Hợp đồng dầu khí là văn bản pháp lý gắn liền với quá trình triển khai hoạt động dầu khí, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư. Việc nghiên cứu, hoàn thiện các điều khoản kinh tế - thương mại của hợp đồng dầu khí và các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan là hết sức quan trọng để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Tiếp tục rà soát, làm rõ các quy định về hợp đồng dầu khí
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí năm 2022 do Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) phối hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức trong tháng 2/2023 vừa qua, một trong các vấn đề được các chuyên gia, nhà thầu dầu khí quan tâm thảo luận, đó là tình trạng hoạt động cầm chừng tại các Lô 01&02, Lô 01/97&02/97.
Ông Hoàng Xuân Dương - Phó Tổng giám đốc PVEP cho biết, PVEP được giao nhiệm vụ tiếp nhận điều hành các Lô 01&02, Lô 01/97&02/97 sau khi được các nhà thầu nước ngoài hoàn trả lại do hết thời hạn hợp đồng PSC. Tuy nhiên, sau nhiều năm PVEP vẫn chưa thể đầu tư đẩy mạnh thăm dò, tận khai thác các lô này bởi chưa có khung pháp lý phù hợp. Việc duy trì hoạt động dầu khí trong điều kiện thiếu khung pháp lý dẫn đến hoạt động khai thác luôn trong tình trạng thụ động, không tận dụng được những lợi thế của thị trường do không xác định được cụ thể về khoảng thời gian duy trì hoạt động; điều này gây lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên của đất nước. Vấn đề này cũng cho thấy còn tồn tại một số “lỗ hổng” trong việc quy định về kế hoạch xử lý các mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí sau khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn.
Theo ý kiến từ phía các chuyên gia của PVEP, trong lần soạn thảo này, Nghị định cần quy định rõ các việc phải làm trong khoảng thời gian 2 năm trước khi kết thúc hợp đồng dầu khí, cũng như khoảng thời gian 2 năm Petrovietnam tiếp nhận để chờ tìm được đối tác ký hợp đồng mới. Đề xuất được đưa ra là: Chính phủ sẽ có tối đa một năm để thực hiện việc phê duyệt đề xuất ký mới hợp đồng dầu khí, để nếu không cho gia hạn hoặc ký mới thì Nhà thầu còn có thời gian để chuẩn bị thu dọn mỏ hoặc Petrovietnam cũng có cơ sở để trình phương án tiếp nhận mỏ; Chính phủ có khoảng thời gian 3 tháng để xem xét đề xuất của Petrovietnam (hủy mỏ hoặc tiếp tục tận thu và cơ chế hoạt động, tài chính, hạch toán cho hoạt động tận thu...). Trong trường hợp quyết định tiếp nhận và tìm kiếm đối tác ký hợp đồng mới, nếu sau một năm không tìm được đối tác thì Petrovietnam cần chuẩn bị phương án để chuyển sang cơ chế tận thu, đảm bảo rằng vào thời điểm 2 năm sau ngày tiếp nhận là có sẵn cơ chế đã được phê duyệt. Như vậy sẽ tránh được tình trạng không có hợp đồng/khung pháp lý cụ thể trong thời gian quá dài như trường hợp các Lô 01&02, Lô 01/97&02/97 hiện nay.
Tại hội thảo, đại diện các nhà thầu, nhà điều hành như Idemitsu Gas, Exxon Mobil, Rosnef, JVPC… cũng đề cập đến vấn đề chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí và cấp giấy đăng ký chứng nhận đầu tư điều chỉnh, các quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan đến thay đổi tên, thay đổi thông tin Nhà thầu, Người điều hành (NĐH)… Theo đánh giá, hồ sơ dự án dầu khí thường bị xử lý chậm xuất phát từ việc câu chữ trong các quy định về quy trình và hồ sơ thuế chưa rõ ràng.
Hiện nay Nhà thầu đang tự khai Tờ khai thuế trong hồ sơ chuyển nhượng công ty mẹ trên nhiều cấp, nhưng trong các luật thuế tương ứng không có quy định khung thời gian giới hạn để hậu kiểm thuế. Trong khi đó, hồ sơ thay đổi thông tin Nhà thầu theo Luật Dầu khí lại bị giới hạn thời gian trình báo cáo kết quả thẩm định. Vì vậy, dự thảo Nghị định cần đưa ra các căn cứ cụ thể chứng minh trách nhiệm thuế của nhà thầu, trên cơ sở đó thay đổi các câu chữ phù hợp, mang tính khả thi, tránh tình trạng quy định chung chung, khó thực hiện.
