Vượt qua một năm 2016 với những dấu ấn vượt trội về các chỉ số kinh doanh, hoàn thiện mô hình tái cấu trúc với chiến lược “4 chân” vững chãi, Công ty Cổ phần PVI (PVI Holdings) đang sải những bước dài trên con đường phát triển của một định chế Tài chính- bảo hiểm quốc tế hàng đầu Việt Nam và từng bước vươn ra thế giới. Trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, Tổng giám đốc PVI Holdings- ông Bùi Vạn Thuận khẳng định: Trong tương lai không xa, PVI sẽ có tên trong bản đồ các định chế tài chính- bảo hiểm hàng đầu châu Á và thế giới.
- Thưa ông, khép lại năm 2016 với nhiều diễn biến không thuận đối với nền kinh tế và ngành dầu khí nói riêng khi giá dầu thô liên tục ở mức thấp. Thị trường bảo hiểm trong nước cũng đứng trước sức ép cạnh tranh khốc liệt, khiến phí sụt giảm. Vậy nhưng có vẻ như trong khó khăn, PVI càng thể hiện sức vóc và bản lĩnh của doanh nghiệp đã kinh qua “trận mạc”?
- Ông Bùi Vạn Thuận: Đúng vậy, trước sự sụt giảm của giá dầu, nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí gặp khó khăn, lợi nhuận giảm sâu. Nếu như trước khi tái cấu trúc, doanh thu của PVI phụ thuộc chủ yếu vào ngành dầu khí thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn vì bản thân các Cty dầu khí đều tiết giảm chi phí. Nhờ chiến lược tái cấu trúc, phát triển theo mô hình đầu tư tài chính nên trong năm qua, doanh thu của PVI đã có sự dịch chuyển, doanh thu từ bảo hiểm gốc và tái bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh lõi vẫn chiếm đa số, song PVI đã gặt hái nhiều thành công từ hoạt động đầu tư tài chính, xây dựng mô hình chuỗi giá trị tạo giá trị gia tăng trên dòng tiền. Tổng doanh thu hợp nhất của PVI năm 2016 ước đạt 8.778 tỉ đồng, hoàn thành 103,4% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2016 ước đạt 730 tỉ đồng, hoàn thành 142,9% kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh của Công ty mẹ PVI cũng đạt kết quả ấn tượng, vượt xa mức kế hoạch 2016. Tổng doanh thu Công ty mẹ năm 2016 ước đạt 892 tỉ đồng, tương đương 144,4% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ năm 2016 ước đạt 615 tỉ đồng, tương đương 201,3% kế hoạch.
Có thể nói, kết quả lợi nhuận ấn tượng của PVI năm 2016 phần lớn là từ hoạt động đầu tư hiệu quả. Riêng hoạt động đầu tư tài chính đã thu về cho PVI mức lợi nhuận hơn 200% so với kế hoạch. Trong năm 2016, sau thành công của thương vụ bán 25% cổ phần còn lại cho đối tác Sun Life, hiện PVI vẫn duy trì mô hình hoạt động với 4 công ty thành viên gồm: Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI Insurance), Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI RE), Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVI AM) và Công ty cổ phần Phát triển tài sản Việt Nam (VNAD).
Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, mặc dù năm 2016 chứng kiến giá dầu xuống đến mức kỷ lục trong 12 năm qua, nhưng PVI Insurance vẫn nỗ lực hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu năm 2016 với 7.680 tỉ đồng doanh thu và 160 tỉ đồng lợi nhuận, tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu thị trường Bảo hiểm phi nhân thọ, lãi nghiệp vụ luôn cao nhất trong nhóm 5 công ty dẫn đầu thị trường.
- Như vậy là chính trong khủng hoảng, mới cho thấy chiến lược tái cấu trúc và bước đi của PVI là hết sức đúng đắn, thưa ông?
