PVI là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên tái cấu trúc thành công. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI đã trao đổi một số quan điểm chung về tái cấu trúc doanh nghiệp.
PV: PVI đã chuyển đổi sang mô hình mới công ty mẹ - con và đã hoạt động khá suôn sẻ, ông có thể chia sẻ một số quan điểm và kinh nghiệm về tái cấu trúc doanh nghiệp?
- Hiện nay đang có rất nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề tái cấu trúc. Nhiều ý kiến cho rằng tái cấu trúc chỉ đơn giản là cổ phấn hóa, chuyển hình thức sở hữu. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chủ thể vốn không phải là vấn đề cốt lõi, không cứ là cứ phải cổ phần hóa rồi niêm yết cổ phiếu. Doanh nghiệp nhà nước cũng vẫn có thể khỏe mạnh nếu được áp dụng các cơ chế quản lý, giám sát tốt như áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, báo cáo xếp hạng doanh nghiệp, công khai hóa thông tin… Theo đó, vấn đề cốt lõi nhất của việc tái cấu trúc một doanh nghiệp là phải nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện đối với từng doanh nghiệp: Doanh nghiệp nào đang yếu cái gì, đang cần cái gì, sức mạnh là gì, thời cơ là gì, thách thức là gì.. để có giải pháp khác nhau với từng doanh nghiệp.
PV: Trong trường hợp cụ thể đối với PVI, công ty đã và sẽ tiếp tục làm những việc gì để tái cấu trúc và tăng sức mạnh doanh nghiệp?
- Đối với PVI, việc tái cấu trúc không phải bây giờ mới đặt ra mà chúng tôi đã làm từ rất lâu rồi, và đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Quan điểm của PVI là không chờ ốm yếu rồi mới đi viện mà luôn tập thể dục thể thao để luôn luôn khỏe mạnh. Khi đặt vấn đề chuyển mô hình sang công ty mẹ - con và phát triển thêm các mảng hoạt động mới như bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm… chúng tôi xác định: Để duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững thì cần phải mở rộng hệ thống kinh doanh, mở ra các nhân tốt mới để tạo thêm nguồn thu mới.
PV: Việc mở rộng không đơn giản nếu không có tiền, vậy PVI dựa vào nguồn lực tài chính nào thực hiện mở rộng?
- Việc mở rộng sẽ gắn với nhu cầu về vốn và chúng tôi đã có lời giải thông qua việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Talanx (Đức). PVI đã bán cho đối tác với thị giá gấp 2 lần giá giao dịch cổ phiếu PVI trên thị trường, qua đó tăng vốn điều lệ lên 2.100 tỷ, và vốn chủ đã lên tới 5.400 tỷ. Trong thời gian tới, PVI sẽ tiếp tục bàn thảo để bán tiếp cổ phần cho đối tác chiến lược.
PV: Tuy nhiên, việc mở rộng sang các lĩnh vực mới như tái bảo hiểm và bảo hiểm nhân thọ có dẫn đến sự phân tán sức mạnh?
- Nói là mở rộng, nhưng có những hoạt động chúng tôi đã hoạt động từ lâu và đã rất mạnh trên thị trường. Chẳng hạn, tái bảo hiểm trước đây vẫn là một trong những mảng mạnh nhất của PVI, doanh thu Ban tái bảo hiểm trong PVI trước đây đã đứng thứ nhì thị trường, chỉ sau có Vinare. Do đó, việc tách tái bảo hiểm ra thành công ty riêng chỉ là do thời điểm đã chín muồi, hoạt động này đã thực sự đủ vững để đứng độc lập. Với bảo hiểm nhân thọ, PVI cũng đã có nền tảng vững về thị trường, không nói đâu xa, riêng thị trường trong nội bộ Petro Vietnam với hơn 50 nghìn người cũng đã là một dư địa rất lớn. Hơn nữa, đối tác chiến lược của PVI là Tập đoàn Talanx cũng là doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài hoạt động cả nhân thọ và cả phi nhân thọ, theo đó họ cũng có điều kiện để hỗ trợ cả về kỹ thuật cũng như phát triển thị trường. Ngoài ra, chúng tôi không chỉ phát triển chiều rộng mà vẫn rất ý thức phát triển cả về chiều sâu. Theo đó, PVI vẫn thuê tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế vào đánh giá và hiện vẫn có hạng mức loại B+(Tốt), đồng thời chuyển đổi hệ thống kế toán chuẩn mực quốc tế, tiếp cận các mô hình quản trị quốc tế…