Một khó khăn khác mà nhiều nhà thầu nước ngoài gặp phải, đó là thời gian hoạt động của các văn phòng điều hành tại Việt Nam có thời hạn cùng với thời hạn hợp đồng PSC, trong khi họ có thể phải thực hiện hoạt động thu dọn công trình dầu khí sau thời điểm kết thúc hợp đồng, nếu việc tiếp tục duy trì hoạt động khai thác được đánh giá là không có lợi. Điều này khiến các Nhà thầu không có đủ thời gian hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng và pháp luật về dầu khí. Do vậy, các nhà thầu đề xuất dự thảo Nghị định cần có quy định mở hơn về thời hạn hoạt động các văn phòng điều hành, không chỉ dừng ở thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí.
Về cơ chế tài chính điều hành hoạt động dầu khí cho các trường hợp chờ ký hợp đồng dầu khí mới sau khi tiếp nhận mỏ từ nhà thầu cũng được đề xuất nên áp dụng tương tự cơ chế điều hành như đối với hoạt động dầu khí. Hơn nữa, việc hạch toán kết quả hoạt động trong giai đoạn này cần được quy định rõ ràng: hiệu lực của hợp đồng dầu khí mới ký có được hồi tố hay không; nếu không được hồi tố thì phần kết quả hoạt động khai thác giai đoạn này sẽ được hạch toán như thế nào; việc đầu tư bổ sung sẽ được xác định ra sao; giá trị pháp lý của các tài sản tiếp nhận như thế nào… Ngoài ra, các trường hợp đề xuất gia hạn Hợp đồng PSC, đề xuất ký mới PSC cũng cần được bổ sung hướng dẫn các nội dung chính tối thiểu để áp dụng thống nhất cho các Nhà thầu.
Các vấn đề liên quan đến hợp đồng mẫu
Theo đánh giá của TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (VPA), mẫu hợp đồng PSC hiện nay vẫn còn khá mở, lại đàm phán sau khi đã chọn nhà thầu dẫn đến khó thống nhất, kéo dài thời gian. Để giải quyết vấn đề này, VPA đề xuất, hợp đồng mẫu ban hành kèm theo Nghị định là mở nhưng đối với mỗi lô/hồ sơ mời thầu là cố định (sau khi đã thống nhất, phê duyệt), tránh tình trạng mỗi nhà thầu đề xuất một kiểu, lan man, khó đàm phán, thống nhất. Các quy định về tiêu chí lựa chọn nhà thầu, phương pháp đánh giá hồ sơ, quy trình đánh giá hồ sơ, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, quy trình phê duyệt nội dung hợp đồng cần được xem xét rút ngắn trên cơ sở “áp đặt” hợp đồng mẫu, tránh phức tạp hóa quy trình lựa chọn nhà thầu cũng như thời gian để lựa chọn nhà thầu bị kéo dài.
Đối với các điều khoản quy định trong hợp đồng mẫu, các chuyên gia của VPA cho rằng cần bổ sung, làm rõ một số khái niệm như “chi phí hoạt động dầu khí vì mục đích thu hồi” phải bao gồm cả các chi phí để mua vật tư dự phòng theo phương án khoan đã được phê duyệt; “diện tích hợp đồng” cần phản ánh cả trường hợp Nhà thầu được mở rộng diện tích hợp đồng theo quy định của pháp luật về dầu khí và hợp đồng; bổ sung quy định về việc Nhà thầu phải xây dựng Chương trình tìm kiếm thăm dò sau một khoảng thời gian nhất định kể từ khi hợp đồng dầu khí có hiệu lực trình Petrovietnam phê duyệt để phù hợp với quy định tại Điều 45 của Luật Dầu khí.
Vấn đề thuế thu nhập liên quan đến việc tiếp nhận quyền lợi tham gia trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò của các nhà thầu khác mà không phải trả phí cũng cần phải được làm rõ hơn, không chỉ quy định trong PSC mà phải có quy định cụ thể trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, các điều khoản về “luật áp dụng” và quy định về “bảo hiểm” trong hợp đồng mẫu cũng cần được rà soát, hiệu chỉnh sao cho phù hợp với các điều khoản đã quy định trong Luật Dầu khí.
Dự báo với cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua Luật Dầu khí 2022, sắp tới sẽ có thêm nhiều hợp đồng PSC được ký kết để triển khai các đề án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ mới, đặc biệt ở những khu vực nước sâu xa bờ với nhiều tiềm năng dầu khí, đáp ứng chiến lược dài hạn của ngành Dầu khí Việt Nam. Theo TS Đinh Văn Sơn, nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Dầu khí Việt Nam, “Nghị định hướng dẫn đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với Luật Dầu khí mà các luật khác cũng vậy, bởi đây chính là công cụ để luật có thể đi vào thực tiễn. Nếu chúng ta không làm tốt các công tác để có một nghị định hướng dẫn chi tiết, chất lượng, sẽ dẫn đến bế tắc trong quá trình triển khai thực hiện”./.
Tr.L