(ĐTCK) Cuộc đua Top 10 phi nhân thọ luôn sôi động, thời gian tới có thể gay gắt hơn khi có diễn biến mới.
Thị trường đang chờ đón các động thái mới của Bảo hiểm DB (Hàn Quốc) sau khi chính thức nắm giữ 75% vốn điều lệ tại Bảo hiểm Hàng không (VNI) và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), cùng lúc sở hữu 37% vốn điều lệ tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI) - doanh nghiệp có thị phần đứng thứ 3 thị trường. Đây là câu chuyện chưa từng có tiền lệ trên thị trường bảo hiểm Việt Nam khi một công ty bảo hiểm nước ngoài cùng lúc nắm giữ lượng lớn cổ phần ở 3 công ty bảo hiểm thuộc Top 10.
Một số chuyên gia về bảo hiểm nhận định, động thái này có thể làm thay đổi sự cạnh tranh trên thị trường do DB sẽ xây dựng VNI và BSH tăng trưởng mạnh mẽ như đã thành công với PTI. Thậm chí, với lợi thế cổ đông nắm quyền chi phối, các chính sách phát triển cho VNI và BSH sẽ rõ nét hơn tại PTI trước đây.
Ngay trong nội bộ của PTI cũng có những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Tại đại hội cổ đông vào cuối tháng 6/2023, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT PTI đặt vấn đề với DB về việc sở hữu chi phối cùng lúc 2 công ty bảo hiểm là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, trong khi vẫn nắm giữ lượng lớn cổ phần PTI liệu có phù hợp?
“Nếu tin tưởng vào đầu tư dài hạn tại PTI thì DB nên giảm cổ phần sở hữu tại PTI xuống, chứ không thể vừa sở hữu 37% cổ phần PTI, vừa nắm giữ 75% cổ phần tại 2 VNI và BSH”, bà Hương nói.
Trả lời câu hỏi này, ông Park Ki Hyun - Thành viên HĐQT PTI, đại diện phần vốn của DB tại PTI cho biết, DB là công ty bảo hiểm có lịch sử lâu đời tại Hàn Quốc và đầu tư vào nhiều thị trường khác trên thế giới, như ở Trung Quốc, DB đang đầu tư vào nhiều công ty bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khác nhau. Đây là chiến lược đã được hoạch định sẵn tại các thị trường nước ngoài. Trong khi đó, 2 công ty bảo hiểm DB có kế hoạch mua cổ phần là VNI và BSH có thị phần còn thua xa PTI. Đại diện DB cũng nhấn mạnh lại, PTI là mối ưu tiên hàng đầu của DB tại Việt Nam.
Được biết, kết thúc năm 2022, thị phần doanh thu Top 10 không có nhiều biến động. Bảo hiểm PVI đã vượt qua Bảo hiểm Bảo Việt với mức chênh lệch doanh thu chỉ hơn 100 tỷ đồng.
Trong khi đó, PTI vững vàng ở vị trí thứ 3 vài năm qua với khoảng cách khá an toàn so với vị trí thứ 4 của Bảo hiểm Bảo Minh (hiện cách nhau khoảng 1.000 tỷ đồng). Dẫu vậy, với sự thay đổi trong định hướng kinh doanh, không đẩy mạnh doanh thu như giai đoạn trước, PTI đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu và đây là cơ hội để Bảo Minh vươn lên, cho dù không dễ dàng.
Bảo hiểm Quân đội (MIC) đang giữ vị trí thứ 5 và đặt mục tiêu lọt vào Top 4 trong năm nay với kế hoạch doanh thu tăng trưởng 17% và lợi nhuận tăng trưởng 75%. Ở vị trí thứ 6, quyết tâm trở lại Top 5 của Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đang gặp không ít thử thách bởi trước tiên là khoảng cách hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu so với MIC, chưa kể Bảo hiểm BIDV (BIC) cũng đang “phả hơi nóng” ngay phía sau. Dù vẫn sôi động, nhưng đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, cạnh tranh thị phần Top 10 sẽ chưa có thay đổi lớn trong năm 2023.
Trở lại mối quan hệ “tay ba” giữa DB với PTI, VNI và BSH, như đã nói ở trên, PTI đang vững vàng ở vị trí thứ 3 về thị phần, trong khi VNI và BSH đều có doanh thu chưa quá lớn (tổng doanh thu chưa bằng PTI), nên việc thay đổi chiến lược kinh doanh sẽ chưa có nhiều tác động trong ngắn hạn. Hơn nữa, chưa biết DB sẽ có chính sách như thế nào với 2 công ty này. Trường hợp DB sáp nhập 2 công ty thành một thì sẽ tạo ra một doanh nghiệp lớn thứ 4 (theo số liệu năm 2022) và có thể sẽ tác động lên thị trường, đặc biệt là gia tăng cạnh tranh về bảo hiểm ô tô - nghiệp vụ 2 doanh nghiệp này đang chú trọng phát triển. Ngược lại, nếu không sáp nhập thì sẽ chưa thể làm tăng sức nóng cho thị trường .
Được biết, năm 2023, BSH đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc 3.700 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước, xếp hạng thị phần thứ 9, còn VNI đặt mục tiêu giữ vững vị trí thứ 10 về thị phần trong năm nay với doanh thu 2.795 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2023, PTI lên kế hoạch đạt 5.730 tỷ đồng doanh thu, giảm 8,6% so với thực hiện năm 2022 (6.266 tỷ đồng).
Dù thị phần được cho là chưa có nhiều biến động, nhưng đối với việc phát triển nghiệp vụ, cạnh tranh về bảo hiểm xe cơ giới được dự báo ngày một khốc liệt không chỉ với ba doanh nghiệp kể trên, mà trên bình diện toàn thị trường khi nhiều doanh nghiệp khác đang gia tăng đầu tư cho mảng này.
Đơn cử, Bảo hiểm OPES đã phối hợp với PJICO triển khai bảo hiểm ô tô cho khách hàng VPBank, Bảo hiểm TCI đang đẩy mạnh nghiệp vụ này để tận dụng lợi thế về dữ liệu hệ thống thanh toán phí đường bộ tự động (VETC)… Dù quy mô còn khá nhỏ, nhưng chiến lược đầu tư mạnh mẽ của những doanh nghiệp này sẽ khiến sự cạnh tranh trên thị trường trở nên gay gắt hơn.
Nguồn: VnEconomy
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-phan-top-10-phi-nhan-tho-chuan-bi-thay-doi-post326392.html