Đó là nhận định của ông Lê Song Lai, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) về hướng phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Theo ông, ngành bảo hiểm Việt Nam sẽ thế nào khi Việt Nam gia nhập WTO?
Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ đem đến nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý bảo hiểm.
Khi tham gia WTO, việc trao đổi thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và các nước sẽ được đẩy mạnh, luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được khi thông là tiền đề quan trọng để làm tăng nhu cầu bảo hiểm và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng thị trường.
Mặt khác, việc có thêm nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tham gia thị trường, với thế mạnh dựa trên công nghệ quản lý tiến tiến, cơ cấu sản phẩm bảo hiểm đa dạng đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, hệ thống thông tin hiện đại... cũng tạo động lực cạnh tranh để các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nâng cao năng lực quản lý, chất lượng phục vụ, giảm chi phí hoạt động, phát triển các sản phẩm mới... để có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.
Nhưng không phải không có thách thức, thưa ông?
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, hội nhập đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, trong điều kiện khả năng tài chính, kinh nghiệm hoạt động và công nghệ quản lý vẫn còn chưa cao. Do đó, mỗi doanh nghiệp phải có những đánh giá khách quan và toàn diện về những tác động nhiều mặt của hội nhập, trên cơ sở đó phải tích cực chuẩn bị cho hội nhập một cách tự tin, tìm cho mình một lối đi riêng, một chiến lược hành động riêng nhằm đứng vững, phát triển trong cạnh tranh và hội nhập.
Hội nhập cũng đem lại nhiều thách thức không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn đối với cả cơ quan quản lý bảo hiểm. Đó là yêu cầu quản lý thị trường an toàn, thận trọng, minh bạch, công khai và phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế.
Trong khi đó, vẫn phải tiếp tục củng cố, sắp xếp lại các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Năm 2003, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2010. Đó là cơ sở quan trọng để Bộ Tài chính tiến hành triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp chiến lược với các nội dung chính là nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng minh bạch, công khai, đảm bảo sự phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế...
Theo ông, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang ở đâu trong bức tranh toàn cảnh của thị trường bảo hiểm quốc tế?
So với thị trường bảo hiểm quốc tế và khu vực, thị trường bảo hiểm Việt Nam có tuổi đời trẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định. Mặc dù quy mô còn khiêm tốn, song đây là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển.
Theo đánh giá của một số chuyên gia bảo hiểm nước ngoài, xét trên một số phương diện, thị trường bảo hiểm Việt Nam được vận hành trong khuôn khổ pháp lý tương đối đồng bộ, chặt chẽ và áp dụng nhiều nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế phù hợp với khuyến nghị của Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS).
Với tốc độ phát triển là 17%/năm 2004 và 10%/năm 2005, thị trường bảo hiểm Việt Nam có còn trong giai đọan phát triển nóng nữa không, thưa ông?
Trong suốt một thời gian dài từ 1993-2003, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng với tốc độ nhanh (khoảng 29%/năm). Đến hết năm 2005, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đã đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, tương đương 2,03% GDP.
Trong 2 năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tốc độ tăng trưởng của thị trường đã có chiều hướng chậm lại. Trong chừng mực nhất định, điều này thể hiện rõ sự chuyển hướng trong chiến lược kinh doanh của chính doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó tập trung vào các yêu cầu hiệu quả, chất lượng tăng trưởng, an toàn tài chính, giữ vững và củng cố thị phần, trước khi mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới.
Theo chu kỳ tăng trưởng thường thấy ở các thị trường khác, đây là sự điều chỉnh cần thiết để chuẩn bị cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn ở các giai đoạn tiếp theo.
Mặt khác, thực tế này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải đánh giá lại kết quả hoạt động của mình một cách khách quan để chủ động đề ra các giải pháp thiết thực.
Như đã nói ở trên, trong thời gian tới, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, sức mua của người dân được cải thiện, nhu cầu bảo hiểm cũng sẽ lớn hơn. Đây là những điều kiện thuận lợi mà các doanh nghiệp bảo hiểm cần tranh thủ nắm bắt để mở rộng hoạt động kinh doanh. Do đó, có thể dự báo rằng, trong thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, vững chắc, trong đó những lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển là các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp với đầu tư, bảo hiểm khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài, bảo hiểm cháy, nổ...
Hoàng Xuân
Theo VNECONOMY cập nhật: 03/05/2006