Dịch bệnh, giãn cách xã hội, sống trong vùng phong tỏa..., có không ít người rơi vào hoàn cảnh không mong muốn. Dù thế, nhiều người vẫn tin rằng, thích nghi và thay đổi bản thân sẽ mang đến năng lượng tích cực, có sức mạnh để vượt qua mọi cam go. Tạp chí Năng lượng Mới chia sẻ một số câu chuyện của người dầu khí trong đại dịch Covid-19.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền - Công ty Bảo hiểm PVI Vũng Tàu: Cơ hội để học tập
Dịch Covid-19 khiến mọi thứ thay đổi và dịch chuyển nhanh đến không ngờ. Từ hôm ở nhà, tôi làm việc, học hành, quản lý công việc qua email, Zalo, Viber ultra, Zoom..., nghĩa là số hóa mọi thứ và cất giữ luôn trên... “mây”. Có những thứ bắt buộc phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh và không thể quay lại với cách làm, cách sống của những ngày trước đây được nữa.
Hôm vừa rồi, nhìn hình ảnh của cuộc hồi hương thứ hai của những người tỉnh ngoài về Sài Gòn mưu sinh, tôi thấy thật xót xa. Không chỉ là gia đình các công nhân và lao động phổ thông, trong số những người hồi hương ấy có cả sinh viên, người lao động mất việc trong các doanh nghiệp, thậm chí cả các bạn trẻ đang kinh doanh...
“Về nhà ít nhất còn có gia đình, họ hàng thân thích”. Tôi đọc câu này cay cả mắt. Không ai phủ nhận sự đùm bọc của gia đình, nhưng ai cũng hiểu giải pháp lâu dài vẫn phải là công việc, là cái cần để câu con cá. Trong lúc phải bó gối ở nhà, không việc làm và không tiền, đừng ngồi chờ dịch đi qua mới bắt đầu lại, hãy mạnh mẽ thay đổi nó. Đây là cơ hội để vừa nghỉ ngơi vừa học được một nghề mới nào đó. Tôi nghĩ vậy.
Tôi có tròn một tháng xách laptop về nhà. Thế là có một tháng cắm mặt vào học, thoát khỏi nỗi ám ảnh suýt rớt môn vì cứ vừa làm vừa học chẳng tập trung được. Lúc xách laptop về nhà, tôi còn tận 3 bài luận chưa làm, quá deadline của từng bài mấy tuần và cũng còn đúng một tuần là thi cuối kỳ, đóng môn.
Giờ thì ngày nào cũng có lịch học hoặc họp trên Zoom. Học tập là chuyện cả đời nên tôi vẫn miệt mài dành cả tuổi “cận trung niên” cho việc học.
Chị Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch Công đoàn Ban QLDA Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1: Giữ tinh thần lạc quan
Theo dõi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca nhiễm, ca tử vong cao khiến bản thân tôi cảm nhận rõ hơn về giá trị của cuộc sống. Bình thường, chúng ta hay dễ bất mãn, than vãn với những khó khăn lặt vặt xảy ra hằng ngày, đôi khi không mảy may để ý, quý trọng những thứ đang có, đơn giản như sau giờ làm việc, chúng ta được về nhà với gia đình, được cùng ngồi ăn cơm tối với nhau... Nhưng dịch bệnh đã khiến những giây phút bình yên tưởng chừng mặc định ấy bỗng chốc biến mất.
Điều đó khiến tôi cảm nhận mình đã quá may mắn khi vẫn được làm việc, vẫn an toàn, sức khỏe tốt, được ở bên người thân, gia đình. Tôi thấy rằng, một chút bức bối, khó chịu hay bất tiện của tôi trong những ngày giãn cách thật sự không là gì so được với những nạn nhân của Covid-19, không là gì so với sự nhọc nhằn của những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch hay những người thất nghiệp đang phải nhọc nhằn đường xa vội vã trở về quê nhà mà chưa biết ngày nào mới được quay lại Sài Gòn, trở lại nhà máy, xí nghiệp để làm việc, mưu sinh...
Covid-19 đã khiến cho cuộc sống sôi động bỗng phanh gấp, buộc chúng ta phải đứng im lặng lẽ nhìn thời gian trôi qua, suy ngẫm về sự đời. Covid-19 thật sự đã cảnh tỉnh và đặt ra thử thách đối với mỗi con người, đó là làm sao giữ được tinh thần lạc quan trong nghịch cảnh? Tôi tin rằng, qua cơn đại nạn, mọi người sẽ bớt đi những toan tính, hơn thua, sẽ gần nhau hơn, dành cho nhau những gì tốt đẹp, yêu thương, trân trọng nhất!
