Số DN báo lãi trong năm 2016 đã tăng, từ 5 lên 10 DN đối với nhóm bảo hiểm nhân thọ và từ 17 lên 18 DN với nhóm bảo hiểm phi nhân thọ. Điều này cũng tạo thêm niềm tin tăng trưởng toàn ngành nói chung trong năm 2017.
Phân tích mới đây của CTCK Bảo Việt cho thấy, những động lực tăng trưởng cho ngành còn khá lớn trong dài hạn. Ví như với bảo hiểm sức khoẻ. Hiện, ngân sách nhà nước chỉ chi trả 39% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe, thấp hơn rất nhiều ở các nước phát triển trên thế giới với tỷ trọng khoảng 68-70% tổng chi phí. Đối với phần ngoài ngân sách, người dân Việt Nam đang phải tự chi trả hoàn toàn.
Tính toán cho thấy, tại Việt Nam, chi phí mà cá nhân phải bỏ tiền túi do không có nguồn tài trợ nào khác đang ở mức rất cao so với các quốc gia trên thế giới do không có nguồn chi trả từ các hợp đồng bảo hiểm tự tham gia. Trung bình khoảng 3,1% tổng thu nhập hàng năm được sử dụng để trang trải các chi phí chăm sóc sức khỏe. Như vậy, bảo hiểm sức khỏe còn rất nhiều room để tăng trưởng.
Cùng với đó, là nhu cầu lớn đối với các sản phẩm bảo hiểm giúp đảm bảo thu nhập khi nghỉ hưu. Tại Việt Nam, chỉ có khoảng 21% lực lượng trong độ tuổi lao động đủ điều kiện để được hưởng lương hưu sau khi nghỉ hưu. Tỷ lệ này tại các nước phát triển là 88% và tại các nước trong khu vực là khoảng 26%.
Theo dự báo của Quỹ hưu trí của BHXH, từ 2023 trở đi, chi bảo hiểm hưu trí sẽ lớn hơn thu BHXH. Trước nguy cơ “vỡ” quỹ BHXH trong tương lai và tỷ lệ người già/người trong độ tuổi lao động ngày càng cao, các công ty bảo hiểm sẽ có vai trò lớn hơn trong việc giúp người lao động tiết kiệm để có được nguồn thu nhập sau khi nghỉ hưu, hoặc một nguồn thu bổ sung ngoài các khoản được chi trả từ ngân sách nhà nước. “Chính phủ có thể sẽ có những chính sách khuyến khích sự tham gia của các công ty bảo hiểm tư nhân và nguồn vốn huy động từ ngành bảo hiểm là nguồn vốn phù hợp nhất với nhu cầu vốn đầu tư phát triển trong tương lai”, báo cáo của CTCK Bảo Việt phân tích.
Theo chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm 2015-2020, doanh thu phí bảo hiểm đến năm 2020 đạt 10,1 - 13,5 tỷ USD bằng 3-4% GDP, tương đương với tốc độ tăng trưởng CAGR 21-29%/năm. Bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe là động lực tăng trưởng chính. Riêng đối với bảo hiểm phi nhân thọ, theo phương pháp được thực hiện bởi Lloyds of London căn cứ vào tổn thất phát sinh theo dự báo và phí bảo hiểm cần thiết để trang trải cho những tổn thất đó, có tính đến mức thu nhập bình quân, thì thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam còn có room phát triển là gần 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh đang hướng về các DN bảo hiểm lớn. Khảo sát online các khách hàng đang sử dụng sản phẩm/dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam do Vietnam Report thực hiện vào tháng 5/2017 cho thấy, top 3 tiêu chí được khách hàng quan tâm nhất khi lựa chọn công ty bảo hiểm bao gồm tiềm lực tài chính (62,1% lựa chọn), kinh nghiệm (61,7%) và sự rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm (55,2%).
Báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính càng cho thấy rõ thêm điều này khi, gần 86% thị phần doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ gốc nằm trong tay 5 “ông lớn” bao gồm: Prudential, Bảo Việt nhân thọ, Manulife, AIA và Dai-ichi. Ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, gần 60% thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc thuộc về Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PTI và PJICO. Với số lượng công ty bảo hiểm nhân thọ (18 công ty) và phi nhân thọ (30 công ty) đang hoạt động trên thị trường Việt Nam hiện nay, thì ở thị phần còn lại sẽ chứng kiến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các công ty có quy mô vừa và nhỏ.
Để có thể phát triển và đón đầu cơ hội, khảo sát các DN bảo hiểm cũng cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực và quản trị DN cũng là yếu tố ảnh hưởng không kém (78,6% lựa chọn “ảnh hưởng rất nhiều”), bởi theo phản hồi của nhiều khách hàng đang tham gia bảo hiểm, việc tư vấn để khách hàng hiểu đúng và đủ về hợp đồng bảo hiểm còn nhiều hạn chế. Do đó trong thời gian tới, các công ty bảo hiểm cũng cần lưu ý đầu tư cho khâu đào tạo nhân lực, thay vì mở rộng kinh doanh tràn lan, tuyển dụng ồ ạt nhân sự không kỹ càng.