Trong năm PVI thu về 935 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong đó có 423 tỷ đồng lãi tiền gửi, 283 tỷ đồng lãi đầu tư trái phiếu và 79 tỷ đồng lãi kinh doanh cổ phiếu.
CTCP PVI công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2022 trong đó ghi nhận riêng qúy 4 cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, tính riêng quý 4 tổng doanh thu đạt 3.448 tỷ đồng trong đó doanh thu thuần đạt 1.853 tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn cao hơn, đến gần 55% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 262 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính trong quý đi ngang, đạt 266 tỷ đồng. Doanh thu tài chính của PVI phần lớn đến từ thu lãi tiền gửi, đạt 105 tỷ đồng, từ lãi đầu tư trái phiếu, đạt hơn 90 tỷ đồng, từ lãi kinh doanh cổ phiếu, đạt hơn 20 tỷ đồng và lãi chênh lệch tỷ giá, đạt gần 48 tỷ đồng.
Trong khi đó chi phí tài chính tăng hơn gấp rưỡi lên 82 tỷ đồng. Chi phí tài chính của PVI chủ yếu từ lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí khác, còn chi phí lãi vay chỉ vài tỷ đồng.
Ngoài ra chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được gần 43% từ mức 323 tỷ đồng quý 4/2021 xuống còn 185 tỷ đồng quý 4 vừa qua. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh nhờ tiết giảm chi phí cho nhân viên.
Kết quả, PVI báo lãi trước thuế 262 tỷ đồng. lợi nhuận sau thuế đạt 174 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với số lãi 59 tỷ đồng đạt được quý 4/2021.
Lũy kế cả năm 2022 tổng doanh thu PVI đạt 13.383 tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tăng chi phí vốn cao hơn, đến 39% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.060 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Trong năm doanh thu tài chính đạt 935 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó riêng thu lãi tiền gửi đạt 423 tỷ đồng, lãi đầu tư trái phiếu 283 tỷ đồng, lãi kinh doanh cổ phiếu 79 tỷ đồng; lãi chênh lệch tỷ giá 115 tỷ đồng và nhận gần 35 tỷ đồng cổ tức.
Chi phí tài chính cũng tăng gần gấp đôi lên 232 tỷ đồng chủ yếu từ lỗ chênh lệch tỷ giá 136 tỷ đồng, từ chi phí lãi vay gần 16 tỷ đồng và từ các chi phí khác xấp xỉ 80 tỷ đồng.
Kết quả, PVI báo lãi trước thuế 1.109 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 877 tỷ đồng, tăng rất nhẹ so với số lãi 871 tỷ đồng đạt được năm 2021 nhưng cũng đủ để thiết lập một kỷ lục mới.
Báo cáo ghi nhận đến 31/12/2022 PVI còn hơn 1.400 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng 400 tỷ đồng so với thời điểm dầu năm. Trong đó công ty dành 1.300 tỷ đồng tiền gửi thanh toán, 105 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng (giảm gần 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm).
Ngoài ra các khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 8.000 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đối với các khoản đầu tư tài chính của PVI, giá trị chứng khoán kinh doanh đến 31/12/2022 còn hơn 1.672 tỷ đồng trong (đã trích lập dự phòng hơn 37 tỷ đồng), tăng hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra còn tiền gửi ngân hàng (tổng xấp xỉ 5.900 tỷ đồng) và đầu tư vào trái phiếu (tổng xấp xỉ 3.200 tỷ đồng).
Nguồn: Trang tin Người quan sát