Từ đầu năm tới nay, trong tình hình khó khăn nhiều hơn thuận lợi bao trùm nền kinh tế, tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 8 với thủ trưởng các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh Tập đoàn tiếp tục kiên định và nỗ lực cho mục tiêu quản trị đặt ra từ đầu năm, đồng hành cùng với Chính phủ và các Bộ ngành góp phần thực hiện mục tiêu trưởng kinh tế của đất nước năm 2023.
Duy trì nhịp độ cao trong hoạt động SXKD
Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều thách thức hơn cơ hội, các chỉ số kinh tế toàn cầu tháng 7/2023 tiếp tục phản ánh hoạt động sản xuất và thương mại giảm sút trên diện rộng với tính biến động và gián đoạn cao. Đáng chú ý, đầu tháng 8 vừa qua Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm của Mỹ từ mức cao nhất là AAA xuống AA+, Trung Quốc tăng trưởng không như kỳ vọng, ảnh hưởng xấu đến thị trường toàn cầu. Kinh tế trong nước tháng 7 có khởi sắc nhưng chưa rõ rệt, dự báo trong ngắn hạn khó chuyển biến nhanh; nhu cầu với sản phẩm thiết yếu như năng lượng, dịch vụ chưa phục hồi. Trong tháng 7, giá dầu tiếp tục chịu sức ép từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu, trung bình giá các sản phẩm xăng dầu giảm từ 6 - 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Do chủ động dự báo, nắm bắt tình hình, Petrovietnam nỗ lực duy trì nhịp độ cao trong hoạt động SXKD. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện quyết liệt, sát sao, toàn diện, chú trọng quản trị biến động để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng tốt các cơ hội thị trường. Các cuộc giao ban được duy trì tổ chức hàng tháng trong toàn Tập đoàn để đánh giá toàn diện, khách quan những khó khăn, vướng mắc, dự báo thị trường, đưa ra giải pháp, đồng thời phân bổ chỉ tiêu kế hoạch quản trị cho những tháng tiếp theo. Trong tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn cũng đã tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch quản trị và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của các đơn vị trung và hạ nguồn để rà soát động lực, dư địa đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch quản trị; Đánh giá tổng kết công tác chuyển đổi số, triển khai ERP, triển khai chương trình sáng kiến số theo mục tiêu xây dựng. Việc hợp tác với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, cũng như liên kết chuỗi giá trị, tận dụng nguồn lực trong hệ sinh thái Petrovietnam tiếp tục được chú trọng triển khai, đẩy mạnh nhằm phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của Petrovietnam và các đối tác tham gia.
Nhờ kiên trì nỗ lực, hoạt động SXKD của Tập đoàn được quản trị một cách chặt chẽ. Bức tranh về thực hiện các nhiệm vụ sáng rõ trên các phương diện với những mặt đạt được cũng như các vấn đề còn tồn đọng, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế, bám sát các mục tiêu đề ra; duy trì ổn định hoạt động SXKD và đầu tư, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu quan trọng
Tháng 7, hoạt động SXKD của Tập đoàn được triển khai tích cực. Mặc dù huy động điện, khí thấp hơn so với tháng trước do bước vào mùa mưa và việc ưu tiên huy động thủy điện nhưng nhờ tăng trưởng sản xuất ở các sản phẩm chủ lực khác như xăng dầu, phân bón góp phần đưa kết quả SXKD của Tập đoàn tiếp tục hoàn thành ở mức cao so với kế hoạch Chính phủ giao. Trong đó, tháng 7, sản lượng khai thác dầu vượt 15,5% KH tháng; sản lượng khai thác khí vượt 37,3% KH tháng; sản xuất cung ứng điện vượt 47,8% KH tháng; sản xuất đạm vượt 11,3% KH tháng; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) vượt 2,2 lần KH tháng.
