Hội nhập đồng nghĩa với việc phải vượt qua những rào cản phát triển. Không chấp nhận bó hẹp tại thị trường trong nước hay khu vực mà rộng lớn hơn – muốn vươn đến đẳng cấp toàn cầu, đó là khát vọng của PVI Holdings, doanh nghiệp vừa nhận danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Sự khác biệt là chìa khóa cho thành công, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI Holdings khẳng định cùng Thương Gia. Giữa muôn vàn điều khác biệt, đâu sẽ là khác biệt đem đến sự vượt trội của PVI Holdings?
Với doanh thu 9 tháng đầu năm 2011 đạt trên 4.300 tỉ đồng, PVI Holdings chiếm 23% thị phần và hiện đang là đơn vị dẫn đầu về bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đã tạo ra 1 tiền lệ trên TTCK khi trở thành công ty đầu tiên đang có cp niêm yết trên sàn chứng khoán thực hiên tái cấu trúc thành công, chuyển đổi từ tổng công ty sang mô hình công ty mẹ-con. Mới đây, công ty tiếp tục gây ra sự ngỡ ngàng với giới đầu tư khi tăng vốn thành công bằng thương vụ bán 25% cổ phần cho Tập đoàn Bảo hiểm Talanx của Đức với giá cao hơn gấp đôi giá cp được niêm yết trong bối cảnh ảm đạm của TTCK Việt Nam. Ông Tuấn khẳng định đây là bước đi quan trọng để tạo nên một định chế tài chính – bảo hiểm quốc tế trong buổi trò chuyện cùng Thương Gia.
Thưa ông, việc bắt tay với hai đối tác ngoại là Quỹ đầu tư Oman và Talanx Group có ý nghĩa thế nào trong chiến lược phát triển của PVI Holdings?
Họ đều là những tập đoàn có đẳng cấp quốc tế, một trong lĩnh vực đầu tư tài chính và một trong lĩnh vực bảo hiểm. Muốn trở thành định chế tài chính bảo hiểm đẳng cấp thế giới buộc phải theo kịp chuẩn mực quốc tế trong cả 2 lĩnh vực đầu tư tài chính và bảo hiểm. Sự hợp tác với 2 đối tác chiến lược này có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến lược phát triển của PVI. Bắt tay với OIF (Quỹ đầu tư Oman), không chỉ là bài toán tài chính mà còn là chìa khóa cho chúng tôi có thể thâm nhập thị trường bảo hiểm năng lượng tại Trung Đông, kinh đô dầu lửa của thế giới. Với Talanx, việc hợp tác sẽ giúp chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm với một đối tác bảo hiểm hàng đầu ở châu Âu có lịch sử hình thành phát triển trên 100 năm và có nhiều điểm tương đồng trong chiến lược phát triển với PVI. Điều quan trọng hơn, PVI sẽ trở thành 1 mắt xích trong chuỗi cung cấp các sản phẩm bảo hiểm toàn cầu của tập đoàn Talanx.
Như vậy, có thể nói, việc bắt tay với Tanlanx có ý nghĩa không nhỏ trong việc tái cấu trúc của PVI Holdings. Vậy mục tiêu của công ty tới đây sẽ là gì thưa ông?
Mục tiêu của PVI Holdings là phát triển thành một định chế tài chính - bảo hiểm quốc tế hùng mạnh, đa quốc gia về sở hữu, thị trường và sản phẩm nhưng phải mang tinh thần Việt, phải có ý chí tự cường và bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Với một công ty có tỷ lệ vốn ngoại không hề nhỏ, đề cao yếu tố dân tộc liệu có phải là duy ý chí không?
Hoàn toàn không! Với những trải nghiệm qua các thương vụ với những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, tôi có thể tự tin khẳng định rằng họ rất trân trọng và mong muốn hợp tác với những doanh nghiệp giàu bản sắc. Hãy đi vào bản chất vấn đề hội nhập để nhìn vấn đề rộng hơn. Tinh thần Việt không phải nằm ở tỷ lệ phần trăm vốn góp, mà điều quan trọng là, doanh nghiệp đó có triết lý kinh doanh Việt hay không? Triết lý kinh doanh có phục vụ cho lợi ích của dân tộc không? Doanh nghiệp đó có tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ quốc tế không? Nếu một doanh nghiệp có khả năng mang hình ảnh và thương hiệu Việt ra quốc tế thì đó mới là một doanh nghiệp mang tinh thần dân tộc Việt Nam.
Trong trường hợp đối tác ngoại muốn đặt lợi ích đầu tư lên trên lợi ích dân tộc mà PVI Holdings theo đuổi thì sao, thưa ông?
Một câu hỏi hay! Đúng là các nhà đầu tư nước ngoài luôn luôn đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu nhưng các lợi ích trong đó có lợi ích của quốc gia, lợi ích của cổ đông, của khách hàng, của CBCNV phải tồn tại một cách hài hòa thì mới đảm bảo được sự phát triển bền vững. Với PVI, điều gì có lợi ích cho cổ đông, cho người lao động nhưng phải phù hợp với lợi ích của đất nước thì chúng tôi mới làm. Chúng tôi tin tưởng, khi đã nhận thức đầy đủ và “lên thuyền” cùng với PVI Holidngs, các đối tác sẽ cùng chúng tôi tạo nên giá trị lớn hơn cho thương hiệu PVI Holdings để có vị trí xứng đáng trên toàn cầu.
Vậy khát vọng cá nhân của ông đối với bước chuyển đổi này là gì?
Tôi không bao giờ giới hạn ước mơ và khát vọng của mình. Tôi muốn thế giới sẽ biết đến thương hiệu PVI Holdings là của Việt Nam. Có thể sẽ mất 10 năm hay thậm chí 20 năm cho mục tiêu đó, nhưng hãy cứ mơ ước và hành động, và tôi tin chắc rằng ngày đó sẽ đến.
Vâng, đúng là cần có ước mơ, nhưng cũng phải xác định được chiến lược để hiện thực hóa giấc mơ ấy, thưa ông?
Tôi rất tâm đắc với triết lý kinh doanh của Steve Jobs – tượng đài của Apple, muốn thành công phải có tư duy khác biệt và tạo ra những lợi thế khác biệt. Nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn và chiến lược cho phát triển doanh nghiệp và phải luôn sáng tạo và đổi mới tư duy trong từng giai đoạn phát triển. Chỉ như vậy mới có thể tạo nên sức mạnh bền vững cho doanh nghiệp. PVI là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên thực hiện thành công tái cấu trúc cũng là một trong những sự khác biệt của chúng tôi.
Ông đề cập rất nhiều đến sự khác biệt. Vậy đâu là sự khác biệt đem lại sự vượt trội cho PVI?
Đó là sức mạnh tập thể, mỗi cá nhân trong tập thể đều là những mắt xích để tạo nên 1 chuỗi giá trị. Họ cùng làm việc, cùng chia sẻ, cùng tỏa sáng. Cái tôi là bản ngã của con người, càng là người có năng lực cái tôi càng lớn nhưng khi đã đứng trong hàng ngũ của PVI, mọi người đều “ngộ” ra triết lý sống và làm việc không phải để trở thành một cá nhân xuất sắc nhất, mà là tự hào khi là một phần đóng góp nên một tập thể xuất sắc nhất.
Nhưng như thế liệu có triệt tiêu những cá nhân xuất sắc?
Không hề! Người lãnh đạo phải như một nhạc trưởng, phải biết ai là cây vĩ cầm chính của dàn nhạc.
Xin cảm ơn ông!