Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) xác định rõ mục tiêu “Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”. Trong đó, Petrovietnam cần tận dụng cơ hội, nắm bắt thời cơ để hội nhập với khu vực, thế giới để tạo tiền đề cho phát triển bền vững.
Trong gần 62 năm truyền thống và gần nửa thế kỷ thành lập, ngành Dầu khí, Petrovietnam đã và đang giữ vai trò quan trọng, trụ cột của nền kinh tế đất nước. Trong đó, bên cạnh những đóng góp đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lượng thực, an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước, Petrovietnam còn là doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong hợp tác quốc tế, đưa Việt Nam nói chung, ngành Dầu khí, năng lượng nói riêng tiếp cận với khu vực và thế giới.
Xuất phát từ tầm nhìn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một ngành công nghiệp dầu khí mạnh để làm nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước, ngành Dầu khí Việt Nam đã bước những bước đầu tiên với sự giúp đỡ từ những người bạn Liên Xô. Đây có thể coi là dấu mốc đầu tiên trong quan hệ hợp tác quốc tế của Petrovietnam. Mối quan hệ hợp tác dầu khí Việt Nam - Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay được đánh dấu bằng việc ra đời của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro năm 1981, mang lại hiệu quả to lớn cho cả hai quốc gia.
Chỉ vài tháng sau khi nước nhà được thống nhất, ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam tiền thân của Petrovietnam ra đời, mở ra một thời kỳ mới trong việc hợp tác quốc tế. Với tinh thần thân thiện, hữu nghị, ngành Dầu khí tiếp tục thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác với các nước chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật dầu khí đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy ở các trường đại học nổi tiếng của Liên Xô. Bên cạnh đó, các trường đại học nổi tiếng của Azerbaijan, Rumani, Hungary, Ba Lan, Pháp… cũng đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật chủ chốt cho ngành Dầu khí.
Năm 1986, tấn dầu thương mại đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ, đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới, đánh dấu một bước tiến vững chắc, khẳng định một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam. Kể từ thời điểm này, cùng với cả nước bước vào công cuộc “đổi mới”, ngành Dầu khí tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế nhằm xây dựng ngành Dầu khí phát triển đồng bộ và mở rộng lĩnh vực hoạt động, góp sức vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Năm 1992, Petrovietnam ký được hàng chục hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với các đối tác quốc tế. Việc triển khai các hoạt động hợp tác thăm dò khai thác dầu khí của Petrovietnam trong giai đoạn này thể hiện rõ đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước nhằm hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hợp tác với các quốc gia trên thế giới trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trên tinh thần hợp tác hai bên cùng có lợi. Có thể nói, ngành Dầu khí Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam ngay từ những ngày đầu hình thành.
Mối quan hệ hợp tác giữa Petrovietnam với các tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế ban đầu chỉ dừng lại ở việc tham gia vào các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Cùng với việc mở rộng lĩnh vực hoạt động, Petrovietnam đã hợp tác với các tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, chế biến dầu khí, dịch vụ dầu khí, khoa học công nghệ, năng lượng.
Năm 1995, việc Việt Nam gia nhập ASEAN, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ đã mở ra một thời kỳ phát triển hợp tác mới giữa Petrovietnam với các nước trong khu vực cũng như các tập đoàn, công ty dầu khí Hoa Kỳ. Đây cũng là thời kỳ đánh dấu sự vươn lên của Petrovietnam trong tìm kiếm các cơ hội và đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài như: Liên bang Nga, Malaysia, Algeria… bên cạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển các lĩnh vực hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam.
Tháng 9/2006, Việt Nam có tấn dầu thô đầu tiên được khai thác tại Malaysia. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng với ngành Dầu khí Việt Nam, đánh dấu sự thành công của việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí của Petrovietnam, góp phần gia tăng sản lượng khai thác dầu khí của toàn ngành Dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trong giai đoạn 2006-2007, Petrovietnam đã hoàn thành xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài, cũng như tạo lập nền ngoại giao dầu khí. Việc triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam trong giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao và sự tháo gỡ kịp thời của Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam ngày càng phát triển và gặt hái được nhiều thành công.
