Nhận diện, đánh giá chính xác các yếu tố rủi ro có thể xảy đến với doanh nghiệp để tổ chức quản trị hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực. Câu chuyện quản trị rủi ro tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là một minh chứng điển hình
Cuộc “khủng hoảng kép” do tác động của dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp đã giáng một đòn nặng nề vào thị trường dầu khí thế giới (lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch dầu thô quốc tế, giá dầu xuống mức -37,4 USD/thùng vào ngày 21-4-2020). Không ít tập đoàn, công ty dầu khí hùng mạnh cũng nhanh chóng phải thu hẹp quy mô, tái cấu trúc, cắt giảm lương, sa thải công nhân... để giảm chi phí, trong đó có Shell, BP, Chevron...
Bức tranh kinh tế toàn cầu càng ảm đạm, u ám hơn bao giờ hết khi những hậu quả của đại dịch Covid-19 kéo dài sang năm 2021-2022 được “cộng hưởng” với sự gia tăng bất ổn địa chính trị, kinh tế tại nhiều khu vực, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa bị gián đoạn, đứt gãy, do các lệnh giãn cách, phong tỏa trên diện rộng để phòng chống dịch. Nhu cầu thị trường liên tục lao dốc. Tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nước suy giảm nhanh chóng, thậm chí rơi vào mức tăng trưởng âm.
Bối cảnh kinh tế trong nước cũng hết sức khó khăn. Dòng chảy lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, nhu cầu yếu, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản, trong đó có cả những doanh nghiệp nhà nước, phải cầu cứu sự hỗ trợ từ Chính phủ...
Với Petrovietnam, khó khăn, thách thức còn lớn hơn gấp bội khi nhu cầu thị trường các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như xăng, dầu, điện, đạm khí... liên tục sụt giảm; hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động dầu khí còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa được tháo gỡ kịp thời; các mỏ dầu chủ lực trên đà suy giảm sản lượng tự nhiên 10-15%/năm; tiềm năng, trữ lượng dầu khí ở vùng nước nông không còn nhiều, chủ yếu là các mỏ nhỏ, mỏ cận biên...
Tuy nhiên, Petrovietnam không “gục ngã”.
Một trong những yếu tố then chốt, nền tảng giúp Petrovietnam vững vàng trước sóng gió, duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, chính là công tác quản trị, trong đó quản trị rủi ro giữ vai trò quyết định. Quản trị rủi ro tại doanh nghiệp là việc đưa ra các dự báo chính xác nhất về các vấn đề, sự kiện, tình huống không mong muốn có thể xảy ra đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tại Petrovietnam, như đã đề cập ở trên, những yếu tố rủi ro mà Tập đoàn phải đối diện đó là dịch Covid-19 làm đảo lộn các chuỗi cung ứng, sản xuất; là giá dầu xuống thấp; là biến động tỷ giá, lạm phát; bất ổn địa chính trị giữa các cường quốc; là các vấn đề về pháp lý… Công tác quản trị rủi ro những năm qua tại Petrovietnam đặt ra những khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều. Vậy nên, tạo thế chủ động trong bối cảnh thị trường đầy biến động có thể nói là thành quả lớn nhất trong quản trị rủi ro của Petrovietnam.
Từ cuối năm 2019, khi những dấu hiệu về một cuộc suy thoái kinh tế xuất hiện ngày càng rõ, lãnh đạo Petrovietnam, trực tiếp là Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã có nhiều cuộc họp, làm việc với các đơn vị thành viên để thảo luận, đánh giá và đưa ra các dự báo, kịch bản ứng phó, kể cả những kịch bản cho tình huống xấu nhất. Yêu cầu tiên quyết được Tổng giám đốc Petrovietnam đặt ra là phải tăng cường dự báo, nhận diện và đánh giá chính xác những rủi ro để từ đó có các kịch bản, giải pháp ứng phó, cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn, trên cơ sở kế hoạch được giao, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để tìm cách tháo gỡ, bảo đảm thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, thậm chí cao hơn, áp lực hơn.