Lũy kế 7 tháng năm 2023 tất cả các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức KH từ 3- 28%; một số chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, gồm: sản xuất điện tăng 62,3%; sản xuất xăng dầu tăng 5,4%; khai thác khí tăng 0,6%; LPG tăng 1,6%; sản xuất đạm từ Cà Mau tăng 3,3%; NPK Cà Mau tăng 13,1%. Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng khai thác dầu của Tập đoàn đạt 6,20 triệu tấn, vượt 14,7% KH 7 tháng, bằng 66,8% KH năm; trong đó sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 5,15 triệu tấn, vượt 17,4% KH 7 tháng, bằng 68,5% KH năm; khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 1,05 triệu tấn, vượt 3,1% KH 7 tháng, bằng 59,6% KH năm. Sản lượng khai thác khí đạt 4,79 tỷ m3, vượt 28,4% KH 7 tháng, bằng 80,6% KH năm. Sản xuất và cung ứng điện đạt 14,94 tỷ kWh, vượt 8,8% KH 7 tháng, bằng 62,3% KH năm. Sản xuất Đạm đạt 1,04 triệu tấn, vượt 10,7% KH 7 tháng, bằng 65% KH năm. Sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 4,18 triệu tấn, vượt 25,3% KH 7 tháng, bằng 75,6% KH năm.
Các chỉ tiêu tài chính của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch và đạt tích cực hơn so với mức độ suy giảm giá dầu cũng như tình trạng xuất khẩu kém và đầu tư, tiêu dùng thấp. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 495,7 nghìn tỷ đồng bằng 92% KH 7 tháng; Nộp NSNN toàn Tập đoàn (không bao gồm NSRP) đạt 78,3 nghìn tỷ đồng, vượt 6% KH 7 tháng, hoàn thành KH cả năm 2023, về đích trước 5 tháng.
Trong tháng 7 vừa qua, công tác đầu tư tiếp tục được Petrovietnam chú trọng, triển khai tích cực: Hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành Dự án LNG Thị Vải từ ngày 10/7/2023 (đã cung cấp cho thị trường đến 31/7/2023 đạt 20 triệu m3 LNG; Hoàn thành đầu tư đưa công trình giàn RC8 (của Vietsovpetro) vào khai thác từ ngày 15/7/2023, sớm hơn so với kế hoạch 30 ngày. Các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí được triển khai theo kế hoạch đề ra như: Chuỗi dự án Lô B, Dự án điện Nhơn Trạch 3, 4, Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất;… Công tác tiếp nhận, bàn giao Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV giữa EVN và Petrovietnam diễn ra khẩn trương, tích cực.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc vượng nhận định, với quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023, kỳ vọng rằng trong quý III và quý còn lại của năm sẽ có đột phá trong phát triển kinh tế của đất nước, hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn nói riêng. Để góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ, toàn Tập đoàn tiếp tục tâm thế nỗ lực cao nhất để thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch quản trị đặt ra. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới về: sản xuất, thị trường khí, điện, công tác đầu tư, xử lý tồn đọng trong công tác tái cấu trúc, quyết toán cổ phần hóa ở các đơn vị.
Cùng với việc chỉ đạo cụ thể các vấn đề đối với từng đơn vị, từng lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, kết luận cuộc họp Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Mặc dù hoàn thành vượt mức cao các chỉ tiêu SXKD được Chính phủ giao, tuy nhiên áp lực tăng trưởng của Tập đoàn trong 5 tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn với việc kiên định hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch quản trị đặt ra. Trên cơ sở đó, Tổng Giám đốc Petrovietnam chỉ đạo tiếp tục tập trung công tác đánh giá, dự báo, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện từng tháng, từng quý để bù đắp những chỉ tiêu sản lượng thiếu hụt theo kế hoạch quản trị; kết nối SXKD với phát triển, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội trong biến động thị trường trong và ngoài nước, phát huy vai trò chuỗi giá trị của Tập đoàn; Tập trung xử lý các tồn tại, khó khăn; Tiếp tục tâp trung triển khai các dự án trọng điểm cùng với việc cập nhật danh mục dự án đầu tư sau khi tiếp nhận các dự án mới để đồng bộ trong công tác hoạch định nguồn vốn, dòng tiền triển khai thực hiện; Triển khai đồng bộ chuyển đổi số và chiến lược dịch chuyển năng lượng Tập đoàn; Thúc đẩy hoàn thiện chính sách liên quan đến hoạt động của Tập đoàn sắp tới như: tham mưu đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi); bổ sung các quy chế quản trị nội bộ để đồng bộ với Nghị định 45/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dầu khí 2022; thúc đẩy ban hành Nghị định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP để có đủ căn cứ, cơ sở để triển khai hoạt động SXKD dầu khí trong và ngoài nước.