Trái với dự báo của các chuyên gia cho rằng: Sau đợt đấu giá thất bại Bảo Việt thì cung trong lần đấu giá PVI sẽ không thể cao, nhưng trên thực tế số lượng đăng ký mua CP PVI cao gấp 5 lần số lượng đăng ký bán. Phải chăng sau vụ Bảo Việt thì PVI hấp dẫn hơn trong mắt NĐT?
Tổ chức đăng ký chiếm 61,92% còn lại là cá nhân chiếm 38,08%. NĐT cá nhân ít hơn nhiều so với tổ chức như vậy phần nào cho thấy trong đợt đấu giá lần này đã bớt đi một lượng lớn cá nhân đầu cơ theo kiểu "lướt sóng" không giống trong các đợt đấu giá trước số lượng NĐT cá nhân vẫn luôn chiếm đa số áp đảo NĐT tổ chức.
Như vậy, nhiều khả năng giá đấu bình quân PVI lần này sẽ được quyết định bởi các tổ chức tham gia đấu, từ trước đến nay, các NĐT tổ chức vẫn thường được đánh giá là các NĐT chuyên nghiệp, trước khi quyết định đầu tư vào một Cty nào đều được đánh giá phân tích một cách chuyên nghiệp và bài bản, liệu PVI lần này có đón nhận được những NĐT thực sự có mong muốn đầu tư lâu dài vào Cty chứ không dành cho những người muốn tận dụng cơ hội này để đầu cơ, CP bằng việc bán suất đấu trúng?
Với mức giá khởi điểm 50.000đ/CP, giá đấu bình quân của PVI hiện vẫn đang là một ẩn số mà ẩn số số lớn nhất đến từ các tổ chức nước ngoài (trong 75 tổ chức đăng ký đấu giá thì có khoảng 15 tổ chức nước ngoài). Hiện nay, NĐT nước ngoài đang nắm giữ 0% CP của PVI, như vậy có thể hiểu trong đợt đấu giá lần này NĐT nước ngoài không bị giới hạn đăng ký mua và có thể đăng ký tối đa lên 10.000.000CP.
Giá khởi điểm 50.000đ/CP có thật sự hấp dẫn?
Nếu nhìn từ góc độ so sánh về giá giữa các DN bảo hiểm trong ngành thì hiện nay giá PVI đang giao dịch trên thị trường OTC trong khoảng 115.000đ/CP-125.000đ/CP (giá chưa nhận quyền); PIJICO 70.000đ/CP - 75.000đ/CP; Bảo Việt 67.000đ/CP - 68.000đ/CP; Bảo Minh 76.000đ/CP-77.000đ/CP...
Trước khi IPO Bảo Việt, PVI trong đợt IPO vào cuối tháng 12.2006 đã từng lập kỷ lục về số người tham gia đấu giá đông và mức giá đấu cao kỷ lục nhất, giá đấu bình quân của PVI vào thời điểm đó cao hơn 160.000đ/CP, đến nay PVI vẫn được các NĐT kỳ vọng và trả giá mua CP ở mức cao nhất trong các Cty trong ngành bảo hiểm.
Nhìn từ góc độ quy mô thương hiệu, PVI chiếm 18,3% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, đứng thứ 3 trên thị trường trong ngành bảo hiểm. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm VN, kết thúc quý I/2007, PVI là DN chiếm thị phần lớn nhất trong gần 20 Cty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động tại VN, với doanh thu phí chiếm 30,28% thị phần, tính đến ngày 10.6.2007, PVI đã đạt doanh thu trên 1.000 tỉ đồng, hoàn thành 65% kế hoạch năm.
Theo kế hoạch hoạt động kinh doanh của PVI trong năm 2007, lợi nhuận sau thuế đạt 177.173 triệu đồng; vốn chủ sở hữu là 750.000 triệu đồng và dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện tăng vốn đợt 2 từ 851.350 triệu đồng lên 1.000 tỉ đồng cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược trong nửa cuối năm 2007. Năm 2006, EPS là 984,56đ/CP; BV (giá trị sổ sách trên 1CP) là 16.105 đ/CP.
Ngoài phương pháp định giá CP PVI theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, mức giá PVI là 50.000đ/CP (theo bản cáo bạch PVI), tham khảo thêm hai phương pháp phổ biến nhất mà NĐT thường dùng là P/E và P/B.
Định giá theo phương pháp P/E, tham khảo P/E của các Cty tương đương trong cùng ngành trong nước như Bảo Minh là 32,83 lần; Bảo Việt khoảng 80 lần; Vinari là 50,03 lần; P/E trung bình ngành bảo hiểm phi nhân thọ trên thế giới là 16,7 lần, để phù hợp với việc định giá các DN bảo hiểm ở VN thì có thể lấy P/E trung bình ngành bảo hiểm trong nước khoảng 50 lần thì giá PVI có thể ở mức 49.228đ/CP.
Theo phương pháp P/B, tham khảo P/B của Bảo Minh là 5,95 lần; Bảo Việt khoảng 4,68 lần; Vinari là 7,32 lần; P/B trung bình ngành bảo hiểm phi nhân thọ trên thế giới là 2,8 lần. Vậy nếu lấy P/B bằng trung bình ngành trong nước khoảng 4,5 lần thì giá của PVI có thể ở mức 72.472đ/CP.
Tuy nhiên, mỗi phương pháp định giá khác nhau đều có những hạn chế nhất định, những đánh giá trên chỉ mang tính tham khảo mà không hàm ý đảm bảo về giá trị CK.
* Giá các loại CP trong ngành bảo hiểm hiện chưa hết bị tác động từ đợt IPO gần 60 triệu CP Bảo Việt vừa qua. Hầu hết các CP trong ngành bảo hiểm đều điều chỉnh giảm từ 20%-30%. Đợt đấu giá Bảo Việt vừa qua có thể nói số NĐT cá nhân mất nhiều hơn được. Bảo Việt hiện nay đang giao dịch ở mức giá thấp hơn mức giá đấu bình quân thấp nhất 67.800đ/CP. Thị trường OTC vẫn đang ế ẩm trong đó có CP ngành bảo hiểm như, Bảo Long 40.000đ/CP - 45.000đ/CP; Viễn Đông 50.000đ/CP-55.000đ/CP; PIJICO 70.000đ/CP - 75.000đ/CP...