Bên cạnh đó, Petrovietnam còn tích cực tham gia, có nhiều tham luận, nghiên cứu được trình bày tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về năng lượng, dầu khí do các nước, các tổ chức năng lượng, tập đoàn, công ty dầu khí trên thế giới tổ chức. Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, Petrovietnam đã gia nhập Hội đồng Dầu khí các quốc gia Đông Nam Á (ASCOPE) từ năm 1996. Kế từ khi gia nhập, Petrovietnam luôn tham gia tích cực các hoạt động của ASCOPE thông qua các tiểu ban. Ngoài ra, Petrovietnam cũng tổ chức thành công các kỳ họp luân phiên của ASCOPE, các hội nghị, triển lãm ASCOPE, giao lưu thể thao ASCOPE Games. Hiện tại, Petrovietnam đang đảm nhận vị trí Tổng thư ký ASCOPE nhiệm kỳ 2019-2024.
Có thể khẳng định, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế tiên phong trong hợp tác quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay Tập đoàn đang triển khai thực hiện hoạt động dầu khí tại 14 nước trên thế giới. Petrovietnam đã xây dựng được thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và đặc thù, không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng.
Trong thời điểm hiện nay, xu hướng dịch chuyển năng lượng đã diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, Petrovietnam cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Petrovietnam đã chủ động các giải pháp để nắm bắt thời cơ, đón đầu xu hướng cũng như chuẩn bị cho những giai đoạn phát triển tiếp theo. Những năm gần đây, các lĩnh vực chính của Petrovietnam đã phát triển mạnh mẽ để đáp ứng với những thay đổi từ thị trường. Đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ dầu khí khi không những đáp ứng tối đa thị trường ngành Dầu khí, các ngành công nghiệp trong nước, mà còn mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam ra nước ngoài, bảo đảm đúng mục tiêu phát triển đã được Bộ Chính trị định hướng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những năm gần đây, Petrovietnam đã làm việc với các doanh nghiệp, đối tác trong nhiều lĩnh vực để tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải…
Nhằm triển khai chiến lược về dịch chuyển năng lượng của Petrovietnam, đặc biệt là thực hiện những bước đi quan trọng cho việc hình thành và phát triển lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi, tháng 5/2022, trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Washington dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, Petrovietnam do Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng dẫn đầu đã có các buổi làm việc với Tập đoàn AES và Tập đoàn General Electric (GE) để nghiên cứu các cơ hội đầu tư điện gió tại Việt Nam. Đoàn công tác của Petrovietnam đã có nhiều chuyến thăm, làm việc tại một số nước đã có kinh nghiệm triển khai các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi như Na Uy để nghiên cứu, đánh giá về việc triển khai các dự án tương tự khi có cơ hội.
Gần đây, tháng 6/2023, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Petrovietnam và Công ty Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc (KNOC) đã ký Bản ghi nhớ hợp tác duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực E&P tại Việt Nam cũng như nghiên cứu khả năng hợp tác về các giải pháp nhằm giảm thiểu khí thải carbon như CCS, hydrogen/amoniac... tại Việt Nam và nghiên cứu cơ hội đầu tư các dự án kho ngầm dự trữ dầu thô.
Bên cạnh đó, để có đủ sức đương đầu trước tốc độ hội nhập sâu rộng, Petrovietnam đã tập trung tái cấu trúc Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên để tăng trưởng về quy mô tài sản và lượng vốn hóa, tạo sức cạnh tranh lớn khi hội nhập quốc tế, đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý và quản trị doanh nghiệp. Petrovietnam xác định để phát triển lâu dài và bền vững hơn cần phải phát huy sự liên kết nội lực từ đó cho ra đời các chuỗi liên kết giá trị, tạo cơ sở để các doanh nghiệp trong Tập đoàn cùng nhau phát triển, cùng nhau hội nhập, tăng sức cạnh tranh trên thị trường dầu khí, năng lượng đầy biến động hiện nay.
Để bảo đảm cho các mục tiêu tăng trưởng, trong thời gian tới, an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam mà trong đó, Petrovietnam - Tập đoàn giữ vai trò vị trí trụ cột trong lĩnh vực năng lượng của đất nước sẽ phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực để nắm bắt, tận dụng cơ hội, đột phá để xây dựng phát triển Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu đất nước, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khánh An