- Đúng vậy, đặt ra chỉ tiêu kế hoạch trước đại hội cổ đông ngay từ đầu năm là một áp lực lớn đối với Ban lãnh đạo PVI. Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết tâm phải đạt bằng được các chỉ số này bởi chúng tôi luôn có niềm tin vào thị trường, vào chính mình với năng lực của đội ngũ và một chiến lược được hoạch định bàn bản, đã tính toán đến những phòng ngừa rủi ro có thể có. Mặc dù kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức, song PVI đã tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của chiến lược phát triển đa ngành nghề, đa lĩnh vực, không bỏ hết trứng vào một giỏ. Trong đó, vai trò của Công ty Mẹ - PVI Holdings vô cùng quan trọng trong định hướng các công ty con về chiến lược phát triển, quản lý đầu tư toàn hệ thống, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường và là kênh huy động vốn hiệu quả để nâng cao năng lực tài chính cho các đơn vị thành viên, góp phần duy trì và phát triển mạnh mẽ hoạt động kinh doanh lõi: Bảo hiểm. Nhờ uy tín và thương hiệu của Công ty mẹ, hai Công ty con là Bảo hiểm PVI và Tổng Công ty Tái Bảo hiểm PVI (PVI Re) đã tiếp cận và mở rộng thị trường, phát triển dịch vụ, đủ năng lực hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ngoài ra, để quản lý tốt dòng tiền phù hợp với quy mô hoạt động ngày càng lớn của doanh nghiệp, Công ty CP Quản lý quỹ PVI đã được thành lập và hoạt động hiệu quả cũng minh chứng cho chủ trương tái cơ cấu PVI là hoàn toàn đúng đắn.
- Nói gì thì nói, một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính như PVI cũng dễ hiểu để nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng và trao gửi ủy thác tài chính, nhưng năm qua ngoài thương vụ bán 25% cổ phần của PVI tại PVI Sunlife, có vẻ như PVI đang muốn rút lui khỏi lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vốn là thế mạnh của các đối thủ cạnh tranh. Ông nói sao về điều này?
- Tôi không phủ nhận việc sau khi bán 25% cổ phần của PVI tại PVI Sunfile thì PVI đã hoàn toàn rút ra khỏi lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, vốn được xác định là một trong những trụ cột của tái cơ cấu PVI. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận . việc thoái 25% vốn còn lại của PVI cho đối tác Sun Life Assurance Canada đã thu về khoản lợi nhuận ngoài mong đợi, trên 450 tỉ đồng. Lợi nhuận ròng đạt được cho cả thương vụ lên tới trên 1.000 tỉ đồng. Đây được xem là thương vụ đầu tư tài chính không tồi và chắc chắn sẽ làm hài lòng các cổ đông của PVI.
- Cũng được biết năm 2016, PVI đã tuyên bố chi trả cổ tức tới 20% bằng tiền mặt, cùng với nguồn tiền dồi dào, PVI đang có nhiều lựa chọn đầu tư và cơ sinh lời cao, ông có thể cho biết, định hướng trong thời gian tới của doanh nghiệp?
- Năm 2016, PVI đã thực hiện chi trả cổ tức cho các cổ đông theo tỉ lệ chi trả cổ tức lên tới 20% bằng tiền mặt thay vì chi trả cổ tức 9% theo như cam kết tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm. Đây cũng là mức cổ tức cao nhất trong khối các doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Với kết quả như hiện tại kinh doanh của năm 2016, với mức doanh thu và lợi nhuận vượt xa kế hoạch đề ra, PVI càng khẳng định vị thế là nhà tài chính – bảo hiểm hàng đầu thị trường.
Năm 2017, cùng với chủ trương của Chính phủ thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực nhà nước đang nắm giữ, đây chính là cơ hội tốt để PVI tìm kiếm, sàng lọc các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đang có nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư của tập đoàn trong các lĩnh vực điện khí, lọc hóa dầu, đầu tư hạ tầng dầu khí… trong khi PVI có dòng tiền dồi dào. Việc lựa chọn để đầu tư vào các công ty nhà nước lớn, các dự án đầu tư cho hiệu quả cao là rất khả thi. Vấn đề còn lại là PVI cần tăng cường năng lực đội ngũ để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Tiếp tục triển khai tái cấu trúc, kiện toàn mô hình quản trị doanh nghiệp và cơ cấu tổ chức phù hợp, tiếp tục tăng vốn để đáp ứng yêu cầu nâng hạng của các Công ty tài chính quốc tế và tìm cổ đông chiến lược cho Bảo hiểm PVI và PVI Re.
- Xin cảm ơn ông và chúc PVI Holdings thành công!
Quỳnh Trang (thực hiện)