Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2010 của Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí PVI đạt 3.642 tỷ đồng, tăng 35,7% và lợi nhuận đạt 246 tỷ đồng, tăng 43,6%. Với đà tăng trưởng này, PVI đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2011 với doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 4.860 tỷ đồng và 420 tỷ đồng…
Nếu nhìn tổng quan thị trường trong 9 tháng đầu năm 2010, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục tăng trưởng 25,97% về doanh thu phí bảo hiểm với 12.417 tỷ đồng, trong đó phần tái bảo hiểm trong nước 1.458 tỷ đồng, tái bảo hiểm ra nước ngoài 2.947 tỷ đồng.
Đứng đầu về doanh thu là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới với 3.885 tỷ đồng (tăng 19,66%), bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người 1.683 tỷ đồng (tăng 28,74%), bảo hiểm xây dựng lắp đặt 1.429 tỷ đồng (tăng 28,3%), bảo hiểm tàu thủy 1.381 tỷ đồng (tăng 20,78%), bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro 1.099 tỷ đồng (tăng 34,47%), bảo hiểm dầu khí 1.041 tỷ đồng (tăng 47%).
Các doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu bảo hiểm cao là Bảo Việt 3.007 tỷ đồng, PVI 2.850 tỷ đồng, Bảo Minh 1.515 tỷ đồng, PJICO 1.111 tỷ đồng, PTI 430 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2009 là MSIG tăng 297% (doanh thu 121 tỷ đồng), Groupama tăng 205% (doanh thu 13,7 tỷ đồng), ACE tăng 153% (30 tỷ đồng), Hùng Vương tăng 136,7% (26 tỷ đồng), Bảo Ngân tăng 125% (83 tỷ đồng), SVIC tăng 106% (197 tỷ đồng)…
Tuy nhiên, đi sâu vào từng doanh nghiệp thì "bức tranh không chỉ toàn màu hồng". Trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hầu hết đều công bố kết quả kinh doanh khả quan thì đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang chạy nước rút để có thể hoàn thành kế hoạch năm 2010.
Ngoài yếu tố cạnh tranh khốc liệt dẫn đến hạ phí và mở rộng điều khoản bảo hiểm, vấn nạn truyền thống của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, thì yếu tố kinh tế không thuận lợi cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gặp khó khăn trong việc khai thác khách hàng và phát triển sản phẩm.
Trao đổi với ĐTCK, giám đốc maketing của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cho biết, dù sản phẩm bảo hiểm chủ lực của công ty đang triển khai rất khả quan, nhưng năm nay công ty cũng chỉ mong đạt được 90% kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.
"Cạnh tranh gay gắt trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chỉ là một yếu tố, vấn đề chính là nhiều doanh nghiệp kinh doanh đều nhận thấy rằng, khủng hoảng kinh tế dường như bây giờ mới 'ngấm' đến các doanh nghiệp. Chính vì thế, nếu nghĩ đến bảo hiểm thì vì quy định bắt buộc phải mua, còn mua thêm các sản phẩm khác là điều khá xa xỉ với họ", vị giám đốc trên nói.
Sau 1 tháng chuyển đổi hoạt động sang mô hình tổng công ty cổ phần kể từ ngày 1/10/2010, tháng 10, Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) đạt doanh thu 59 tỷ đồng, trong đó: doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 38,4 tỷ đồng, hoàn thành 23% so với kế hoạch quý IV/201 do Đại hội đồng cổ đông giao; doanh thu hoạt động đầu tư tài chính là 20,06 tỷ đồng, hoàn thành 41,2% kế hoạch quý IV/2010.
Lợi nhuận trước thuế trong tháng 10 của BIC đạt 10,3 tỷ đồng, hoàn thành 41% kế hoạch quý IV/2010 do Đại hội đồng cổ đông giao, trong đó: lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 1,43 tỷ đồng, lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính là 8,859 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của BIC trong tháng 10/2010 chưa đạt được kỳ vọng do trong thời gian này doanh nghiệp phải hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình tổng công ty cổ phần và đang tập trung hoàn thiện, chuyển đổi hệ thống cơ chế quản lý kinh doanh, quy trình, văn bản chế độ nội bộ cho phù hợp với mô hình mới.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước có thị phần khá lớn hiện nay cũng thừa nhận rằng, đến thời điểm này công ty vẫn chưa đạt được 70% kế hoạch đề ra từ đầu năm kể cả doanh thu bảo hiểm và lĩnh vực đầu tư tài chính.