Ngày 3/12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng Văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”. Tham dự diễn đàn và trực tiếp vinh danh các doanh nghiệp có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Diễn đàn do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban Tổ chức 248), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp thực hiện. Diễn đàn là nơi truyền tải thông điệp của Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện, cơ hội, môi trường để các doanh nghiệp thể hiện nét văn hóa qua các hoạt động đa dạng, ấn tượng.
Diễn đàn nhằm triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đan xen đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cốt lõi.
Chính vì vậy, chúng ta cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó nhằm góp phần kiến tạo chính sách, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới, mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam.
Diễn đàn cũng là dịp để Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Các đại biểu tham gia tọa đàm đã tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề chính như: Vai trò, nội dung, tác động của chấn hưng văn hóa đến phát triển kinh tế bền vững; Những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19; Giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu COVID-19, các xung đột địa-chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.
Tại Diễn đàn cũng diễn ra Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022 cho 24 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng Quốc gia xét duyệt. Trong đó, 6 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) được tôn vinh trong dịp này gồm: Chi nhánh Tập đoàn - Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIEN DONG POC); Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC); Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans); Chi nhánh Tổng Công ty Khí Việt Nam - Công ty Khí Cà Mau (PV GAS Cà Mau); Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power).
Các tiêu chí, nhóm tiêu chí về Văn hóa kinh doanh Việt Nam Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm 5 điều kiện bắt buộc: Không buôn lậu, không trốn thuế; Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; Không nợ lương và BHXH của người lao động; Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; Không vi phạm pháp luật. Các tiêu chí đánh giá mức độ đáp ứng của từng doanh nghiệp đối với Bộ tiêu chí gồm 5 nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội. |
H.A