Ngày 14-8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Mục tiêu của lộ trình nhằm phát triển thị trường trái phiếu ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm; từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đáng chú ý, các mục tiêu mang tính định lượng cũng được nêu ra một cách khá rõ ràng trong lộ trình trên.
Thứ nhất, phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030. Trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 38% GDP vào năm 2020 và khoảng 45% GDP vào năm 2030 (năm 2016 tỷ lệ này mới chỉ đạt 24%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan 73%, Singapore 82%, Malaysia 95%). Đồng thời, cố gắng đưa dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030.
Thứ hai, phấn đấu đưa kỳ hạn bình quân danh mục phát hành TPCP trong nước giai đoạn 2017-2020 đạt 6-7 năm; giai đoạn 2021-2030 đạt 7-8 năm; tăng khối lượng giao dịch bình quân phiên lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2020 và 2% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2030; tăng tỷ trọng TPCP do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 và mức 60% năm 2030 (hiện mới chỉ đạt gần 20%).
Để đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn 2017-2020, Chính phủ sẽ hoàn thiện khuôn khổ chính sách về thị trường trái phiếu; phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp; phát triển và đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư; phát triển định chế trung gian và dịch vụ thị trường.
Cụ thể, về thị trường sơ cấp, nhằm khắc phục tình trạng sản phẩm đơn điệu, lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đã mở đường cho triển khai các sản phẩm mới, như: trái phiếu có lãi suất thả nổi; trái phiếu có gốc, lãi được giao dịch tách biệt (strip bond), trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát. Đồng thời, phát hành đa dạng TPCP bao gồm cả tín phiếu kho bạc nhằm thiết lập đường cong lãi suất chuẩn cho các sản phẩm tài chính từ ngắn hạn đến dài hạn; phát triển theo lộ trình các sản phẩm phái sinh trái phiếu như: hợp đồng tương lai/kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn.
Về thị trường thứ cấp, các giải pháp được đưa ra là: cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại sở giao dịch chứng khoán phù hợp với tính chất giao dịch thỏa thuận, bảo đảm chế độ báo cáo giao dịch kịp thời, chính xác để xây dựng đường cong lãi suất chuẩn; yêu cầu các nhà tạo lập thị trường thực hiện nghĩa vụ chào giá hai chiều (giá mua, giá bán) đối với các mã TPCP tiêu chuẩn nhằm tạo thanh khoản; tăng cường trách nhiệm của thành viên thị trường thứ cấp trong công tác báo cáo giao dịch; nghiên cứu xây dựng chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại sở giao dịch chứng khoán.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, để khắc phục tình trạng “chợ chiều” hiện nay, đưa dư nợ thị trường này đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030 (hiện ở mức khoảng 1% GDP), cơ chế mới cũng đưa ra nhiều đường hướng cụ thể. Theo đó, Chính phủ đề ra kế hoạch: xây dựng cơ chế cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu chia thành nhiều đợt phát hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án đầu tư. Song song đó, nâng cao tính minh bạch cũng là ưu tiên của Chính phủ khi yêu cầu rà soát lại điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo nguyên tắc gắn với công bố thông tin, bổ sung quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; yêu cầu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung.
Ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, lộ trình cũng đưa ra giải pháp nhằm đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu, qua đó giảm thiểu rủi ro cho thị trường khi quá phụ thuộc vào một nhóm nhà đầu tư - hiện tại là các ngân hàng.
Cụ thể, đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam: chuyển toàn bộ hình thức cho vay trực tiếp đối với ngân sách nhà nước sang hình thức đầu tư TPCP; nghiên cứu cho phép cơ quan này đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ thống chương trình hưu trí tự nguyện. Một điểm nổi bật khác là lộ trình cũng chú trọng khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư dài hạn vào thị trường trái phiếu thông qua cải thiện chế độ công bố thông tin; cải cách thủ tục hành chính; rà soát, điều chỉnh chính sách thuế và phí giao dịch trái phiếu đối với nhóm nhà đầu tư này.
Đối với các định chế trung gian và dịch vụ thị trường, cần đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nhằm tăng cường năng lực của các định chế này. Ngoài ra, cần sớm ban hành cơ chế, chính sách quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để thực hiện quản lý trái phiếu cho các nhà đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Một nhiệm vụ khác là phải hiện đại hóa công nghệ thông tin về hệ thống đấu thầu, đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu từ T+2 vào năm 2016 xuống còn T+1 vào năm 2025.
Cuối cùng, lộ trình cũng đã phân công trách nhiệm cụ thể đến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) và các bên liên quan trong việc hoàn chỉnh chính sách, cũng như các giải pháp triển khai để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu. Do vậy, có cơ sở để kỳ vọng các giải pháp trên sẽ sớm đi vào thực tế, tránh hiện tượng “cha chung không ai khóc”, để thị trường trái phiếu Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.