Góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng nên cân nhắc chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp Nhà nước, không nên mở rộng đối tượng đối với công ty con sở hữu trên 50% vốn doanh nghiệp Nhà nước.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm
Liên quan đến vấn đề này, PetroTimes có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm.
Phóng viên: Theo tờ trình của Chính phủ, chỉ quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Theo Tờ trình nêu trên thì tất cả các dự án đầu tư của DNNN đều phải đấu thầu. Quy định này siết chặt hơn đối với các DNNN khi thực hiện các dự án đầu tư, góp phần tạo ra sự công bằng, minh bạch, hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn của DNNN tránh thất thoát, đảm bảo sự cạnh tranh, và ngăn chặn những hành vi tham nhũng, lợi ích cá nhân…
Phóng viên: Việc thu hẹp đối tượng dự án dùng vốn nhà nước phải đấu thầu, điều này có lợi như thế nào đối với các DNNN?
Luật sư Trương Anh Tú: Việc bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành đã thu hẹp đối tượng dự án dùng vốn nhà nước phải đầu thầu. Tôi đánh giá việc bỏ quy định này là điểm đột phá trong dự thảo. Hiện nay chúng ta đang phát triển theo xu hướng kinh tế thị trường, nên phải đảm bảo một cơ chế cạnh tranh bình đẳng và ổn định đối với tất cả các thành phần kinh tế. Do đó, loại bỏ quy định trên giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước (mà không phải DNNN) được chủ động hơn trong việc đầu tư dự án, góp phần tạo nên quyền chủ động quyết định cho các tổ chức, cá nhân khác có tham gia góp vốn cùng nhà nước, họ không bị ràng buộc bởi những quy định áp dụng đối với vốn nhà nước như trước đây. Đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và các tổ chức cá nhân khác trong cùng “sân chơi kinh tế”.
Phóng viên: Nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN khác… sẽ không phải đấu thầu. Theo luật sư, có nên mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu với đối tượng là công ty con có trên 50% vốn của DNNN? Vì sao?
Luật sư Trương Anh Tú: Quan điểm của tôi “không cần mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu với đối tượng là công ty con có trên 50% vốn của DNNN”. Mặc dù sẽ có những rủi ro xảy ra trong hoạt động quản lý vốn của DNNN tại các Công ty con. Nhưng việc quy định mở rộng nêu trên sẽ cản trở rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của các Công ty con, lại một lần nữa họ phải chịu ràng buộc, phụ thuộc vì có “gắn mác DNNN”, không được chủ động, tự quyết định… Đồng thời việc “không cần quy định mở rộng” góp phần buộc các DNNN phải rà soát cần nhắc trong việc đầu tư mở các Công ty con sao cho hiệu quả, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, đúng luật.
Mặt khác, Công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN có nguồn vốn đầu tư là từ Công ty mẹ, Tổng Công ty, DNNN (không thuộc vốn từ ngân sách hoặc các quỹ do nhà nước quản lý theo quy định Luật quản lý, sử dụng tài sản công) nên không cần thiết phải đưa vào là đối tượng đấu thầu.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thu hẹp phạm vi các gói thầu mà chủ đầu tư là các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần, các dự án có vốn nhà nước phải thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật. Điều này sẽ làm tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp và cũng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước (thông qua số cổ phần/tỷ lệ biểu quyết tại doanh nghiệp cổ phần) với các cổ đông, nhà đầu tư tư nhân… Luật sư nghĩ sao về ý kiến này?
Luật sư Trương Anh Tú: Tôi cho rằng ý trên là hoàn toàn phù hợp, bởi những doanh nghiệp có vốn nhà nước (mà không phải là DNNN) còn có vốn góp của tổ chức, cá nhân khác. Tỷ lệ vốn góp của họ cao hơn tỷ lệ vốn góp của nhà nước nên cần có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho họ thay vì ràng buộc họ theo những quy định áp đặt đối với nhà nước. Việc thu hẹp phạm vi sẽ tạo tính chủ động hơn cho doanh nghiệp, hài hoà lợi ích giữa nhà nước với các nhà đầu tư khác, đảm bảo đúng tinh thần của Luật doanh nghiệp về quyền quyết định, quyền biểu quyết giữa các thành viên góp vốn. Đồng thời, điều này cũng giảm thiểu sự ràng buộc, trì trệ phải phụ thuộc vào nhà nước, hạn chế được những rủi ro pháp lý cho những người điều hành quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Phóng viên: Để tránh sự chồng chéo trong quá trình áp dụng pháp luật, đảm bảo tính thực thi và hiệu quả của Luật Dầu khí vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nên chăng trong Luật Đấu thầu phải có quy định về việc áp dụng Luật Dầu khí đối với vấn đề liên quan đến hoạt động dầu khí và đã được quy định trong Luật Dầu khí?
Luật sư Trương Anh Tú: Liên quan đến vấn đề tránh chồng chéo trong quá trình áp dụng pháp luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Đấu thầu và Luật Dầu khí trong lĩnh vực Dầu khí thì có nhiều phương án như: dự thảo luật đầu thầu thiết kế các quy định phù hợp, thống nhất với Luật Dầu khí hoặc trong dự thảo có thể dẫn chiếu đến các quy định của luật khác có liên quan.
Xin cảm ơn Luật sư!
Thu hẹp đối tượng áp dụng để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định "DNNN là NN nắm giữ 100% vốn điều lệ". Đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã mở rộng đối tượng, theo đó DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, việc quy định phạm vi điều chỉnh đối với dự án đầu tư của DNNN như Tờ trình của Chính phủ là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Đấu thầu hiện tại.Nếu mở rộng đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN sẽ là mở rộng phạm vi điều chỉnh nhiều so với luật hiện hành và như vậy, thì không bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, lợi ích nhà nước cần được bảo vệ, nhưng cũng phải cân bằng với sự linh hoạt của hoạt động sản xuất, kinh doanh và phù hợp thực tiễn.
Xét về mặt lợi ích cần bảo vệ thì trong rất nhiều trường hợp, khi công ty con có sở hữu trên 50% vốn của DNNN thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân khác là khá tương đương nhau. Bản thân các nhà đầu tư tư nhân cũng sẽ có những cơ chế bảo vệ lợi ích phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, thậm chí trong một số trường hợp, cơ chế bảo vệ lợi ích của họ tốt không kém hoặc là tốt hơn, đại biểu nhận xét.
Ngoài ra, đại biểu đánh giá, hiện nay ở nhiều DNNN nắm một phần vốn điều lệ cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa đảm bảo sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp, không nhất thiết phải áp dụng một quy trình cứng nhắc mà theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và cổ đông.
Do đó, đại biểu cho rằng không nên mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu với đối tượng là công ty con có trên 50% vốn của DNNN.