Trước thềm đại hội cổ đông Công ty cổ phần PVI (PVI Holdings), Hội đồng quản trị PVI vừa có cuộc họp thống nhất các chỉ tiêu kinh doanh năm 2017. Đặc biệt, với mức chia cổ tức năm 2016 tương đương với tỉ lệ chia cổ tức năm 2015 là 20%/năm bằng tiền mặt, PVI tiếp tục khẳng định là doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả nhất thị trường hiện nay. Chủ tịch PVI Holdings ông Nguyễn Anh Tuấn và Giám đốc tài chính HDI Global - ông Ulrich Heinz Wollschlager vừa có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Lao Động.
Xin ông chia sẻ thông tin tại cuộc họp Hội đồng quản trị mới đây của PVI Holdings? Là cổ đông chiến lược của PVI, ông có hài lòng về kết quả kinh doanh của PVI Holdings trong năm 2016?
- Ông Ulrich Heinz Wollschlager: HDI rất hài lòng về khoản đầu tư tại PVI. Năm 2016, kết quả kinh doanh của toàn PVI đã hoàn thành vượt mức kế hoạch do HĐQT và Đại hội cổ đông giao. Với mức chia cổ tức 20%/năm vừa được HĐQT quyết định, tôi cho rằng đây là tin vui làm hài lòng tất cả các cổ đông. Một tin vui nữa mà tôi muốn chia sẻ là PVI sẽ đa dạng hóa hoạt động đầu tư trong năm nay, trong đó sẽ tập trung vào các hoạt động đầu tư về cơ sở hạ tầng. Về phía đại diện cho tập đoàn HDI Global, tôi khẳng định khoản đầu tư của tập đoàn tại PVI là hết sức hiệu quả, bởi PVI là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, làm ăn có lãi và sinh lời ngay từ năm đầu tiên.
Năm 2016, thương vụ đình đám của PVI là thoái vốn khỏi bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife thu về lãi ròng tới 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trước đó, HĐQT PVI từng tuyên bố sẽ cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Vậy quan điểm của HDI như thế nào với việc PVI nhanh chóng thoái vốn khỏi PVI Sunlife?
- Ông U.H. Wollschlager: Đặc thù của Tập đoàn HDI Global là chuyên về bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm công nghiệp. Tương tự, PVI cũng là DN có thế mạnh về bảo hiểm phi nhân thọ. Chiến lược kinh doanh của chúng tôi chủ yếu tập trung vào hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ là chủ đạo. Vừa qua, PVI đã đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife là chưa phù hợp với đầu tư của Tập đoàn HDI Global, bởi như hoạt động bảo hiểm nhân thọ cần có các chi phí để xây dựng hệ thống kênh phân phối và chi phí để duy trì hợp đồng rất tốn kém. Sau khi PVI thoái vốn khỏi PVI Sunlife, quan điểm của HDI Global cho rằng đây là một thương vụ kinh doanh sinh lời hiệu quả. Hiện ngoài bảo hiểm phi nhân thọ, lĩnh vực tái bảo hiểm và đầu tư tài chính cũng là 2 lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược đầu tư của PVI.
Giám đốc Tài chính HDI Global: HDI rất hài lòng về khỏan đầu tư tại PVI. |
Được biết, Chính phủ có chủ trương nới room cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm, liệu HDI Global có quan tâm đến cơ hội nhằm tăng tỉ lệ sở hữu tại PVI lên không? Nếu có, ông có thể chia sẻ lộ trình tăng vốn này?
- Ông U.H. Wollschlager: Talanx là tập đoàn đa quốc gia hiện quản lý hơn 100 tỉ euro ở các quốc gia. Tuy nhiên ở VN, hiện HDI Global (thuộc Tập đoàn Talanx) mới có một khoản đầu tư vào PVI. Với chủ trương của Chính phủ VN cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn, đây sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong trường hợp nhà nước muốn thoái vốn khỏi một số tài sản là DNNN lớn, chắc chắn HDI Global rất quan tâm. Nếu Petrovietnam (PVN) thoái vốn ra khỏi PVI thì Tập đoàn HDI Global cũng rất quan tâm và sẽ quyết định tăng tỉ lệ sở hữu vốn của HDI Global tại PVI. Tuy nhiên, lộ trình cụ thể còn phải chờ PVN có thoái vốn ra sao.
PVI là thành viên của Tập đoàn Dầu khí VNsẽ có nhiều lợi thế khi cạnh tranh. Trường hợp PVN thoái vốn khỏi PVI, giả sử HDI Global mua cổ phiếu này, ông có lo ngại việc mất lợi thế sẽ khiến PVI gặp khó khăn về thị trường không, thưa ông?
