Hơn mười năm hình thành và phát triển, từ một công ty nhỏ với số vốn điều lệ 23 tỷ, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) đã trở thành thương hiệu mạnh, liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bảo hiểm về bảo hiểm công nghiệp. Dự kiến hết năm 2008, PVI sẽ vươn lên vị trí số 1 thị trường bảo hiểm Việt Nam về doanh thu.
Với số vốn chủ sở hữu đạt trên 2.500 tỷ đồng, giá trị DN đạt trên 5.000 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2009 PVI sẽ niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Singapore…
Đột phá
Tháng 10/2006, sau khi Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có Quyết định cổ phần hóa PVI, tháng 1/2007 (sau hơn 3 tháng tiến hành cổ phần hóa), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới, đánh dấu sự chuyển mình với những thành công vượt trội thông qua việc nắm bắt và phát huy tối đa các cơ hội kinh doanh, tăng giá trị tài sản cho chính mình.
Tháng 12/2006, khi PVI tiến hành IPO, thị trường đang ở vào giai đoạn biến động mạnh, các cổ đông do yếu tố thị trường đã mua cổ phiếu của PVI với giá cao gấp 16-17 lần. Sự kiện này giúp cho PVI có thể thu về cho nhà nước 2000 tỷ đồng (gấp 4 lần vốn điều lệ) nhưng mặt khác đã làm cho chính bản thân PVI “nghèo” đi vì ngoài việc phải nộp tiền thặng dư bán đấu giá cổ bán cổ phần về Tập đoàn, PVI phải nộp tiếp 200 tỷ đồng giá trị thương hiệu. Như vậy sau khi cổ phần hóa, vốn thực chất của PVI chỉ còn 300 tỷ đồng và người lao động được mua “ưu đãi” theo chế độ phải mua với giá gấp 10 lần mệnh giá. Đây là áp lực lớn lên ban Lãnh đạo PVI, nhưng với tầm nhìn chiến lược và khả năng “bắt mạch” đúng thị trường, trong ĐHĐCĐ lần thứ nhất, Ban lãnh đạo PVI và các cổ đông đã thống nhất tăng vốn lên 1000 tỷ đồng. Đây được coi là bước tiến “nhất cử lưỡng tiện” vừa giảm bớt áp lực từ phía cổ đông vừa huy động được nguồn vốn thặng dư. Thông qua tăng vốn với số thặng dư đạt trên 1000 tỷ đồng, PVI trở thành DN có vốn hóa đứng đầu thị trường bảo hiểm. Việc tính toán tăng Vốn điều lệ theo các bước hợp lý trong năm 2007 đã tạo ra sức mạnh tài chính, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của PVI.
Tháng 8/2007, PVI đã chính thức Niêm yết cổ phiếu tại HaSTC và luôn đứng trong Top dẫn đầu về số lượng giao dịch. Với chiến lược kinh doanh linh hoạt và tài chính vững mạnh, PVI cũng là doanh nghiệp có mức chi trả cổ tức cao trong số các doanh nghiệp đã niêm yết. PVI cam kết trả cổ tức với mức trên 15% trong 3 năm đầu (trong đó 7% là tiền mặt và 8% là cổ phiếu như vậy tương đương với mức khoảng 40% bằng tiền mặt). |
Hiện tại PVI chiếm khoảng 25% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ Việt nam. Liên tục trong nhiều năm, PVI luôn giữ vững vị trí đứng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm Công nghiệp. Các sản phẩm chủ chốt của PVI được đông đảo khách hàng tin tưởng, chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường là bảo hiểm năng lượng 99%; bảo hiểm hàng hải 50%; bảo hiểm xây dựng lắp đặt 65,87%, bảo hiểm tài sản thiệt hại 66,70%. |
Năm 2008, tuy nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều biến động phức tạp, thị trường tiền tệ, tài chính có nhiều ảnh hưởngnhưng với phương thức hoạt động chuyên nghiệp, PVI tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến 28/8/2008, doanh thu đạt trên 2.000 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu thị trường bảo hiểm Việt nam về tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh. Dự kiến đến hết năm 2008, PVI sẽ đạt doanh thu 2.600 tỷ đồng, dự kiến lợi nhuận đạt sấp xỉ 350 tỷ đồng. Sức mạnh của PVI còn thể hiện ở năng suất lao động. Tính trung bình doanh thu của PVI đạt 2,5 tỷ đồng/người/năm.