Virus SARS-CoV-2 như “kẻ thù vô hình” gây nên khủng hoảng đời sống, kinh tế nghiêm trọng và vũ khí chiến đấu của con người lúc này chỉ có thể là sự sáng suốt, bình tĩnh và tinh thần đoàn kết. Chưa bao giờ tôi cảm nhận sâu sắc về hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng như lúc này. Từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau, từ bà con kiều bào xa xôi, không ai bảo ai, mỗi người đã gom góp những gì mình có để gửi nhanh đến Sài Gòn. Ai có gì thì giúp nấy…
Dù tôi là người lao động ngành Dầu khí, anh là giáo viên, chiến sĩ công an, hay các y, bác sĩ đang trong phòng trực cấp cứu bệnh nhân, những mạnh thường quân, các tình nguyện viên,… tất cả chúng ta đang nhìn về một hướng, cùng đoàn kết làm hết sức mình vì một Việt Nam khỏe mạnh, vì một tương lai tươi sáng cho đất nước hình chữ S kiên cường này.
Qua nhiều biến cố, từ chiến tranh, thiên tai đến dịch bệnh… đã chứng minh rõ một điều rằng, con cháu Lạc Hồng dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào vẫn cùng chung nhịp đập của một trái tim - Trái tim Việt Nam.
Anh Nguyễn Anh Trực - Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC): Trách nhiệm và sẻ chia
Những ngày giãn cách, tôi nhìn ra ngoài xã hội, nhìn về những người yếu thế, người lao động xa xứ bị mất việc, thiếu thốn và khổ sở; nghĩ đến doanh nghiệp đang vừa cố gắng duy trì sản xuất, vừa chống dịch khiến chi phí tăng cao, người lao động vất vả hơn khi thực hiện “3 tại chỗ”, hay đi làm việc theo phương thức “1 cung đường 2 điểm đến”... Vậy chúng ta nên nhìn nhận và hành động thế nào trong giai đoạn đầy cam go hiện tại? Tôi đã đặt câu hỏi vậy.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, tôi và các đoàn viên, thanh niên đã tích cực tham gia ngay một số công việc để đồng hành với người yếu thế; tham mưu, phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương để chia sẻ khó khăn với người dân, với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Kết quả là chúng tôi đã hỗ trợ cho 8 địa phương, với khoảng 200 bà con nghèo được hỗ trợ; hỗ trợ khẩu trang, cồn khử khuẩn cho các chốt phòng chống dịch. Trong tháng 08 và 09, chúng tôi sẽ tiếp tục chung tay với địa phương trao học bổng cho các em học sinh, để các em có điều kiện mua tập vở, quần áo cơ bản đến trường, tạo điều kiện tối thiểu cho các em tiếp tục học tập.
Một điều nữa cần chia sẻ, đó là sự đồng cảm với Nhà nước về chiến lược tiêm vắc-xin. Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên tiêm vắc-xin hay không, nên tiêm loại vắc-xin nào, ai tiêm vắc-xin nào phù hợp?... Đó cũng là những vấn đề mà những người “thủ lĩnh” Đoàn Thanh niên như chúng tôi phải tìm hiểu rõ, để sẻ chia với đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp, để mỗi người trở thành một tuyên truyền viên đúng cho gia đình, người thân mình.
Một vấn đề tôi muốn chia sẽ thêm đó là trong khó khăn, ý chí và sự đoàn kết của người lao động mới thể hiện rõ ràng nhất, thông qua văn hóa doanh nghiệp đã được xây dựng. Cụ thể tại Phân bón Cà Mau, Ban lãnh đạo luôn chú trọng đến nguồn nhân lực và coi đó là sự sống còn của doanh nghiệp. Chương trình tái tạo văn hóa được triển khai từ 2015 đến nay, và rõ ràng, qua đại dịch Covid này Phân bón Cà Mau làm tương đối tốt bởi sự đồng lòng trong cả hệ thống. Đó là việc CBCNVsẵn sàng đi cách ly để duy trì sản xuất liên tục (hơn 3 tháng nay); hay khu nhà ở cán bộ công nhân viên cũng sẵn sàng đồng lòng cách ly để đảm bảo an toàn… Ban lãnh đạo Công ty luôn có cái nhìn rất mở và sâu sắc, quan tâm đến từng thói quen sinh hoạt của cán bộ, từng bữa ăn, từng điều kiện… Nhiều anh em nói rằng, được lãnh đạo động viên, hỏi han, chăm lo từng chút khiến anh em làm việc “3 tại chỗ” không còn thấy mệt mỏi hay buồn chán gì…
Tôi nghĩ, chúng ta nên có tinh thần lạc quan và nhìn mọi vấn đề của xã hội một cách đa chiều, để có tấm lòng nhân hậu, giúp đỡ những người yếu thế, khó khăn hơn mình trong mùa dịch. Trong chúng ta, ai cũng có thể chung tay giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi sự đóng góp to lớn cho cộng đồng được tạo thành từ chính những chia sẻ nhỏ bé của mỗi người.