- Ông U.H. Wollschlager: PVN là cổ đông lớn của PVI, PVI sẽ có nhiều lợi thể khi cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho PVN. Trên thực tế, trong những năm qua, PVN đã trở thành đối tác của PVI trong các hoạt động kinh doanh bán lẻ. Không chỉ doanh nghiệp, nhiều cán bộ, nhân viên người lao động của PVN, cũng như các đơn vị thành viên cũng chọn PVI là DN mua bảo hiểm để bảo vệ cho tài sản của mình. Đây là một thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, có thể thấy, mức độ phụ thuộc của PVI vào PVN không quá lớn, cụ thể danh mục bảo hiểm của PVN đang có xu hướng giảm dần, thay vào đó là các lĩnh vực khác…
- Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch PVI: Nhiều ý kiến băn khoăn là nếu PVI ra khỏi PVN thì PVI sẽ mất đi nhiều lợi thế mà PVN mang lại. Tôi bổ sung thêm ý kiến của ông Wollschlager về chiến lược phát triển của PVI. Tất nhiên khi là thành viên của PVN, PVI có nhiều lợi thế trong việc phát triển thị trường. Nhưng đến thời điểm hiện nay, tỉ trọng doanh thu các nghiệp vụ liên quan đến PVN của PVI đã giảm xuống còn khoảng 25% so với thời kỳ đỉnh cao lên đến 85% và tỉ trọng này đã thay đổi đáng kể.
Chính sự tăng trưởng của PVI thời gian qua đã thể hiện nỗ lực cạnh tranh của PVI, đặc biệt là phi nhân thọ và tái bao hiểm trên cả 3 phương diện: Cạnh tranh về năng lực quản trị, năng lực tài chính và chất lượng dịch vụ, không chỉ cạnh tranh trong nước, mà PVI đã vươn ra cạnh tranh quốc tế. Hiện PVI là nhà bảo hiểm công nghiệp đứng đầu thị trường, không chỉ đứng đầu trong lĩnh vực dầu khí, mà cả hàng không, hàng hải, điện lực. PVI đang cung cấp chương trình bảo hiểm cho các đội bay của VNA, Vietjet Air, Helicopter, Vinalines, Vinashin…
Từ nhiều năm nay, đặc biệt sau khi có quy chế đấu thầu bảo hiểm được ban hành năm 2014, PVN mở cửa cho tất cả các nhà cung cấp bảo hiểm trong và ngoài nước tham gia cung cấp dịch vụ cho các dự án, tài sản quản lý bởi PVN. Nếu nói đến lợi thế của PVI, thì theo tôi, lợi thế lớn nhất mà PVI có được do là thành viên của PVN, hiểu hơn ai hết các rủi ro của PVN, nên PVI đã thiết kế được các chương trình bảo hiểm phù hợp nhất với yêu cầu của PVN (nói nôm na là “cắt áo” theo kiểu “may đo”), đảm bảo quản trị rủi ro với chi phí hiệu quả nhất cho PVN. Vì vậy, có thể khẳng định, PVI đã phát triển dựa trên năng lực cạnh tranh. Nếu các cổ đông nước ngoài tăng vốn ở PVI thì PVI vẫn có sự tăng trưởng tốt, kể cả khi độc lập với PVN.
Hội đồng quản trị PVI Holdings họp ngày 24.3.2017. |
Với việc là cổ đông chiến lược của PVI, HDI Global đã đóng cho sự trưởng thành của PVI như thế nào, thưa ông? Trường hợp HDI Global chiếm cổ phần chi phối tại PVI, ông có lo ngại vậy là PVI đã bị thôn tính và trở thành DN có vốn nước ngoài?
- Ông U.H. Wollschlager: Trong quá trình hoạt động, cả 2 bên cùng nhau học hỏi, cùng đưa ra định hướng chiến lược để PVI cùng phát triển. Kết quả sau 5 năm hợp tác, PVI đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, mô hình quản trị hết sức minh bạch. Đây là những tiền đề quan trọng để PVI có thể trở thành một “mắt xích” trong mạng lưới toàn cầu của Tập đoàn HDI Global, đặc biệt là tại khu vực châu Á. Với việc trở thành một cấu thành của Tập đoàn HDI Global sẽ giúp cho PVI nâng được xếp hạng tín nhiệm và trở thành đối tác bảo hiểm đáng tin cậy của các DN trên thế giới.
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong Tập đoàn Dầu khí VN, PVI là doanh nghiệp (DN) duy nhất có cổ đông chiến lược nước ngoài. Trong quá trình 5 năm (từ 2011-2016) thực hiện tái cấu trúc để chuyển đổi từ một Công ty bảo hiểm thuần túy thành một PVI Holdings như hôm nay, trong đó có đóng góp rất quan trọng của Tập đoàn HDI Global. Vì vậy, chúng tôi không ngại bị thôn tính mà việc có đối tác mạnh trong DN là việc rất bình thường, tất cả vì sự phát triển của PVI…
Một câu hỏi cuối, được biết, trong năm nay PVI dự kiến sẽ ra mắt quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, ông có thể cho biết cụ thể lĩnh vực hạ tầng nào được Tập đoàn HDI Global quan tâm?
- Ông U.H. Wollschlager: Chúng tôi đã có chuẩn bị để thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng để đầu tư các dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang có nhu cầu kêu gọi đầu tư, đây là lĩnh vực sinh lời rất tốt.
- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Quỹ đầu tư hạ tầng dự kiến sẽ thành lập trong năm nay với định hướng đầu tư vào các dự án của PVN. Đây là thời cơ tốt để PVI có bước phát triển đột phá trong lĩnh vực đầu tư. Khi PVI thành lập quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, tôi tin chắc rằng quỹ này sẽ thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn hai ông!