Hoàn thành vượt mức mọi chỉ tiêu kinh doanh
Cụ thể, về kết quả kinh doanh hợp nhất, tổng doanh thu hợp nhất của PVI ước đạt 8.953 tỷ đồng, hoàn thành 102,81% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 700 tỷ đồng, hoàn thành 121,10% kế hoạch năm.
Về kết quả kinh doanh Công ty mẹ, tổng doanh thu ước đạt 743 tỷ đồng, hoàn thành 125,16%. Ấn tượng hơn cả, lợi nhuận trước thuế ước đạt 475 tỷ đồng, hoàn thành 152,76% kế hoạch năm.
Với việc lợi nhuận về đích ngoạn mục, PVI dự kiến chi trả cổ tức 2017 ở mức tối thiểu 12% mà Đại hội đồng cổ đông giao phó.
Tại từng công ty thành viên trong hệ thống PVI cũng cho thấy sự phát triển đúng hướng.
Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục giữ vững và duy trì vị trí số 1 thị trường về bảo hiểm công nghiệp với việc là nhà cung cấp bảo hiểm cho hầu hết các dự án, công trình trọng điểm quốc gia và là đối tác của nhiều tập đoàn trong và ngoài nước như Samsung, Vietnam Airlines…
PVI tiếp tục thực hiện tốt vai trò quản lý rủi ro và cung cấp bảo hiểm cho mọi hoạt động, tài sản, con người trong và ngoài lĩnh vực dầu khí một cách an toàn, hiệu quả. Trong năm 2017, PVI đã tham gia bảo hiểm ở hầu khắp các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, các công trình trọng điểm quốc gia cũng như vươn ra bảo hiểm cho các Tập đoàn nước ngoài lớn đang hoạt động tại Việt Nam.
Mảng tái bảo hiểm cũng tiếp tục phát triển đúng định hướng, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch và thực hiện thu xếp hiệu quả các chương trình tái bảo hiểm cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Hoạt động đầu tư đã dần trở thành nguồn lợi chính cho toàn hệ thống, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh chung và gia tăng giá trị cho khối tài sản của PVI. Hệ thống quản trị minh bạch, tăng cường kiểm tra tuân thủ, quản trị rủi ro tiếp tục được xây dựng trong toàn hệ thống; thương hiệu của PVI tiếp tục được khẳng định và được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao…
Đáng chú ý, cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVI tiếp tục được đánh giá cao khi duy trì được xu hướng tăng khá bền vững, từ mức 23.560 đồng/cổ phiếu ngày 31/12/2016 đã tăng lên 32.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/12/2017 và đến ngày 10/01/2018 tiếp tục tăng lên 33.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng hơn 40%.
Theo lãnh đạo PVI, kết quả trên có được là nhờ một loạt các giải pháp về quản trị, tái cấu trúc trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường dịch vụ tài chính còn có những khó khăn nhất định.
“Đây là kết quả của việc PVI đi đúng đường và tái cấu trúc thành công. Chiến lược đầu tư đúng và mở rộng không gian kinh doanh sang các lĩnh vực bổ trợ cho bảo hiểm như: tái bảo hiểm, quản lý quỹ đầu tư... Đồng thời, khẳng định uy tín, năng lực và thương hiệu PVI trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp bảo hiểm trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI cho hay.
Bên cạnh kết quả ấn tượng về mặt con số, năm 2017 tiếp tục ghi nhận nỗ lực của PVI trong phát triển hệ thống quản trị minh bach, tăng cường kiểm tra tuân thủ, quản trị rủi ro trong hệ thống cũng như tiếp tục hoàn thiện và triển khai chiến lược quản lý và phát triển nguồn nhân lực toàn PVI giai đoạn 2016-2020. Theo đó, PVI luôn giữ thế chủ động và chuẩn bị triển khai thực hiện tái cơ cấu PVI theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tập đoàn và Chính phủ. Đây cũng là nền tảng cho việc định hướng phát triển kinh doanh năm 2018 của PVI.
Bên cạnh những kết quả tích cực, tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2017 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2018 vào cuối tháng 1/2017, lãnh đạo PVI Holdings cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện như: nguồn nhân lực; hệ thống quy trình, quy định để theo kịp sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh và mô hình quản trị hiện đại mà PVI đang áp dụng.
2018, chinh phục “đỉnh” mới
Theo lộ trình, giai đoạn 2017-2018 PVI sẽ thực hiện mục tiêu tái cấu trúc theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100% tiếp tục được xem xét, bởi hiện vẫn còn một số vướng mắc khách quan do điều kiện ngành nghề kinh doanh và lộ trình thoái vốn của nhà nước.
Theo Lãnh đạo PVI, việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng được nhìn nhận sẽ giúp PVI có cơ hội nâng hạng tín nhiệm. Đồng thời, với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư ngoại, việc mở rộng thị trường nước ngoài cũng sẽ thuận lợi hơn. Do đó, công tác tái cấu trúc kể trên sẽ là một trong những mục tiêu PVI sẽ phải sớm hoàn thành trong thời gian tới để tạo ra các lợi thế mới.
“PVI đã thành công trong việc chuyển hoá lợi thế là thành viên của PVN thành nguồn lực, sức mạnh. PVI cũng đã thiết lập được một tổ hợp cổ đông chiến lược gồm PVN, tập đoàn Talanx, OIF (Quỹ đầu tư chính phủ Oman) với tiềm lực tài chính mạnh. Nhưng để vượt qua thách thức, nắm bắt được cơ hội, bên cạnh lợi thế, nguồn lực đã có, PVI cần phải tiếp tục tạo ra các lợi thế mới dựa trên sức mạnh của đối tác đồng hành, nguồn nhân lực và năng lực quản trị, công nghệ… Qua đó, hiện thực hóa chiến lược tập trung cho hiệu quả hoạt động kinh doanh thay vì quá chú trọng phát triển doanh thu.” – Tổng giám đốc PVI, ông Bùi Vạn Thuận nhấn mạnh.
Bước sang năm 2018, quá trình hội nhập mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, đạc biệt là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường dịch vụ tài chính. Tuy nhiên với niềm tin, khát vọng và bản lĩnh vốn có, bên cạnh nền tảng vững chắc hiện tại, PVI tự tin sẽ chinh phục thành công những “đỉnh”mới.