Theo ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT PVI: Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của PVI là Tập thể Lãnh đạo dự đoán được tình hình thị trường, nắm bắt được cơ hội kinh doanh mà chủ yếu là xây dựng và duy trì được uy tín với thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm quốc tế. PVI là DN duy nhất trên thị trường có hợp đồng Tái bảo hiểm năng lượng cố định tại London, đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Ngoài ra, PVI là DN Việt nam đầu tiên xuất khẩu dịch vụ bảo hiểm ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, tham gia bảo hiểm các công trình dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Angierie, Malaysia, Venezuela, Ecuado….
Nhưng quan trọng hơn, trong hoạt động cũng như định hướng phát triển, PVI luôn đặt yếu tố nhân lực lên vị trí quan trọng hàng đầu. PVI có các chính sách đào tạo hướng dẫn và hỗ trợ CBNV đồng thời cung cấp đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công việc và tạo môi trường làm việc lành mạnh, chuyên nghiệp, đoàn kết để CBNV có thể yên tâm làm việc và phát huy hết khả năng của mình. Hằng năm, TCty đều cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tại các nước như Anh, Mỹ, Thụy Sỹ, Hà Lan, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan,…về các nghiệp vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm, nhân sự, tài chính, đầu tư… Đặc biệt là công tác đào tạo, chuyển giao vị trí quản lý cấp cao. PVI có kế hoạch cụ thể, rõ ràng và tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển cho đội ngũ quản lý kế cận nhằm tạo sự ổn định và đảm bảo TCty luôn phát triển theo định hướng thống nhất, bền vững, tạo niềm tin với nhà đầu tư và các đối tác.
Vươn ra biển lớn
Để phát triển bền vững, những năm gần đây PVI đã có bước đi dài mang tính chiến lược như: Ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược trong đó có nội dung bảo hiểm dài hạn cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và nhiều Tập đoàn kinh tế cùng các TCty mạnh khác. Bên cạnh đó, PVI đã thành lập thêm các Công ty thành viên là PVI Đông Đô, PVI Bình Dương, PVI Sài Gòn, PVI Bến Thành, Công ty cổ phần kinh doanh Bất động sản PVI Invest, PVI Finance… PVI đã tiến hành góp vốn vào các dự án lớn và các công ty tài chính như Thuỷ điện Việt Lào, Công ty CP đầu tư Sao Mai Bến Đình, Công ty CP Tài chính Sông Đà, Tài chính Vinaconex, Nhà máy điện Việt Lào, Cảng Sao Mai- Bến Đình... Dự kiến hết năm 2008 PVI sẽ vươn lên vị trí đứng đầu thị trường Bảo hiểm Việt nam về doanh thu. Theo chiến lược phát triển, PVI sẽ xây dựng Tổng công ty trở thành một định chế Bảo hiểm - Tài chính mạnh trong Tập đoàn, đưa thương hiệu Bảo hiểm Dầu khí ra ngoài khu vực và thế giới.
Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT PVI cho biết : Nếu như năm 2007 được coi là năm đột phá để PVI tạo sức mạnh tài chính thì cuối năm 2008 và năm 2009 sẽ là cơ hội rất tốt để PVI sử dụng phát huy sức mạnh của mình và sẽ có sự phát triển đột biến. Bởi hiện tại và trong thời gian tới thị trường bất động sản, chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội đầu tư tốt, trong khi đó chúng tôi đang có khối lượng nguồn vốn lớn để đầu tư. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng phát triển mạnh mẽ của PVI trong những năm tiếp theo bởi chúng tôi nắm bắt được thời cơ, có ý tưởng, có đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính. Vì vậy, Hội đồng quản trị PVI đã phê chuẩn về mặt nguyên tắc sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu PVI vào cuối năm 2009 tại thị trường chứng khoán Singapore. Để tăng tính chuyên nghiệp của mình, hiện nay PVI đang hoàn thiện các thủ tục đánh giá xếp hạng quốc tế AM Best. Theo các kết quả đánh giá sơ bộ, PVI nhiều khả năng sẽ đạt được xếp hạng quốc tế 2A+. Đây được coi là bước tiến nhằm khẳng định vị thế thương hiệu PVI ở trên thị trường khu vực và quốc tế.