Tại Hội nghị Tổng giám đốc các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ mới đây, các CEO bảo hiểm đã thống nhất đưa ra 13 kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính.
Trong đó, 9 kiến nghị liên quan đến việc bổ sung, điều chỉnh chính sách theo hướng kiện toàn các quy định của pháp luật đối với riêng mảng bảo hiểm phi nhân thọ, 4 kiến nghị còn lại mang tính giải pháp.
Cụ thể, các CEO đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp chỉ đạo và thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng sản phẩm bảo hiểm thiên tai, trong đó có bảo hiểm tài sản công và bảo hiểm nông nghiệp; có giải pháp cải thiện tình trạng tỷ lệ bồi thường quá cao (dự kiến lớn hơn doanh thu) đối với bảo hiểm tàu khai thác thủy sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
2 trong số 4 kiến nghị mang tính giải pháp đề nghị Bộ Tài chính chủ trì cùng Bảo hiểm y tế sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khám chữa bệnh theo quy định tại điều 12 và 13 Nghị định 102/2011; đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp giải quyết tình trạng môi giới bảo hiểm gốc và tái đưa ra điều kiện trong đấu thầu bảo hiểm gốc dẫn đến DNBH gốc thắng thầu phải chấp nhận điều kiện tái bảo hiểm của môi giới bảo hiểm.
Trước đề xuất của các CEO bảo hiểm, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ông Phùng Ngọc Khánh cho biết, cơ quan quản lý sẽ tiếp thu 13 kiến nghị tại Hội nghị, đồng thời chia sẻ chủ trương phát triển một số sản phẩm bảo hiểm bắt buộc theo hướng nhà nước không can thiệp nhiều vào thỏa thuận giữa DNBH với khách hàng, phát triển bảo hiểm đầu tư xây dựng, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm năng lượng, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm bảo lãnh.
Ông Khánh đánh giá cao những kết quả đạt được của khối bảo hiểm phi nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2017, với doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 16%, khống chế được tỷ lệ bồi thường bảo hiểm 30%, một số công ty đã kinh doanh từ lỗ sang có lãi, sự hợp tác giữa các DNBH ngày càng tốt hơn.
Hiện tại, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính Phủ kết quả phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2015 và thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu doanh thu bảo hiểm chiếm 3 - 4% GDP, đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh bảo hiểm theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết 35/2016/NQ-CP.
Liên quan đến tái bảo hiểm, ông Khánh cho biết, Cục Bảo hiểm đã bảo vệ trước Chính Phủ về quy định tái bảo hiểm tối đa 90% dịch vụ bảo hiểm cho trường hợp tái bảo hiểm theo chỉ định quốc tế để hạn chế yếu tố phi thị trường, giúp DNBH chủ động quyết định nhà tái bảo hiểm.
9 kiến nghị của các CEO bảo hiểm phi nhân thọ với Bộ Tài chính
- Đề nghị Bộ Tài chính tổ chức tập huấn Nghị định 73/2016/NĐ-CP, Nghị định 119/2015/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn Nghị định 119.
- Đề nghị tiến hành sửa đổi bổ sung hoặc ban hành thông tư thay thế các thông tư hiện hành khi các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính bị vô hiệu theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
- Đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 101/2013/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và Thông tư 103/2009/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
- Đề nghị ban hành quy tắc, điều khoản, điều kiện và biểu phí bảo hiểm với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp công chứng, bảo hiểm trách nhiệm khám chữa bệnh phù hợp với điều 39 Nghị định 73.
- Đề nghị ban hành quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm và chỉ đạo các DNBH triển khai bán bảo hiểm cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành, bảo hiểm tàu sông, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chứng khoán, bảo hiểm trách nhiệm nghề môi giới bảo hiểm.
- Đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 130/2006/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo hướng bãi bỏ trách nhiệm đóng góp của DNBH cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy 5% doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc vì không được quy định trong thuế, phí, lệ phí cũng như Luật Phòng cháy và chữa cháy (kể cả luật sửa đổi bổ sung năm 2013), đồng thời tiến hành sửa đổi bổ sung Thông tư 220/2010/TT-BTC về quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
- Đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định về bảo hiểm hàng hải không được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, nằm rải rác trong Bộ luật Hàng hải để thuận tiện cho triển khai bảo hiểm hàng hải, xét xử tranh chấp trong bảo hiểm hàng hải khi tàu và hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và nước ngoài giải quyết tranh chấp từ tòa Việt Nam, trọng tài Việt Nam.
- Đề nghị sớm ban hành hợp đồng mẫu về bảo hiểm sức khỏe để các DNBH thuận lợi trong việc cải tiến, phát triển sản phẩm, phê duyệt sản phẩm.
- Kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 228/2009/TT-BTC về giải quyết vướng mắc trong trích lập dự phòng phải thu và phải thu khó đòi đối với hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm trong và ngoài nước.