Bởi vậy, ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát, làm gián đoạn các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa toàn cầu vào những tháng đầu năm 2020, Petrovietnam đã chủ động triển khai gói giải pháp đồng bộ, ứng phó kịp thời với “khủng hoảng kép”. Petrovietnam cùng các đơn vị thành viên đã triển khai quyết liệt việc tiết giảm chi phí, đi cùng với đó là một loạt các giải pháp “thắt lưng buộc bụng”; tăng cường quản trị, tối ưu nguồn lực; tập trung rà soát, cắt giảm chi phí nhằm tiết giảm đồng bộ với giảm doanh thu, kể cả giảm thu nhập cá nhân từ lãnh đạo đến người lao động...
Công tác quản trị rủi ro tiếp tục được Petrovietnam tăng cường trong các năm 2021, 2022. Các cuộc giao ban giữa Tổng giám đốc Petrovietnam với Tổng giám đốc các đơn vị thành viên được tổ chức thường kỳ hằng tháng, trở thành một nét riêng trong công tác điều hành của Petrovietnam. Tại đây, ngoài việc báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, một trong những nội dung đặc biệt được chú trọng là thảo luận, đánh giá các yếu tố thị trường để đưa ra các dự báo, xây dựng kịch bản, giải pháp ứng phó. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động cũng được phân tích, mổ xẻ và đưa ra giải pháp tháo gỡ...
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện được Petrovietnam đặc biệt chú trọng, hằng tuần, hằng tháng đều có đánh giá về tiến độ thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong quản trị rủi ro cũng như việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, từ tháng 10-2021, từ yêu cầu của thực tiễn và nhằm ứng phó hiệu quả hơn nữa trước những biến động của thị trường, Petrovietnam đã thành lập Tổ quản lý rủi ro (QLRR). Tổ QLRR của Petrovietnam có nhiệm vụ là đầu mối phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Đề án quản trị rủi ro của Petrovietnam, trong đó bao gồm quy chế QLRR trình HĐTV phê duyệt; giám sát việc QLRR và thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý rủi ro của các ban, văn phòng Tập đoàn; điều phối, hỗ trợ các chức năng QTRR giữa các ban, văn phòng Tập đoàn khi có phát sinh…
Nhận diện được các yếu tố rủi ro và tổ chức quản trị rủi ro hiệu quả, nhờ đó, Petrovietnam đã luôn giữ được tâm thế vững vàng để xuất sắc “ngược dòng” duy trì đà tăng trưởng và bứt phá trong giai đoạn 2020-2022. Nổi bật là năm 2021, khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là đợt phong tỏa kéo dài tại 21 tỉnh phía Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như xăng, dầu, khí, điện, đạm..., Petrovietnam vẫn đạt tổng doanh thu trên 640 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 112,5 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất xấp xỉ 52 nghìn tỉ đồng, cao nhất từ năm 2015 đến nay.
Và đặc biệt là năm 2022, với sự chủ động, linh hoạt trong quản trị, điều hành với phương châm “Quản trị biến động - Đón đầu xu hướng - Kết nối nguồn lực - Phát huy công nghệ - Thúc đẩy đầu tư - Phát triển bền vững”, Petrovietnam đã có sự bứt phá ngoạn mục. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2022 ước thực hiện đạt 925 nghìn tỉ đồng, vượt 66% kế hoạch cả năm và tăng 47% so với năm 2021; nộp NSNN ước đạt 145,4 nghìn tỉ đồng, vượt 2,3 lần kế hoạch năm 2022 và tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021 (112,5 nghìn tỉ đồng).
Với mô hình quản trị rủi ro ngày càng hoàn thiện theo hướng “tương lai sẽ là lực kéo, hiện tại và quá khứ là lực đẩy”, Petrovietnam sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trong năm 2023 - năm được dự báo đầy khó khăn, thách thức.
Thanh Ngọc