểu rõ mặt mạnh, mặt yếu của mình, đoàn kết cùng nhìn về một hướng, quyết tâm thực hiện Tầm nhìn chiến lược, đồng thời có sự chuẩn bị đào tạo đội ngũ kế cận, có nền tài chính công khai, minh bạch. Tập thể người lao động luôn say mê làm việc, say mê cống hiến, được đãi ngộ và hưởng thụ trên thành quả lao động của mình, được tự hào phấn đấu vì mục tiêu chung.
Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi luôn có khát vọng chiến thắng và khát vọng làm giàu
Phóng viên: Ba năm liền PVI được nhận giải Sao vàng Đất Việt, nằm trong Top 100 có thương hiệu mạnh nhất, ông và Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hùng nhận Cúp vàng “Doanh nhân Tâm - Tài”. Cảm nghĩ của ông về các sự kiện này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Sao vàng Đất Việt là giải thưởng hàng năm được trao tặng cho các doanh nghiệp có thương hiệu và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam, có thể so sánh cạnh tranh ngang tầm quốc tế. Cúp vàng “Doanh nhân Tâm - Tài” nhằm tôn vinh các doanh nhân tiêu biểu trên toàn quốc đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế cộng đồng, góp phần xây dựng văn hóa đạo đức doanh nhân, tạo động lực kích thích các nhà sản xuất kinh doanh không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quản lý doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế Quốc tế. Với ý nghĩa xã hội như vậy, chúng tôi tự hào. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu không có Petrovietnam, thì không có PVI, không có sự phát triển vượt bậc của chúng tôi. Vì vậy, việc cộng đồng biết đến chúng tôi là biết đến thương hiệu Petrovietnam, PVI, mà chúng tôi chỉ là đại diện cho tập thể những người lao động Dầu khí Việt Nam.
Phóng viên: Ông vừa nói đến vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, vậy theo ông đâu là cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp PVI?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Cốt lõi văn hóa doanh nghiệp PVI theo tôi có ba yếu tố chính:
Khát vọng chiến thắng, khát vọng làm giàu: Người Việt Nam khiêm tốn, đây là đức tính đáng quý, tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu và hội nhập, người Việt Nam cần tự tin để tự cường, để khẳng định vị thế của mình trong môi trường Quốc tế. Tôi luôn mong muốn PVI phát triển trong môi trường lấy tri thức làm nền tảng. Một môi trường phải có sự khác biệt và phản biện, khuyến khích ý tưởng cá nhân, tôn trọng sự sáng tạo phong phú của cá nhân. Biết lắng nghe ý kiến của người khác để điều chỉnh phong cách quản lý. Tôi rất sợ môi trường nào mà xung quanh không có ý kiến nào khác mình. Văn hóa doanh nghiệp là nơi để mọi người thể hiện bản ngã của mình.
Chia sẻ cộng đồng: Trong một tập thể doanh nghiệp mọi người cần chia sẻ kiến thức với nhau, xóa bỏ tính nghi kỵ hẹp hòi vì sự tiến bộ chung của cộng đồng doanh nghiệp. Xưa nay, có nhiều người hay lạm dụng danh từ “đoàn kết”. Theo tôi đoàn kết phải nằm trong sự chia sẻ, hoàn toàn trái ngược với “phe cánh”.
Bảo hiểm là một nghề chia sẻ rủi ro, vì thế luôn phải song hành cùng khách hàng trong thời điểm khó khăn nhất. Có thể nói, tinh thần thân thiện cộng đồng sẽ tăng thêm sức mạnh cho thương hiệu PVI.
Ý chí của người lãnh đạo: Doanh nghiệp cũng như cuộc đời mỗi con người, có thăng có trầm. Những lúc doanh nghiệp khó khăn thì ý chí của người lãnh đạo gần như là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Người ta thường ví lãnh đạo doanh nghiệp như một tay lái, nếu tay lái vững thì doanh nghiệp sẽ vượt qua dốc cao vực thẳm. Nếu tay lái yếu, con tàu doanh nghiệp dễ đâm xuống vực sâu. Tôi nghĩ một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh cần phải có: một tuyên ngôn - một đội hình - một tương lai chung. Hiện nay, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam đã hội tụ đủ những yếu tố đó và con tàu PVI đang tiến lên phía trước.