Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Trong đó, có 10 điểm mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động dầu khí.
Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 có 10 điểm mới với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, kỳ vọng sẽ tạo ra động lực về thể chế giúp ngành Dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nói riêng đẩy mạnh các hoạt động khai thác, thăm dò, tìm kiếm, đưa ngành Dầu khí phát triển mạnh mẽ, bền vững.
1. Bổ sung chính sách đối với hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí
Hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Đây là hoạt động rất quan trọng, do nhà nước thống nhất quản lý.
Điều tra cơ bản về dầu khí phải đi trước một bước để làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Dầu khí, định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí nhất là tại các khu vực tiềm năng, các khu vực nước sâu, xa bờ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế.
2. Bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư
Hợp đồng dầu khí là một định chế quan trọng của Luật Dầu khí, đây là văn bản pháp lý gắn liền với quá trình triển khai hoạt động dầu khí, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí.
Trong điều kiện tài nguyên dầu khí ngày càng cạn kiệt, nhiều mỏ dầu khí có quy mô nhỏ, cận biên (mỏ không thể phát triển khai thác để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư với các điều kiện kinh tế, kỹ thuật, công nghệ hiện tại), Việt Nam đã thay đổi các điều khoản tài chính của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (Production Sharing Contract - PSC) theo hướng khuyến khích đầu tư (tăng thu hồi chi phí, chia dầu khí lãi, giảm thuế cho nhà đầu tư) hoặc ban hành các hình thức hợp đồng dầu khí khác ngoài hợp đồng PSC để tăng cường thu hút đầu tư.
3. Bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí
Các nội dung này được quy định nhằm thể hiện tính đặc thù của hoạt động dầu khí theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, đồng thời bảo đảm tính tương thích với pháp luật có liên quan (xây dựng, đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường...) nhất là đối với các dự án dầu khí có hạng mục xây dựng trên đất liền.
4. Bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí đồng bộ theo chuỗi
Trong quá trình lập kế hoạch phát triển mỏ đại cương, Petrovietnam cần trình Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ.
Trường hợp dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ có liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, đất đai (nếu có) thì cần có Quốc hội quyết định chủ trương hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương (theo thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước) trước khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt.
5. Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí
Việt Nam đang đứng trước một thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh (từ năm 2015 đến năm 2019 mỗi năm chỉ có 1 hợp đồng dầu khí được ký; năm 2020 và năm 2021 không có hợp đồng dầu khí nào được ký). Nguyên nhân khách quan do các phát hiện mới ở Việt Nam trong thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, các diện tích mở còn lại đều được đánh giá có tiềm năng ở mức hạn chế, chủ yếu là khí, tập trung ở khu vực thuộc đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí.
Bởi vậy, việc đánh giá đúng hiện trạng của các điều khoản kinh tế - thương mại của hợp đồng dầu khí và hệ thống các văn bản pháp lý so với các nước trong khu vực là hết sức cần thiết để xây dựng được chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.
6. Bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước
Chính sách khai thác mỏ dầu khí tận thu (lô, mỏ đã khai thác nhưng hiện giảm sản lượng, nhà đầu tư kết thúc hợp đồng sớm hoặc hết hạn hợp đồng) là chính sách mới với nhiều nội dung mang tính đột phá. Đây cũng là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều lô, mỏ dầu sẽ ở giai đoạn cuối đời khai thác, chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.
7. Bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí
Việc bổ sung quy định nguyên tắc về công tác kế toán, kiểm toán đối với hoạt động dầu khí sẽ phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
8. Tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Petrovietnam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí
Việc tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra giám sát, Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 đã bổ sung quy định về phân cấp cho Petrovietnam phê duyệt.
9. Quy định rõ chức năng, quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam
Nhằm phân định rõ hai vai trò chính của Petrovietnam là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu, Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 đã bổ sung Chương IX về chức năng, quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
10. Cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có
Từ phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí số 12/2022/QH15, có thể thấy, trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, sẽ có nhiều dự án dầu khí trọng điểm và tận thu ngoài khơi sẽ được phát triển đồng bộ, làm đòn bẩy tăng trưởng cho toàn ngành Dầu khí. Petrovietnam cần xem xét cân đối, điều chỉnh các định hướng chiến lược phù hợp với nội dung của Luật nhằm thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí và phát triển, khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng, sản lượng dầu khí, duy trì chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước.
Theo tapchicongthuong.vn