Chị Dương Thị Ngọc Hà - Nhà máy Đạm Phú Mỹ: Thay đổi thái độ sống để thích nghi!
Tôi cũng như tất cả mọi người trên trái đất này, đều đang bị tác động bởi một thứ không nhìn thấy được mang tên Corona. Mọi trật tự đều bị đảo lộn, có thể nói thật công bằng là tác động mà nó gây ra không hề phân biệt đối tượng khi bị lây nhiễm - bất kể giàu có hay nghèo khổ, quyền lực hay yếm thế.
Thế giới thay đổi và bạn cũng phải thay đổi!
Điều nên làm nhất trong hiện tại là tuân thủ đúng theo các phương án của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ban hành. Ai ở đâu thì ở yên nơi ấy, hạn chế tối đa ra ngoài khi không cần thiết, nhất là đối với những địa phương đang thực hiện theo chỉ chị 16+ như Vũng Tàu nơi tôi sống.Lẽ dĩ nhiên không ai thích bị bó buộc trong nhà cả ngày và kéo dài hàng tháng, thậm chí vài tháng; không còn được lang thang cà phê góc phố, không được đứng trước biển hít thở hương vị mằn mặn, nồng nồng len trong gió, không được leo núi lớn núi nhỏ để đứng trên ngọn Hải đăng nhìn ngắm cả thành phố Vũng Tàu nhỏ bé như lòng bàn tay … Tôi là người ít ra đường nên không có cảm giác mất mát này lắm nhưng tôi thích đứng trên lan can nhìn xuống phố tấp nập người qua lại và quan trọng, tôi thích được tự do.
Cá nhân tôi do tính chất công việc bận rộn, chủ yếu xử lý trên máy tính và điện thoại nên cũng không mấy khi có thời gian rảnh, và cũng không thực sự để tâm đến sự khác biệt giữa làm việc ở cơ quan hay ở nhà. Mặc dù vậy, không phải tôi không có những khó khăn, áp lực căng thẳng khi làm việc online. Song, so với ngoài xã hội, tôi may mắn hơn rất nhiều vì bản thân và gia đình còn khỏe mạnh, bình an, được làm việc trong môi trường Nhà máy Đạm Phú Mỹ - PVFCCo có chính sách nhân viên tốt, thu nhập ổn định…
Tôi luôn tâm niệm, nếu không thể thay đổi được hoàn cảnh thì chỉ có thể học cách thích nghi, nhìn mọi vấn đề ở khía cạnh tích cực.
Ví dụ, có lẽ ban đầu ai cũng khó chịu, bực bội khi cứ xoay quanh là đám trẻ con trong nhà trêu chọc, đánh nhau, giành giật đồ chơi ầm ĩ, ồn ào khiến ta rất mất thời gian để làm quan tòa xử án hoặc cần tập trung khi làm việc online. Kinh nghiệm của tôi nếu không có gì nghiêm trọng thì cứ đeo tai phone nghe nhạc và lơ đi để bọn trẻ tự giải quyết vấn đề của mình.
Khi rảnh, tôi dành thời gian thực hiện những việc mà bình thường tôi chưa bao giờ làm. Đó có thể là cùng các con xem phim, bày biện nấu chè, làm bánh, trà sữa trân châu… và tôi đã nhận được giá trị gia tăng về tình cảm gia đình cũng như nhìn thấy hạnh phúc của các con khi luôn quây quần ở bên cạnh mẹ. Tôi cũng đã rèn cho mình thói quen tập thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức khỏe và giữ gìn vóc dáng, điều vốn dĩ với người lười vận động như tôi xưa nay không hề làm!
Những ngày này, từ ban công, tôi vẫn thích ngắm nhìn con đường quen thuộc từng rất rộn ràng, náo nhiệt nhưng giờ đây mới nhận ra vẻ đẹp thực sự của yên tĩnh. Và lẽ đương nhiên không khí cũng trong lành hơn trước…
Tất cả đã cho thấy rằng, dù bạn muốn hay không thì bạn vẫn không thể làm thay đổi hiện thực khách quan nhưng bạn hoàn toàn có thể thay đổi thái độ, tư duy, ngay cả thói quen cố hữu của mình để phù hợp với hoàn cảnh, để cảm thấy mình vẫn ổn, vẫn sống tốt, thậm chí vẫn rất hạnh phúc!